Quốc tế

Biến thể Delta vẫn tiếp tục phủ “bóng đen” dịch bệnh trên thế giới

Dịch bệnh COVID-19 lắng dịu tại nhiều quốc gia trên thế giới do việc tiêm chủng vaccine đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên, biến thể Delta vẫn tiếp tục gây lo ngại về nguy cơ dịch tái bùng phát.

Chuyện 1 Nga kiều chiến đấu chống Hitler bằng quân đội riêng / Những trận ném bom của Liên Xô xuống Berlin năm 1941 qua hồi ức của người Đức

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 24/6/2021. Ảnh: THX

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 24/6/2021. Ảnh: THX

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 27/6 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 181.524.785 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.932.102 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 355.886 và 7.036 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 166.020.547 người, 11.572.136 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 80.754 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil với 64.134 ca, Ấn Độ 49.851 ca và Colombia 33.594 ca; Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới với 1.463 ca, tiếp theo là Ấn Độ với 1.256 ca và Colombia 693 ca.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ hiện là 34.488.306 người, trong đó có 619.329 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.232.320 ca nhiễm, bao gồm 395.780 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 18.386.894 ca bệnh và 512.735 ca tử vong.

Dịch bệnh COVID-19 lắng dịu tại nhiều quốc gia trên thế giới do tiêm chủng vaccine đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên, biến thể Delta vẫn tiếp tục gây lo ngại tại nhiều khu vực.

 

Khoảng 5 triệu người ở bang Maharashtra của Ấn Độ có thể mắc COVID-19 nếu nước này bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba. Số ca mắc mới có thể lên tới 800.000 ca vào giai đoạn đỉnh điểm. Đây là những tình huống mà chính quyền bang Maharashtra và giới chuyên gia y tế Ấn Độ đang đặt ra và trao đổi trong cuộc họp ban lãnh đạo, trước khi đưa ra quyết định tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế đối với người dân ở bang này.

Giải thích nguyên nhân tại sao bang Maharashtra có nguy cơ cao hơn, chuyên gia y tế cao cấp bang Maharashtra Lav Agarwal cho rằng có khả năng nhiều người sẽ bị nhiễm một số biến thể như Delta Plus và trong nhiều trường hợp có thể lan rộng ra khu vực. Ông cũng cảnh báo hiện nay người dân đang chủ quan, chính quyền địa phương tập trung lo phát triển kinh tế, lơ là và ít quan tâm hơn đến việc chống dịch.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, Tiến sĩ Balram Bhargava, ngày 25/6 cho biết một số quận ở bang Maharashtra vẫn có tỷ lệ dương tính trên 5% là điều đáng lo ngại. Do đó, Tiến sĩ Bhargava đề nghị đây là thời điểm rất nhạy cảm và khuyến nghị chính quyền bang tiếp tục siết chặt các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội ở bang Maharashtra.

Biến thể Delta Plus đầu tiên ở Ấn Độ được phát hiện từ một mẫu ở bang Maharashtra vào tháng 4 vừa qua, chứng tỏ biến thể này đã có mặt ở đó khá lâu. Hiện tại, bang này có số ca nhiễm biến thể Delta Plus cao nhất. Hôm 25/6, Ấn Độ đã được ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do Delta Plus là một phụ nữ 80 tuổi.

Tại Australia, bắt đầu từ chiều 26/6, toàn bộ thành phố Sydney cùng nhiều khu vực khác ở bang New South Wales sẽ bị phong tỏa trong vòng hai tuần, nhằm giảm thiểu số lượng người trong cộng đồng có khả năng phơi nhiễm trước sự lây lan rất nhanh của biến thể Delta.

 

Theo các quy định phòng chống dịch mới, hơn 5 triệu cư dân ở các khu vực trên chỉ có thể rời khỏi nhà với 4 lý do thiết yếu, bao gồm đi chợ mua sắm thực phẩm hoặc các đồ dùng và dịch vụ thiết yếu khác, khám chữa bệnh (trong đó có đi tiêm phòng COVID-19), tập thể dục ngoài trời theo nhóm không quá 10 người, đi làm hay đi học nếu không thể làm tại nhà.

Trong khi đó, các khu vực còn lại của bang New South Wales sẽ phải tuân theo các hạn chế như không tiếp quá năm khách (kể cả trẻ em) tại nhà cùng một lúc, đeo khẩu trang tại tất cả các địa điểm trong nhà, tái áp dụng quy tắc giãn cách xã hội tối thiểu tại các địa điểm trong nhà và ngoài trời.

Hôm qua, Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Delta trong cộng đồng, khiến các nhà chức trách địa phương phải siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch tại một khu vực phía Nam của hòn đảo này.

Theo người đứng cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung, ca mắc trong cộng đồng trên được phát hiện tại huyện Bình Đông, phía Nam đảo Đài Loan. Lực lượng chức năng đã triển khai xét nghiệm trên diện rộng tại khu vực có ca mắc, đồng thời tiến hành cách ly những người tiếp xúc gần với ca bệnh.

Cũng từ ngày 26/6, chính quyền Đài Loan sẽ siết kiểm soát nhập cảnh, trong đó yêu cầu những người đến từ quốc gia nơi mà biến thể mới lần đầu xuất hiện, trong đó có Anh, phải cách ly tập trung. Cho tới nay, Đài Loan đã ghi nhận 14.545 ca mắc COVID-19, trong đó có 623 ca tử vong.

 

Trong khi đó, Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC) cảnh báo nếu biến thể Delta trở thành dòng virus phổ biến ở Canada, có thể dẫn đến sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 với số lượng lớn hơn dự kiến trong mùa Thu này.

Người đứng đầu PHAC, Tiến sĩ Theresa Tam cho biết “sự tái bùng phát” này có thể được kiểm soát nếu các biện pháp bảo vệ cá nhân vẫn được duy trì cho đến khi Canada đạt được mức tiêm chủng cao hơn.

Giới chức y tế cho biết 75% người dân Canada phải được tiêm chủng đầy đủ trước khi các biện pháp bảo vệ ở không gian trong nhà có thể được dỡ bỏ hoàn toàn. Nhưng nếu biến thể Delta trở thành dòng “chủ đạo” ở Canada, Tiến sĩ Theresa Tam cho rằng 80% dân số sẽ phải được tiêm chủng đầy đủ trước khi các biện pháp đó được dỡ bỏ, để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa Thu. Theo Tiến sĩ Tam, tăng nhận thức ở người trẻ tuổi là chìa khóa để giúp tránh kịch bản dịch bệnh bùng phát trở lại. Những người Canada dưới 40 tuổi đang thuộc nhóm chưa đạt mốc 75% tiêm liều đầu tiên.

Tại Italy, Viện Y tế cấp cao (ISS) Italy cho biết số lượng bệnh nhân COVID-19 của nước này mắc 2 loại biến thể Delta và Kappa đã tăng mạnh, chiếm 16,8% số bệnh nhân trong tháng 6 so với mức 4,2% trong tháng 5.

Bà Anna Teresa Palamara, Giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm của ISS, cho hay việc theo dõi dịch tễ học của viện này cho thấy biến thể Delta đang trở nên phổ biến tại Italy, cũng như phần còn lại của châu Âu. Đáng quan ngại hơn, biến thể này có thể làm mất hiệu lực bảo vệ của vaccine và được chứng minh là có khả năng lây lan cao hơn 60%.

 

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết Italy sẽ trở thành quốc gia không còn lệnh giới nghiêm vì COVID-19 sau khi khu vực cuối cùng còn áp đặt quy định này chấm dứt các biện pháp hạn chế vào ban đêm từ ngày 28/6 tới.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP

Iceland ngày hôm qua đã chấm dứt tất cả các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 được áp đặt trước đó trên toàn quốc, 15 tháng sau khi đưa ra biện pháp hạn chế đầu tiên. Quyết định này được đưa ra sau khi Iceland đạt được những tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Theo đó, những quy định về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người sẽ được dỡ bỏ, trong khi các quán bar, nhà hàng cũng được mở cửa trở lại như bình thường từ ngày 26/6. Với quyết định trên, Iceland trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu dỡ bỏ mọi hạn chế sau khi thực hiện lộ trình nới lỏng dần dần theo 4 giai đoạn.

Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế được lên kế hoạch từ trước là vào nửa cuối tháng 6 này, khi mà 75% dân số trên 16 tuổi tại Iceland đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi. Tính đến ngày 24/6, con số này đã tăng lên 88%, tương đương 295.000 người trong tổng số 365.000 dân Iceland đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm