Quốc tế

Biến thể nguy hiểm của COVID-19 phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu

Năm 2021 chứng kiến nhiều quốc gia lần lượt mở cửa trở lại, nhưng các biến thể nguy hiểm của COVID-19 vẫn phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.

Căng thẳng Nga - phương Tây chưa hạ nhiệt trong những ngày cuối năm 2021 / WHO: Hơn 3 triệu người tử vong vì COVID-19 trong năm 2021

Các quốc gia gỡ bỏ phong tỏa và mở cửa nền kinh tế

Biến thể nguy hiểm của COVID-19 phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Sân bay JFK, thành phố New York, Mỹ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế. Nguồn Reuters

Sau giai đoạn phong tỏa khắt khe trên diện rộng vì đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới, dẫn đầu là các nước châu Âu và sau đó là Mỹ, bắt đầu tiến trình mở cửa trở lại kể từ quý 2/2021, ban đầu là giữa các địa phương trong nước và sau đó là nội khối Liên minh châu Âu EU. Đến tháng 11, Mỹ chính thức mở cửa biên giới với du khách từ 30 quốc gia trên thế giới, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng với ngành hàng không và du lịch toàn cầu khi đánh dấu việc các thị trường lớn đã cho phép thông thương với nhau trở lại, chấm dứt giai đoạn các quốc gia tự cô lập vì dịch bệnh.

Sau khi rơi xuống đáy trong tháng 4/2021, hoạt động du lịch, lữ hành ở khắp các khu vực trên thế giới bắt đầu xu thế đi lên và theo CNBC, tính đến nay khu vực Bắc Mỹ và châu Âu đã đạt được 80% quy mô trước đại dịch. Khu vực châu Á Thái Bình Dương phục hồi chậm hơn cả, khi mới đạt được quy mô 50%.

Sự xuất hiện của 2 biến thể nguy hiểm là Delta và Omicron đã phủ bóng đen lên đà phục hồi và buộc nhiều quốc gia tái áp đặt các chính sách phong tỏa quy mô hẹp nhằm hạn chế đà lây lan của dịch bệnh.

Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu

Biến thể nguy hiểm của COVID-19 phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu - Ảnh 2.

Tàu container chở hàng sang Mỹ. Nguồn Bloomberg.

 

Có thể nói đứt gãy chuỗi cung ứng là vấn đề nghiêm trọng nhất của kinh tế thế giới năm 2021. Và tuy nói rằng chuỗi cung ứng bị "đứt gãy", trên thực tế vấn đề thực sự nằm ở sự quá tải, mất cân bằng và chi phí vận chuyển bị đội lên quá cao.

Để đẩy nhanh tiến trình hồi phục kinh tế, Mỹ và châu Âu đã tung ra hàng loạt gói cứu trợ với quy mô chưa từng có trong lịch sử. Theo IMF, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền các nước chi ra trong đại dịch đã đạt mức 16,9 nghìn tỷ USD, trong đó nước Mỹ chiếm hơn 1/3, tương đương 6 nghìn tỷ. Còn tại châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới, các gói kích thích kinh tế đã được tung ra nhằm hỗ trợ người lao động và mỗi người được trợ cấp hàng trăm USD.

Lượng tiền mặt khổng lồ được bơm trong thời gian ngắn ra thị trường đã đẩy nhu cầu tiêu dùng lên cao, người dân các nước được nhận nhiều tiền cứu trợ sử dụng khoản tiền đó đầu tư chứng khoán hoặc tiêu dùng. Chỉ số chứng khoán Mỹ liên tiếp lập đỉnh lịch sử, và thương mại toàn cầu cũng được dự báo sẽ tăng hơn 20% so với năm 2020 và 11% so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch.

Nhu cầu tiêu thụ tăng vọt, đặc biệt là tại thị trường Mỹ, đã đẩy kim ngạch nhập khẩu lên cao, đặc biệt từ các thị trường châu Á như Trung Quốc và Đông Nam Á vốn là trung tâm sản xuất toàn cầu. Riêng nước Mỹ đã nhập khẩu số lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 1.888 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4-10/2021, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tăng quá nhanh trong khi các trung tâm sản xuất tại châu Á vốn vẫn chịu cảnh phong tỏa và giãn cách ở nhiều nơi không đáp ứng kịp, dẫn đến tình trạng cầu vượt vung và những nhà nhập khẩu có tiềm lực tại Mỹ chấp nhận bỏ nhiều tiền hơn để được ưu tiên đơn hàng.

Lợi nhuận gia tăng đã khiến các công ty vận tải biển dồn toàn lực cho tuyến đường sinh lời nhất là Mỹ - Trung Quốc, đẩy các tuyến đường biển khác vào tình cảnh khan hiếm tàu chở hàng, đồng thời đẩy giá cước chuyên chở một container tiêu chuẩn có chiều dài 40 feet lên tới trên 20 nghìn USD vào tháng 11/2021, tăng 13 lần so với một năm trước đó. Bên cạnh đó, để tăng tốc độ quay vòng, các hãng tàu không chịu đợi cho đến khi lấp đầy container mà gửi thẳng container rỗng từ Mỹ về Trung Quốc để bắt đầu một đợt vận chuyển mới, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng container rỗng ở rất nhiều tuyến vận tải biển trên thế giới.

 

Ngay cả khi hàng hóa đã được vận chuyển đến cảng biển ở Mỹ, do tình trạng thiếu hụt nhân công nghiêm trọng mà phải mất thêm nhiều tuần hàng hóa mới được bốc dỡ khỏi tàu và sau đó thêm nhiều ngày để hàng hóa được gửi đến các siêu thị trên toàn quốc, thời gian giao hàng kéo dài hơn 30% so với trước đại dịch.

Khủng hoảng năng lượng

Biến thể nguy hiểm của COVID-19 phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu - Ảnh 3.

Đường ống dẫn khí đốt tại Đức. Nguồn ảnh DW.

Cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu trở thành tin tức được cộng đồng quốc tế chú ý khi Trung Quốc bất ngờ tuyên bố cắt điện luân phiên ở hai đại đô thị Bắc Kinh và Thượng Hải từ cuối tháng 9. Ngay sau đó, tình trạng thiếu điện xảy ra ở hàng loạt trung tâm sản xuất quan trọng như Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, ba tỉnh thành đóng góp tới hơn 1/3 GDP của Trung Quốc, và đến tháng 10 thì đã có một nửa số tỉnh thành rơi vào tình trạng thiếu điện diện rộng.

Cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc xuất phát từ nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than của chính quyền trung ương lẫn nhu cầu tiêu dùng thực tế sau đại dịch. Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã ngưng cấp phép hoạt động cho hơn 1000 mỏ than nhằm cải thiện chất lượng không khí, dẫn đến sản lượng khai thác than không tăng kịp với sự gia tăng nhu cầu điện năng, trong khi nhu cầu tiêu dùng bùng nổ hậu đại dịch đã đẩy tiêu thụ điện năng tăng vọt. Những yếu tố này đã khiến giá than đá tại Trung Quốc tăng tới 64% từ 104 USD/tấn vào tháng 1/2021 lên 170 USD/tấn vào tháng 10/2021. Giá nguyên liệu đầu vào cao đã khiến hàng loạt nhà máy nhiệt điện than thua lỗ và buộc phải ngừng hoạt động, dẫn đến tình trạng thiếu điện trên diện rộng.

 

Để giải quyết tình trạng thiếu điện, Trung Quốc đã nới lỏng các quy định khắt khe đối với việc khai thác than đá và tăng cường nhập khẩu than từ các thị trường như Indonesi và Nga. Đến tháng 12/2021, cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc về cơ bản đã được giải quyết.

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu cũng phải đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, xuất phát từ thiếu khí đốt. Không giống như Mỹ, châu Âu gần như phụ thuộc tuyệt đối vào nhiên liệu nhập khẩu. Có tới 90% lượng khí đốt của châu lục đến từ nhập khẩu. Trong quá trình phục hồi sau đại dịch, nhu cầu nhập khẩu năng lượng bất ngờ tăng vọt, trong khi nguồn cung không đáp ứng kịp đã dẫn đến giá khí đốt tự nhiên tăng cao gấp sáu lần so với năm 2020, kéo theo giá điện tăng vì nhiều quốc gia châu Âu sử dụng khí đốt để sản xuất điện.

Hội nghị COP26

Biến thể nguy hiểm của COVID-19 phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu - Ảnh 4.

Hội nghị COP26 tại Anh. Nguồn Reuters.

Diễn ra từ ngày 31/10 đến 13/11, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 hay còn gọi là COP26 đã bị phủ bóng đen bởi hai cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra đồng thời ở Trung Quốc và châu Âu. Các nhà tổ chức đã cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận cụ thể và tức thời về cắt giảm sử dụng các dạng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu thô, tuy nhiên đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia tiêu thụ than đá lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Những cuộc tranh cãi đã khiến Hội nghị phải lùi công bố thỏa thuận chậm một ngày so với kế hoạch, và giảm nhẹ các từ ngữ cam kết, trong đó các bên nhất trí sẽ "giảm dần" sử dụng than đá thay vì hướng tới sự loại bỏ hoàn toàn.

Lạm phát kỷ lục

Biến thể nguy hiểm của COVID-19 phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu - Ảnh 5.

Một siêu thị tại Los Angeles, Mỹ. Nguồn ảnh: Getty.

Như một hệ quả tất nhiên của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, khi mà nhu cầu vượt quá xa khả năng cung ứng hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu bắt đầu leo thang chóng mặt. Trong tháng 11, chỉ số CPI của Mỹ đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982, nghĩa là đạt mức kỷ lục trong vòng gần 4 thập niên. Cùng lúc đó, tỷ lệ lạm phát của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone cũng đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập khối.

Tình trạng lạm phát đã buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ phải chấm dứt sớm chương trình hỗ trợ tăng trưởng và bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ. Đầu tháng 12, FED tuyên bố sẽ giảm quy mô chương trình mua tài sản từ giữa tháng 1/2022 và sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm tới nhằm chống lạm phát leo thang.

 

Trung Quốc siết chặt quản lý các công ty công nghệ

Biến thể nguy hiểm của COVID-19 phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu - Ảnh 6.

Công ty Ant Group thuộc tập đoàn Alibaba của Trung Quốc. Nguồn ảnh: Bloomberg.

Các công ty công nghệ như Alibaba, Tencent từng là các đế chế và là niềm tự hào của đất nước Trung Quốc, nhưng giờ đây lại trở thành đối tượng của các cuộc điều tra chống độc quyền liên miên, đến nỗi chỉ sau một năm, các công ty này đã tuột dốc và rời khỏi nhóm các công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

Sự suy yếu của các đại gia công nghệ có thể là mục tiêu của chính quyền trung ương Trung Quốc. Theo ông Francis Lun, giám đốc điều hành GEO, trong suốt 20 năm qua Trung Quốc đã thả cửa cho giới công nghệ được tự do phát triển mà hầu như không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào, chính sách này đã giúp những công ty tiên phong đạt tới vị thế chi phối, thậm chí độc quyền trên thị trường và thách thức tiếng nói của các nhà quản lý.

Được biết đến dưới cái tên "Chiến dịch Thanh gươm mạng", chính phủ Trung Quốc đã khởi động cuộc cải cách sâu rộng ngành công nghệ từ cuối năm 2020 và đẩy mạnh hơn nữa từ đầu năm 2021. Cũng theo ông Francis Lun, mục tiêu của chiến dịch không phải là để phá hủy các công ty công nghệ hàng đầu mà là chấn chỉnh các công ty này, đặt các hoạt động kinh doanh và đặc biệt là cơ sở dữ liệu người dùng dưới sự kiểm soát của chính phủ và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn trong lĩnh vực công nghệ.

 

Sự phát triển của các dạng tài sản kỹ thuật số

Biến thể nguy hiểm của COVID-19 phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu - Ảnh 7.

Tài sản kỹ thuật số đang ngày càng trở nên phổ biến. Nguồn ảnh: E-market.

Từ chỗ chỉ được xem như một hiện tượng nhất thời và không có tương lai, tiền kỹ thuật số đã phát triển bùng nổ trong năm 2021, thu hút hơn 30 tỷ USD từ các quỹ đầu tư toàn cầu, đưa giá trị thị trường của bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số nổi tiếng nhất thế giới, có thời điểm vượt quá 67.000 USD.

Tiền kỹ thuật số đang dần bước vào dòng chính của ngành tài chính toàn cầu khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang nghiên cứu phát hành đồng tiền số riêng cho nước mình, hay còn gọi là CBDC (tiền điện tử ngân hàng trung ương). Những ý kiến ủng hộ cho rằng CBDC là tương lai của tiền tệ nhờ các ưu thế vượt trội như không phụ thuộc vào tài khoản ngân hàng, không mất phí giao dịch, giao dịch nhanh hơn, an toàn hơn và tiện cho các nhà quản lý truy xuất nguồn tiền.

Sự phát triển của tiền số kéo theo nhu cầu tăng vọt với các dạng tài sản số khác như NFT. Thị trường tài sản số được cho rằng đã đạt đến quy mô hơn 3 nghìn tỷ USD, và vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm