Quốc tế

Trung Quốc sắp trình làng tiêm kích tác chiến điện tử J-16D

Máy bay tác chiến J-16D của Trung Quốc lần đầu tiên ra mắt tại triển lãm hàng không lớn nhất nước này vào tuần tới.

Younes giúp tàu Iran không gặp lại kịch bản trên Biển Đỏ / Báo Mỹ tin B-21 Raider là 'kẻ hủy diệt S-500 Prometheus"

South China Morning Post dẫn nguồn đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin một chiếc J-16D, loại máy bay tác chiến điện tử dựa trên cơ sở tiêm kích J-16 của Trung Quốc, đã hạ cánh xuống thành phố Chu Hải, miền Nam Trung Quốc hôm 21/9 để chuẩn bị ra mắt tại triển lãm hàng không sắp tới.

Triển lãm Hàng không & Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc kéo dài 6 ngày, dự kiến diễn ra từ ngày 28/9 đến ngày 3/10.

Chiếc J-16D được sơn phù hiệu của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho thấy nó đã được biên chế trong lực lượng không quân nước này.

J-16D có thể được sử dụng để gây nhiễu, phá huỷ và tấn công hệ thống phòng không của đối phương. (Ảnh: Weibo)

J-16D có thể được sử dụng để gây nhiễu, phá huỷ và tấn công hệ thống phòng không của đối phương. (Ảnh: Weibo)


Thượng tá Shen Jinke, phát ngôn viên của Lực lượng Không quân PLA, cho biết J-16D đã tham gia huấn luyện chiến đấu để hỗ trợ khả năng tác chiến điện tử và hỗ trợ mở rộng phạm vi chiến đấu của lực lượng.

Tính năng nổi bật của J-16D bao gồm một số ăng ten trên thân máy bay, dưới mỗi cánh có một cụm thiết bị tác chiến điện tử được thiết kế để gây nhiễu hoặc vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương, đồng thời điều khiển tên lửa chuyên tìm diệt radar. Cụm tác chiến điện tử có thể bảo vệ các máy bay khác khỏi đòn tấn công của đối phương.

Trung Quốc là quốc gia thứ 2 phát triển máy bay tác chiến điện tử trên cơ sở tiêm kích, sau chiếc EA-18G Growler Mỹ. Tương tự EA-18G Growler, J-16D được thiết kế để gây nhiễu các hệ thống của đối phương và bảo vệ các máy bay khác trong các nhiệm vụ tấn công. Các chuyên gia nhận định sự xuất hiện của J-16D cho thấy Trung Quốc đã cải thiện đáng kể khả năng tác chiến điện tử của mình.

“J-16D cho thấy Trung Quốc coi trọng việc chiếm ưu thế trong tác chiến điện tử”, chuyên gia Song Zhongping, cựu giảng viên PLA nói. “Để giành chiến thắng trong xung đột tương lai, một lực lượng quân sự không chỉ cần giành ưu thế trên không hoặc trên biển, mà còn phải chiếm lợi thế trong thông tin và tác chiến điện tử”.

 

Ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết J-16D đã được sửa đổi để cải thiện hệ thống động cơ. Nó sẽ được sử dụng chủ yếu để hỗ trợ tác chiến điện tử cho lực lượng không quân và chế áp hệ thống phòng không của đối phương.

Dòng tiêm kích J-16 lần đầu xuất hiện công khai trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc hồi năm 2017. Bắc Kinh đang vận hành ít nhất ba lữ đoàn tiêm kích J-16, chúng được coi là một trong những trụ cột tương lai của không quân nước này.

J-16 là tiêm kích đầu tiên có thể mang đầy đủ vũ khí do Trung Quốc chế tạo như tên lửa diệt hạm, đối không, tên lửa hành trình đối đất, bom thông minh dẫn đường bằng vệ tinh và các thiết bị đối kháng điện tử (ECM). Tiêm kích mới của Trung Quốc có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chiếm ưu thế trên không hay tấn công mục tiêu mặt đất và diệt hạm.

Theo CCTV, chiếc máy bay không người lái WZ-7 cũng sẽ được giới thiệu tại triển lãm hàng không tới. WZ-7 là một loại máy bay trinh sát không người lái tầm cao, được phát triển và sản xuất trong nước, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ trinh sát biên giới và tuần tra lãnh hải.

Nguồn tin cũng tiết lộ một số phương tiện quân sự khác – bao gồm chiến đấu cơ tàng hình J-20, máy bay vận tải Y-20, máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không KJ-500, oanh tạc cơ H-6K và máy bay huấn luyện JL-10 – cũng sẽ lộ diện tại triển lãm quân sự sắp tới.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm