Quốc tế

Biến thể Delta đe dọa sự phục hồi kinh tế thế giới

Chỉ số PMI toàn cầu liên tục tăng trong các tháng đầu năm với sự dẫn dắt của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU,… khi các quốc gia này hoàn thành tiến độ tiêm chủng nhanh và kinh tế dần phục hồi.

Tìm hiểu dòng xe tăng nội địa Ấn Độ đắt hơn cả T-90 và M1A2 Abram / Tên lửa 3UBK21 Sprinter của T-14 Armata có thể diệt mục tiêu cách xa 12 km?

Tuy nhiên, biến thể mới của virus Sars-CoV-2 đã khiến xu hướng phục hồi kinh tế thế giới chậm dần. Chỉ số PMI, mặc dù vẫn trên 50 điểm thể hiện xu hướng mở rộng sản xuất, nhưng bắt đầu giảm dần từ tháng 6/2021.

Kinh tế thế giới hiện tại vẫn còn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhưng đang trong xu hướng dần hồi phục. Ảnh minh họa

Diễn biến đại dịch COVID-19 trên toàn cầu có dấu hiệu suy giảm sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 8. Tính đến ngày 18/9/2021, số ca nhiễm toàn cầu khoảng 228 triệu ca với 4,68 triệu ca tử vong, tâm dịch vẫn chủ yếu ở các nước đang phát triển có quy mô dân số lớn và tỷ lệ tiêm vắc xin chưa cao như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, các nước Đông Nam Á… cũng như một số nước phát triển đã đạt tỉ lệ tiêm vaccine cao như Mỹ (63% dân số, trong đó 54% dân số tiêm đủ 2 mũi), Anh (71% dân số, trong đó 61% dân số tiêm đủ 2 mũi). Tuy nhiên, dự báo một đợt bùng phát mới có thể sẽ xảy ra vào cuối năm khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, tạo môi trường cho virus phát tán trong điều kiện khí hậu lạnh ở các môi trường công cộng như lớp học, nơi làm việc, các phương tiện giao thông công cộng.

Dịch bệnh đe dọa triển vọng phục hồi

Trong những tháng cuối năm, trước bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với các biến thể của virus Sars-CoV-2, kinh tế thế giới tiếp tục trên đà phục hồi nhờ sự dẫn dắt của các nền kinh tế lớn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 7 dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 6,0% năm 2021 (không thay đổi so với dự báo trước đó vào tháng 4/2021, nhưng có những điều chỉnh tăng tại các quốc gia đang phát triển như Mỹ, Eurozone, Anh, Canada… và điều chỉnh giảm ở một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển). Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 6 đưa ra mức dự báo 5,6% trên cơ sở sự phục hồi mạnh mẽ từ một số nền kinh tế lớn đặc biệt là Mỹ (phản ánh hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ tài khóa quy mô lớn và việc nới lỏng các quy định hạn chế sau đại dịch). Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn tiếp tục gặp khó khăn trước những ảnh hưởng của đại dịch. WB cũng đưa ra cảnh báo rằng bất chấp sự phục hồi, sản lượng toàn cầu sẽ thấp hơn khoảng 2% so với dự báo trước đại dịch vào

Chỉ số PMI toàn cầu liên tục tăng trong các tháng đầu năm với sự dẫn dắt của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU,… khi các quốc gia này hoàn thành tiến độ tiêm chủng nhanh và kinh tế dần phục hồi. Tuy nhiên, biến thể mới của virus Sars-CoV-2 đã khiến xu hướng phục hồi kinh tế thế giới chậm dần. Chỉ số PMI, mặc dù vẫn trên 50 điểm thể hiện xu hướng mở rộng sản xuất, nhưng bắt đầu giảm dần từ tháng 6/2021.

Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhưng áp lực nợ công và tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 của Mỹ tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2020, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm dần. Chỉ số quản trị mua hàng PMI ngành công nghiệp của Mỹ đã bắt đầu hạ nhiệt, trong tháng 8 đạt 61,1 điểm, mặc dù thấp hơn các tháng trước đó nhưng vẫn đạt trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục được mở rộng. Tăng trưởng bán lẻ hàng hóa trong tháng 8 tiếp tục tăng 15,1% so với cùng kỳ cho thấy hoạt động tiêu dùng diễn biến tích cực. Tuy nhiên, số việc làm mới được tạo ra trong tháng 8 chỉ đạt 374 nghìn việc làm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ đạt 61,7% - mức kỷ lục kể từ khi sụt giảm sâu còn 60,2% trong tháng 4/2020.

 

Bên cạnh các dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế, Chính phủ Mỹ đang phải cân nhắc về khoản nợ công khổng lồ cũng như tỷ lệ lạm phát tiếp tục đạt các mốc kỷ lục mới trong bối cảnh Chính phủ nước này tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các chương trình kích thích tài khoá. Lạm phát của Mỹ trong tháng 7 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giữ mức cao kể từ năm 2008 đến nay.

Kinh tế Trung Quốc về cơ bản tiếp tục xu thế hồi phục hậu đại dịch, tăng trưởng 12,7% trong nửa đầu năm 2021 giúp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm trên 6%, song đối mặt với nhiều thách thức. Chỉ số PMI tháng 8 đạt mức 50,1, vẫn nằm trên mức 50, cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ vẫn đang tiếp tục mở rộng nhưng có xu hướng suy giảm và tiệm cận ranh giới suy giảm.

Sản lượng công nghiệp tăng 5,3% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức kỉ lục 25,6% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu thế giới tăng mạnh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi chính sách quản lý kinh tế đang đưa tới những thay đổi lớn cho phát triển kinh tế ở Trung Quốc. Siết chặt quản lý kinh tế hướng tới “thịnh vượng chung” đang được đẩy mạnh, với trọng tâm siết chặt bao gồm các ngành sản xuất gây ô nhiễm, bất động sản, cho đến lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, giáo dục tư nhân, giải trí… Trong bối cảnh đó, nhu cầu nội địa tiếp tục suy yếu, doanh số bản lẻ chỉ tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ vào tháng 8.

Khu vực EU tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực khi các quốc gia nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 và sự hỗ trợ liên tục của các Chính phủ. Trong quý II/2021, kinh tế khu vực đồng Euro đã tăng trưởng 2,0%, vượt qua kỳ vọng của thị trường về mức tăng trưởng 1,5%. Tốc độ tăng trưởng của Liên minh châu Âu cũng tăng từ -0,1% trong quý I lên 1,9% trong quý II/2021.

Ngày 9/9, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone lên 5% trong năm 2021 (cao hơn so với mức 4,6% đưa ra trong dự báo trước đó). Trong số các nền kinh tế lớn nhất khối, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã trở lại mức tăng trưởng dương và tốc độ mở rộng được ghi nhận ở Italy. Mặc dù tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng Euro vẫn duy trì ở mức cao, mức lạm phát này vẫn được đánh giá mang tính chất tạm thời do các yếu tố liên quan đến đại dịch. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, sự xuất hiện của biến thể Delta vẫn là một yếu tố tiềm ẩn, đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế của khu vực này.

 

Làm chậm tăng trưởng một số nền kinh tế

Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại trong quý II/2021 nhưng phục hồi chậm lại trong quý III do sự tái bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Trong quý II/2021, tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản tăng 1,3% so với cùng kì năm ngoái và tăng 0,3% so với quý trước đó. Tuy nhiên, dịch bệnh tái bùng phát tại Nhật Bản đang tác động không nhỏ tới các chuỗi cung ứng quan trọng của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là chuỗi cung ứng của các hãng chế tạo ô tô.

Chỉ số PMI ngành sản xuất giảm nhẹ từ 53 điểm (tháng 7) xuống còn 52,7 điểm (tháng 8). Chỉ số PMI ngành dịch vụ tiếp tục ghi nhận sự suy giảm liên tiếp và đạt 42,9 điểm trong tháng 8. Nguyên nhân được cho là việc ban bố tình trạng khẩn cấp khiến các hoạt động dịch vụ chịu nhiều hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu tiêu dùng. Trong thời gian đại dịch, sản lượng sản xuất bị cắt giảm mạnh và chi tiêu tiêu dùng của người dân cũng gặp nhiều khó khăn, trong khi đây là hai động lực tăng trưởng kinh tế chính của nước này. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được dự báo tăng trưởng âm trong Quý III/2021.

Các quốc gia Đông Nam Á rơi vào khó khăn khi biến chủng virus Delta tăng nhanh và triển khai chiến dịch tiêm chủng còn chậm. Quỹ Tiền tệ quốc tế ngày 27/7 đã hạ dự báo tăng trưởng của các quốc gia Đông Nam Á xuống mức trung bình là 1,8%. Nhóm 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất trong khu vực - gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam bị cắt giảm 0,6 điểm phần trăm, còn 4,3%. Các nước Đông Nam Á này đang phải áp các biện pháp hạn chế đi lại và phong toả để chống dịch, đồng nghĩa đặt ra trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Chỉ số PMI tháng 8 tại khu vực ASEAN giảm về mức thấp trong 14 tháng (44,5). PMI của tất cả các nước trong khu vực đều dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy xu hướng thu hẹp sản xuất. Diễn biến dịch bệnh còn phức tạp được cho là nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất bị sụt giảm nghiêm trọng khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm.

Giá cả có xu hướng tăng

 

Triển vọng đầu tư trên toàn cầu trong xu hướng tăng và có xu hướng chuyển dịch sang khu vực Châu Á. Bất chấp những thách thức của bối cảnh đầu tư “hậu đại dịch”, cuộc khảo sát của các quan chức điều hành và cấp cao từ 100 cơ quan xúc tiến đầu tư của hơn 70 quốc gia cho thấy: 53% người được hỏi kỳ vọng dòng vốn FDI vào lãnh thổ của họ sẽ tăng vào năm 2021; chỉ có 18% dự đoán FDI trong nước sẽ giảm và 4% dự báo sẽ giảm đáng kể - cải thiện hơn so với cuộc khảo sát tương tự vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, sự phục hồi chưa thực sự chắc chắn. Theo báo cáo, chỉ 49% các IPA tham gia dự đoán dòng vốn FDI toàn cầu sẽ tăng vào năm 2021 – điều đó chứng tỏ rằng, mặc dù niềm tin trong nước ngày càng tăng song vẫn tồn tại những thách thức trong thu hút FDI trong bối cảnh hiện nay.

Giá cả thế giới có xu hướng tăng trở lại. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, giá dầu thế giới tăng trở lại trong tháng 9 với giá dầu WTI tăng lên mức 69 USD/thùng trong tháng 9, 10 và 11, và 67 USD/thùng vào tháng 12/2021, so với mức trung bình 65 USD/ thùng trong tháng 8; Giá dầu Brent tháng 9, 10 và 11/2021 dao động ở mức 72 USD/ thùng và giảm nhẹ xuống mức 70 USD/thùng vào tháng 12/2021, so với mức dưới 68 USD/thùng trong tháng 8/2021. Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới đang cho thấy sự chững lại khi nhiều thành phố lớn ở các nền kinh tế trọng điểm phải đối mặt với các đợt bùng dịch phức tạp từ những biến thể mới của COVID-19.

Các tổ chức lớn như IEA, OPEC đều hạ mức dự đoán nhu cầu dầu mỏ trong nửa cuối năm 2021 xuống 5% so với dự báo ban đầu. Giá thép có dấu hiệu tăng sau khi Trung Quốc buộc cắt giảm sản lượng do ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường và cuộc đảo chính ở Guinea – nhà cung cấp bauxit quan trọng trên thế giới. Tính đến giữa tháng 8, tình hình thiếu container rỗng đã hạ nhiệt nhưng giá cước tiếp tục tăng, đặc biệt là thị trường Mỹ. Giá cước vận chuyển biển đến Mỹ đã tăng khoảng 10 lần, từ 2.000-3.000 USD lên mốc 20.000 USD/container 40 feet so với thời điểm đầu năm 2020. Dự báo giá cước vận tải biển sẽ tiếp tục tăng do chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), chỉ số giá thực phẩm thế giới (FFPI) tháng 8/2021 đạt trung bình 127,4 điểm, tăng 3,9 điểm (3,1%) so với tháng 7/2021 và tăng 31,5 điểm (32,9%) so với cùng kỳ năm 2020, do mức tăng mạnh của giá đường, dầu thực vật và ngũ cốc. Trong khi đó, nhu cầu lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng cao.

Như vậy có thể nhận thấy, kinh tế thế giới hiện tại vẫn còn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhưng đang trong xu hướng dần hồi phục trong tình trạng thích ứng ‘sống chung’ với dịch bệnh.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm