Quốc tế

Chậm tiêm vaccine ngừa COVID-19, kinh tế thế giới 'bốc hơi' hơn 2.300 tỷ USD

Tiến độ chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.300 tỷ USD.

Hệ thống y tế Nhật Bản quá tải khi số ca bệnh COVID-19 nặng tăng đột biến / Khi nào các nền kinh tế có thể phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo nghiên cứu được Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) thuộc báo The Economist công bố ngày 25/8, các nước không tiêm đủ vaccine cho 60% dân số vào giữa năm 2022 sẽ chịu tổn thất tương đương 2.000 euro (2.348 tỉ USD) trong giai đoạn 2022-2025. Đặc biệt, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ phải gánh chịu khoảng 70% khoản thiệt hại trên vì tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 còn kém xa các nước giàu hơn. EIU cảnh báo sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine có thể gây phẫn nộ, làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội tại các nền kinh tế đang phát triển.
Theo báo cáo, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nhất khi chiếm 3/4 tổng số tiền thiệt hại trên. Tuy nhiên, nếu xét về tỉ lệ phần trăm của GDP, khu vực phía nam sa mạc Sahara, châu Phi chịu tổn thất nặng nhất. EIU đánh giá tốc độ tiêm chủng tại các nền kinh tế thu nhập thấp là chậm chạp. Tính đến cuối tháng 8, khoảng 60% dân số của các nước thu nhập cao hơn đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi tỉ lệ này chỉ là 1% tại các nước thu nhập thấp hơn.
Trao đổi với báo giới, bà Agathe Demarais, tác giả báo cáo, cho rằng nỗ lực của quốc tế nhằm cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo đã không đạt được mục tiêu dù chỉ được đề ra ở mức vừa phải. Bà nhận định có rất ít cơ hội để có thể cân bằng khả năng tiếp cận vaccine giữa các nước, đồng thời cảnh báo việc các nền kinh tế phát triển đang tiến tới tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguyên liệu thô và tạo nút thắt trong khâu sản xuất.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định đại dịch COVID-19 có thể đã đẩy 80 triệu người tại các nước thành viên ADB ở châu Á (còn gọi là nhóm châu Á đang phát triển) rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực, đe dọa làm chệch hướng tiến độ đạt được các mục tiêu toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói vào năm 2030.
Trong báo cáo quan trọng về khu vực châu Á đang phát triển, ADB ước tính tỉ lệ người nghèo cùng cực - những người có mức sống chưa tới 1,9 USD/ngày - có thể đã giảm từ mức 5,2% của năm 2017 xuống còn 2,6% trong năm 2020 trong kịch bản nếu dịch COVID-19 không bùng phát.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra có thể đã khiến tỉ lệ người nghèo theo ước tính trên tăng thêm khoảng 2 điểm phần trăm trong năm ngoái. Con số này thậm chí có thể cao hơn nếu xét đến tình trạng bất bình đẳng trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và công việc, vốn đều gia tăng do đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động di chuyển và kinh tế.

Vũ khí mạnh nhất để chống lại COVID-19
Theo nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao gấp gần 30 lần người đã tiêm đủ liều.
Theo hãng tin CNBC, nghiên cứu trên được thực hiện dựa trên dữ liệu thu được từ 43.127 ca bệnh ở hạt Los Angeles, bang California từ ngày 1/5 tới 25/7. Theo định nghĩa của CDC, ca nhập viện là ca bệnh tới cơ sở y tế điều trị trong vòng 14 ngày sau khi nhiễm mầm bệnh. Theo đó, những người chưa tiêm vaccine COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao gấp 29 lần những người đã tiêm đủ mũi. Ngoài ra, người chưa tiêm phòng cũng có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao gấp 5 lần người đã tiêm chủng. CDC kết luận: "Dữ liệu về tỷ lệ nhiễm mầm bệnh và nhập viện chỉ ra rằng vaccine bảo vệ con người khỏi nguy cơ nhiễm bệnh cũng như nguy cơ bệnh tiến triển nặng trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh mẽ".
Dữ liệu từ nghiên cứu trên tương đồng với những cảnh báo trước đó từ các quan chức y tế cấp bang và cấp liên bang Mỹ rằng hàng triệu người Mỹ chưa tiêm phòng đang tự đẩy họ đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng khi có thể nhiễm Delta. Giám đốc CDC Rochelle Walensky khuyến cáo: "Nếu bạn chưa được tiêm chủng, bạn nằm trong số những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Đừng đánh giá thấp nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng của loại virus này. Vaccine là công cụ tốt nhất mà chúng ta có để đối phó với đại dịch".
Cho đến nay, gần 4,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới. Tại các nước có thu nhập cao, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), 104 liều vaccine được tiêm cho 100 người. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại 29 nước có thu nhập thấp nhất thì chỉ có 2 liều được tiêm cho 100 người.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt mục tiêu mỗi nước có ít nhất 10% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước cuối tháng 9 tới, sau đó nâng tỉ lệ này lên lần lượt là 40% và 70% vào cuối năm nay và vào giữa năm 2022.
WHO kêu gọi tạm hoãn việc tiêm mũi bổ sung vaccine ngừa COVID-19 nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine. Theo cố vấn WHO Bruce Aylward, “hiện có đủ vaccine trên khắp thế giới, nhưng lại không đến đúng địa điểm theo đúng thứ tự”. Theo ông Aylward, việc tiêm đủ 2 mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước khi mũi thứ 3 tăng cường được áp dụng với những người đã tiêm đủ 2 mũi. Ông cũng cho rằng còn khá lâu nữa thế giới mới đến được mức độ đó.
Tốc độ lây lan của biến thể Delta cao gấp 2 lần phiên bản gốc
Kết quả nghiên cứu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 24/8 cho thấy những người nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao gấp 300 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2.
Mặc dù vậy, theo KDCA, tải lượng virus giảm dần theo thời gian, theo đó, sau 4 ngày kể từ ngày nhiễm sẽ giảm xuống mức cao gấp 30 lần virus gốc và sau 9 ngày xuống mức cao gấp hơn 10 lần. Đặc biệt, sau 10 ngày, tải lượng virus ở người nhiễm biến thể Delta và người nhiễm các biến thể khác là tương đương. Để đưa ra kết luận trên, KDCA đã tiến hành so sánh tải lượng virus của 1.848 bệnh nhân nhiễm biến thể Delta và 22.106 bệnh nhân nhiễm các biến thể khác.
Ông Lee Sang-won, người đứng đầu Bộ phận Điều tra và Phân tích dịch tễ học của Bộ Y tế Hàn Quốc, cho biết tải lượng virus cao hơn đồng nghĩa virus có thể lây lan nhanh hơn, làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh và nhập viện. Tuy nhiên, ông khẳng định điều này không có nghĩa là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn gấp 300 lần so với các biến thể khác. Theo ông, tốc độ lây lan của biến thể Delta chỉ cao hơn 1,6 lần so với biến thể Alpha và gấp 2 lần so với phiên bản gốc virus SARS-CoV-2.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm