Quốc tế

Biến thể mới Mu có thể sớm xâm nhập vào Campuchia, số ca lây nhiễm cộng đồng ở Lào tiếp tục tăng

Đến sáng 3/9, thế giới có trên 219,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,55 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Chậm tiêm vaccine ngừa COVID-19, kinh tế thế giới 'bốc hơi' hơn 2.300 tỷ USD / WB hỗ trợ các tuyến cơ sở tại Việt Nam ứng phó dịch COVID-19

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 40,4 triệu ca mắc và hơn 661.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn99.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 2/9, nước này ghi nhận hơn45.400 ca mắc mới COVID-19 và 341 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 32,9 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn439.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Bang Kerala đang là tâm điểm bùng phát dịch ở Ấn Độ, chiếm gần 70% ca mắc mới của cả nước và 1/3 số ca tử vong trong 24 giờ qua. Chính phủ Ấn Độ cảnh báo, số ca mắc mới sẽ có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới khi đang vào mùa tựu trường và mùa lễ hội ở nước này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ ba thế giới với hơn 581.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 20,8 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Vương quốc Anh hiện đã lên tới hơn 132.700 người. Con số này mới chỉ bao gồm những người tử vong trong vòng 28 ngày sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Giới chức ngành giáo dục Anh cũng đang bày tỏ lo ngại về việc số ca mắc mới tăng cao trong bối cảnh các học sinh quay trở lại trường tại Anh và xứ Wales. Đến nay, Anh đang đứng thứ 5 thế giới về tổng số ca mắc COVID-19 với trên 6,8 triệu bệnh nhân.

Có thông tin các cố vấn khoa học của Chính phủ Anh đã từ chối đề xuất tiêm vaccine COVID-19 ngừa COVID-19 cho trẻ em vì sự thận trọng và lo ngại ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, Bộ Y tế Anh vừa xác nhận, các bước chuẩn bị đang được tiến hành để đảm bảo trẻ em từ 12-15 tuổi tại Anh sẽ được tiêm chủng từ tháng 9 này. Hiện, hơn 88% dân số trên 16 tuổi tại Anh đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất, trong khi gần 79% đã tiêm cả hai liều.

Biến thể mới Mu có thể sớm xâm nhập vào Campuchia, số ca lây nhiễm cộng đồng ở Lào tiếp tục tăng - Ảnh 1.

Số ca mắc mới tăng cao trong bối cảnh học sinh quay trở lại trường tại Anh và xứ Wales. (Ảnh: AP)

Thủ hiến tỉnh Ontario của Canada, ông Doug Ford, đã thông báo về kế hoạch triển khai hệ thống chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 tại tỉnh đông dân nhất nước này như một biện pháp mở cửa trở lại từ ngày 22/9 tới đây

Trước mắt, tỉnh Ontario sẽ sử dụng chứng nhận do Chính phủ Canada cấp (bản in giấy hoặc bản gửi qua email) và người dân cần xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi vào phòng tập thể thao, rạp hát, nhà hàng không gian trong nhà, các trung tâm tổ chức tiệc cưới, hội trường... Để được coi là đã tiêm chủng đầy đủ, người dân phải tiêm liều thứ hai của vaccine phòng COVID-19 trước đó 2 tuần. Hệ thống này cũng miễn trừ với những trường hợp bị dị ứng với vaccine, người không thể tiêm vaccince do có rủi ro về sức khỏe và trẻ em dưới 12 tuổi.

Theo Bộ Y tế Canada, hiện hơn 82% người dân Canada trên 12 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 và trên 74% dân số đã hoàn thành tiêm chủng.

Hãng tin Reuters cho biết, kể từ tháng 9 này, việc xuất trình Thẻ xanh về COVID-19 là quy định bắt buộc với mọi công dân Italy khi sử dụng các phương tiện công cộng như máy bay, tàu cao tốc, phà, xe bus đường dài, ngoại trừ xe bus vận chuyển trong thành phố. Để có Thẻ xanh, công dân phải xác nhận tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, xét nghiệm âm tính trong 48 giờ trước đó, hay đã khỏi COVID-19 trong 6 tháng trước đó. Quy định mới sẽ áp mức phạt từ 400 - 1.000 Euro với bất kỳ cá nhân hoặc doanh nghiệp nào không chấp hành.

Báo Khmer Times ngày 2/9 đưa tin, thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi tại Campuchia đang được hối thúc khẩn trương đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tốc độ tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi này diễn ra còn chậm và giới chức liên quan cần phải có giải pháp phù hợp để hoàn thành chiến dịch tiêm phòng đúng thời hạn.

 

Tính đến nay, tổng cộng 1.573.131 thanh thiếu niên trong độ tuổi 12 - 17 tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 383.461 em đã tiêm đủ 2 mũi. Xét theo tỷ lệ, 79,98% trong 1,966 triệu thanh thiếu niên Campuchia đã được tiêm phòng để chuẩn bị cho học sinh lớp 9 và lớp 12 quay lại trường học trước. Trong khi đó, 400.000 em còn lại cần được tiêm phòng sớm nhất có thể. Bộ Y tế Campuchia cũng hé lộ kế hoạch tiêm phòng cho trẻ từ 10 - 11 tuổi trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng và có thể mở cửa trở lại tất cả các cấp học.

Bộ Y tế Campuchia ngày 2/9 xác nhận, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 12 người tử vong và 416 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 112 ca nhập cảnh. Tới nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 93.926 ca mắc COVID-19, trong đó 89.500 người đã khỏi bệnh và 1.928 bệnh nhận thiệt mạng.

Bên cạnh biến thể Delta nguy hiểm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2/9 cũng cảnh báo biến thể mới Mu (B.1.621) kháng vaccine, được phát hiện lần đầu ở Colombia hồi tháng 1/2021, có thể sớm xâm nhập vào Campuchia.

Tại Lào, hơn 4 triệu người hiện đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, đưa quốc gia Đông Nam Á này tiến gần hơn đến mục tiêu tiêm vaccine cho 50% dân số trưởng thành vào cuối năm nay. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Thông tin và giáo dục về y tế thuộc Bộ Y tế Lào, tính đến ngày 31/8, trên toàn quốc đã có 2.474.767 người được tiêm mũi vaccine đầu tiên và 1.804.017 người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Trong ngày 2/9, Ủy ban Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về phòng chống và kiểm soát COVID-19 thông báo, Lào có thêm 129 ca nhập cảnh và 41 trường hợp lây nhiễm trong nước. Tới nay, Lào đã ghi nhận 15.459 ca mắc và 14 người tử vong vì COVID-19. Đã có 10.128 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện.

 

Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng với nhiều cụm dịch đáng lo ngại. Đáng chú ý là số trẻ em mắc COVID-19 ở nước này đang có dấu hiệu tăng, khi trong tháng 5 mới chỉ ghi nhận 15 trường hợp, nay đã tăng lên 146 em. Cách thức lây truyền virus gây bệnh COVID-19 ở trẻ em không khác biệt so với ở người lớn. Tuy nhiên, trẻ có những bệnh lý như béo phì hoặc có các vấn đề sức khỏe khác như đái tháo đường, vấn đề về thính giác, hen suyễn hoặc rối loạn chuyển hóa di truyền... có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn.

Bộ Y tế Lào cho biết, trẻ em có thể xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng và việc điều trị phức tạp hơn so với người lớn nhưng ít có nguy cơ bệnh chuyển thể nặng. Vì vậy, Bộ Y tế Lào kêu gọi, các bậc phụ huynh và nhà trường cần chú ý hơn đến giữ gìn sức khỏe của con trẻ, đảm bảo việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị và báo cáo ngay với cơ quan y tế khi phát hiện những biểu hiện nghi vấn để được xử lý kịp thời.

Biến thể mới Mu có thể sớm xâm nhập vào Campuchia, số ca lây nhiễm cộng đồng ở Lào tiếp tục tăng - Ảnh 2.

Hiện tổng số ca mắc ở Thái Lan là trên 1,2 triệu người. (Ảnh: AP)

Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan cùng ngày thông báo, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 14.956 người trong 24 giờ qua. Như vậy, hiện tổng số ca mắc ở Thái Lan là trên 1,2 triệu người. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới tại Thái Lan ở mức dưới 15.000 ca.

Cũng trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 262 ca tử vong, nâng số bệnh nhân không qua khỏi lên 12.103 người. Trong số các ca nhiễm mới, hơn 6.000 trường hợp được phát hiện ở Bangkok và 5 tỉnh lân cận, trong khi hơn 50% số ca tử vong mới cũng đến từ những khu vực này.

 

Trong thời gian gần đây, Thái Lan đang nỗ lực đẩy mạnh chương trình tiêm chủng quốc gia với hy vọng khống chế dịch bệnh. Hơn 800.000 liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm trong ngày 1/9. Cho đến nay, khoảng 12% dân số Thái Lan đã được tiêm chủng đủ liều.

Ngày 2/9, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo có thêm 16.621 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người mắc lên hơn 2 triệu trường hợp. Số người tử vong cũng tăng lên 33.680 ca sau khi có thêm 148 bệnh nhân không qua khỏi.

Phát biểu trước Quốc hội cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Francisco Duque cho biết, Philippines đặt mục tiêu tiêm đủ liều vaccine cho khoảng 77 triệu người, tương đương 70% dân số, nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, quan chức này nhận định, có thể phải đến tháng 2/2022 nước này mới đạt mục tiêu trên. Philippines đã tiêm hơn 33,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Tính đến nay, trên 13,9 triệu người đã được tiêm chủng đủ liều.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi mới đây tuyên bố, nước này đã đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra. Trên phạm vi toàn cầu, WHO đã đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 10% dân số ở mỗi quốc gia vào cuối tháng 9/2021, 40% dân số của mỗi quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% dân số của mỗi quốc gia vào giữa năm 2022.

Theo bà Retno, đến thời điểm hiện tại có ít nhất 140 quốc gia đã tiêm vaccine cho 10% công dân, bao gồm cả Indonesia. Tính đến ngày 1/9, Indonesia đã tiêm 100 triệu liều vaccine COVID-19, đưa quốc gia Đông Nam Á này đứng thứ 7 thế giới về số liều vaccine được tiêm. Bà nhấn mạnh, với dân số đông, các nỗ lực tăng tốc tiêm chủng ở Indonesia sẽ tiếp tục trong thời gian tới, nhưng việc này sẽ không thành công nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng.

 

Indonesia hiện ghi nhận trên 4,1 triệuca mắc COVID-19, trong đó có 134.356 trường hợp tử vong và 3.798.099 bệnh nhân đã bình phục.

Nhật Bản vừa phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Mu, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách "biến thể đáng quan tâm". Hai ca nhiễm biến thể Mu là một phụ nữ từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đến sân bay Narita vào cuối tháng 6 và một phụ nữ khác từ Anh đến sân bay Haneda vào đầu tháng 7.

Trước đó, ngày 31/8, WHO đã đưa biến thể Miu vào danh sách "biến thể đáng quan tâm" vì biến thể này có các đột biến có khả năng vô hiệu hóa tác dụng của vaccine. Biến thể Miu được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021. Cho đến nay, biến thể này đã được xác nhận ở ít nhất 39 quốc gia. Theo WHO, cần có các nghiên cứu bổ sung để hiểu rõ hơn về các đặc điểm của biến thể này.

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, trong cuộc họp trực tuyến ngày 2/9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định sẽ gia hạn thời gian hoạt động của trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại Tokyo và Osaka thêm hai tháng. Như vậy, các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn này sẽ hoạt động đến ngày 25/11, thay vì ngày 25/9 theo quyết định trước đó.

Nhà virus học Jean Ruelle thuộc Đại học Công giáo (Bỉ) cho rằng, biến thể Mu không đáng lo ngại và dường như không tạo ra sự lây lan rộng như biến thể Delta. Theo ông Ruelle, ở những quốc gia xuất hiện biến thể Mu cùng với biến thể Delta, biến thể Delta chiếm ưu thế, ngay cả ở Colombia. Tại Bỉ, biến thể Mu được phát hiện nhiều lần vào tháng 6 và tháng 7, tạo thành những cụm nhỏ nhiễm bệnh, đặc biệt tại một viện dưỡng lão. Chuyên gia này nhấn mạnh, vaccine vẫn có hiệu quả trên 95% trong việc giảm các trường hợp nhập viện và tử vong.

 

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) dựa trên một báo cáo kỹ thuật cho biết, việc tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ ba cho người trưởng thành đã được tiêm phòng đủ 2 liều là không cần thiết. Với kết luận này, đây là lần đầu tiên ECDC khẳng định vị thế của mình trong cuộc tranh luận tại châu Âu về sự cần thiết của việc sử dụng mũi tiêm thứ 3 trong phòng chống COVID-19.

Mặt khác, theo ECDC, một số liều vaccine bổ sung nên được sử dụng cho những người không được bảo vệ đầy đủ sau hai mũi tiêm thông thường, chẳng hạn như những người bị suy giảm khả năng miễn dịch. Theo đó, ECDC ủng hộ khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc không nên sử dụng mũi tiêm thứ 3 đối với những người đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm