Quốc tế

Lý giải quyết định của Phần Lan chọn tàng hình cơ F-35A “phiên bản phương Bắc”

Với lợi thế về tính năng tàng hình, hệ thống liên kết dữ liệu tiên tiến, các gói quang điện tử tích hợp và chi phí vòng đời, không có gì ngạc nhiên khi Lockheed Martin F-35 Lightning II đã giành được sự tín nhiệm của giới chức quốc phòng Phần Lan.

Nga dự định tập trận Thunder với vũ khí siêu thanh đầu tiên trên thế giới / Thổ Nhĩ Kỳ đưa vũ khí laser vào máy bay không người lái

Chương trình máy bay chiến đấu HX

Năm 2015, báo cáo của nhóm công tác Bộ Quốc phòng Phần Lan đề xuất phải có một giàn máy bay chiến đấu đa nhiệm để thay thế đội máy bay F/A-18C/D Hornet hiện đang có trong trang bị, sẽ bị loại biên vào năm 2030. Kế hoạch nhằm đáp ứng những thay đổi của tình hình và duy trì khả năng phòng thủ của quốc gia Bắc Âu có dân số 5,5 triệu người này. Theo , khoảng 64 máy bay chiến đấu sẽ được mua mới và sẽ đưa vào trang bị trong những năm 2025-2030.

Máy bay F/A-18 Hornet của Phần Lan sẽ bị loại biên vào những năm 2030. Nguồn: theaviationist.com
Máy bay F/A-18 Hornet của Phần Lan sẽ bị loại biên vào những năm 2030. Nguồn: theaviationist.com

Các đảng phái và chính trị gia Phần Lan đã bị chia rẽ do chi phí vận hành vốn là mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà khai thác và vấn đề đã được thảo luận gay gắt ở Helsinki. Có ý kiến cho rằng, thay vì giải pháp chỉ dựa trên các máy bay chiến đấu đa nhiệm, Phần Lan sẽ có lợi hơn khi có được máy bay đánh chặn, tên lửa và các thiết bị phòng không khác, hoặc kéo dài vòng đời của những chiếc Hornet hiện có.

Bắt đầu vào năm 2015 và quyết định việc mua sắm vào năm 2021, Chương trình HX là chương trình của Phần Lan nhằm mua các máy bay chiến đấu đa năng để thay thế các máy bay chiến đấu Hornet hiện tại và sẽ phục vụ cho đến những năm 2060. Tháng 10/2019, Helsinki đã quyết định, việc mua sắm, bao gồm các hệ thống vũ khí, cảm biến, thiết bị hỗ trợ và chức năng, cũng như đào tạo, không vượt quá 10 tỷ euro.

Các ứng viên tiềm năng

Phần Lan đấu thầu mua máy bay chiến đấu mới để thay thế đội F/A-18C/D Hornet đã qua nâng cấp, hiện tại gồm 55 chiếc một chỗ ngồi và 7 chiếc hai chỗ ngồi. Tham gia cuộc đua, có Boeing F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ, Eurofighter Typhoon Tranche 4 của Châu Âu, Dassault Rafale F4 của Pháp và Saab JAS-39E/F Gripen NG của Thụy Điển. Phần Lan đã dành 5 năm để lựa chọn máy bay chiến đấu mới có khả năng không đối không và không đối đất.

Super Hornet cũng bao gồm tùy chọn EA-18G Growler, sẽ cung cấp cho Phần Lan khả năng tấn công điện tử chuyên dụng mới. Máy bay này có tiềm năng xuất khẩu ngày càng tăng, với việc giao hàng cho Kuwait sớm đến hạn và khả năng có đơn đặt hàng từ Đức trong những tháng tới. Tuy nhiên, Super Hornet tương đồng với Hornet hiện tại, bị cản trở bởi thực tế là Hải quân Mỹ, với tư cách là khách hàng lớn nhất, đã tìm cách ngừng đặt hàng máy bay phản lực này.

 

Tờ trình ngân sách cho năm tài chính 2021 của Hải quân dự kiến việc mua sắm Super Hornet sẽ kết thúc sau năm ngân sách đó, thay vì tiếp tục mua đến năm tài chính 2024. Thay vào đó, Hải quân Mỹ đang tìm cách đầu tư cho Chương trình Thống trị trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của Không quân, cùng các chương trình khác.

Bất chấp các đơn đặt hàng “khủng” gần đây từ Trung Đông và mặc dù có những phẩm chất đã kiểm nghiệm như Super Hornet, Rafale và Typhoon thiếu một số tính năng cao cấp của thế hệ thứ năm. Gripen E của Thụy Điển được coi là có cơ hội tốt để giành chiến thắng ở Phần Lan bởi hai quốc gia có chung đường biên giới, vị trí trung lập ngoài NATO và lực lượng không quân của họ đang tiến hành các cuộc tập trận chung thường xuyên, cũng như chia sẻ cơ sở vật chất và không gian của nhau.

Phần Lan đã có các cuộc tham vấn với Thụy Sĩ về việc mua F-35 từ Mỹ. Cũng như Phần Lan, không phải là thành viên NATO, trước đó, quốc gia châu Âu này đã ký thỏa thuận với Washington về việc cung cấp cả máy bay chiến đấu F-35A và hệ thống phòng không Patriot. Tuy nhiên, người Phần Lan không hài lòng với F-35 phiên bản dành cho Thụy Sĩ vì nó không phải là "phiên bản phương Bắc".

Phần Lan quyết chọn tàng hình cơ F-35A “phiên bản phương Bắc”

Theo giới phân tích, “năng lực và tuổi thọ” là lý do chính giúp Lockheed Martin F-35A Lightning II giành chiến thắng trước các đối thủ. Hiện tại, số lượng máy bay chiến đấu mà Phần Lan sẽ mua không được thông báo. Theo một số nguồn tin, khoảng 10 chiếc F-35 trong giai đoạn đầu; thời gian phục vụ trong Không quân Phần Lan có thể vượt quá 25 năm với những chiếc máy bay có đặc điểm tương tự như những chiếc "phiên bản phương Bắc" đã được cung cấp cho Không quân Na Uy trước đó.

 

Một trong những đặc điểm của các phiên bản máy bay này liên quan đến vật liệu được sử dụng để sản xuất bánh xe hạ cánh. Vật liệu đó có thể rút ngắn khoảng cách phanh và giúp máy bay ổn định hơn trong trường hợp hạ cánh trên đường cất hạ cánh phủ đầy băng. Đồng thời, do điều kiện khí hậu đặc biệt, Không quân Phần Lan cũng cần có những “sửa đổi đặc biệt cho máy bay chiến đấu thế hệ mới”.

Helsinki quyết chọn tàng hình cơ F-35A “phiên bản phương Bắc” để trang bị Không quân của mình. Nguồn: defencetalk.com
Helsinki quyết chọn tàng hình cơ F-35A “phiên bản phương Bắc” để trang bị Không quân của mình. Nguồn: defencetalk.com

Vấn đề mua tàng hình cơ F-35A được coi là quan trọng để bảo vệ lãnh thổ rộng lớn của đất nước trước bất kỳ hành động xâm lược nào có thể xảy ra, từ các cuộc tấn công đường không trong thời bình cho đến một cuộc xâm lược quy mô lớn, đặc biệt là khi quy mô của quân đội Phần Lan nhỏ gọn. Việc lựa chọn máy bay chiến đấu của Lockheed Martin sẽ gắn kết quốc gia Bắc Âu với Mỹ trong những thập kỷ tới. Phần Lan không phải là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, mặc dù họ huấn luyện và sử dụng thiết bị tương thích với NATO.

Quyết định mua F-35 cũng cho thấy những lo ngại lớn hơn về chiến lược của Phần Lan, quốc gia giáp biên giới với Nga, với những thay đổi về an ninh và lợi ích địa chính trị ngày càng tăng ở các khu vực Bắc Âu, Bắc Cực và Baltic. Do vị trí địa lý, các phần lãnh thổ của Phần Lan nằm trong hoặc có thể nằm trong khu vực chống tiếp cận/từ chối khu vực (A2/AD) của Nga, là một lý do khác của việc mua sắm tàng hình cơ F-35A.

Với tinh thần đó, gói F-35 do Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) chuẩn bị cho Phần Lan bao gồm 100 vũ khí dự phòng chung AGM-154C-1 (JSOW), 200 vũ khí hỗn hợp AGM-158B-2 - tên lửa không đối đất - tầm bắn mở rộng (JASSM-ER), cùng 120 bộ dẫn hướng cho Đạn tấn công trực tiếp liên hợp GBU-31 (JDAM). Mặc dù những vũ khí tương tự này đã có sẵn cho Hornet của Phần Lan và cũng được bao gồm trong ưu đãi Super Hornet, khả năng phóng tất cả chúng trừ JASSM-ER từ một máy bay phản lực tàng hình bổ sung thêm một ưu thế đáng kể cho F -35.

Đặc biệt, đối với Phần Lan, sự kết hợp của vũ khí tầm xa và nền tảng có khả năng tàng hình là một phương tiện tiềm năng để phá vỡ, hoặc ít nhất là làm suy giảm nghiêm trọng khả năng A2/AD của đối phương. Điều này cũng có thể được thực hiện mà không cần đến khả năng tàng hình, đặc biệt là khi có sự hỗ trợ của các phương tiện tác chiến điện tử cao cấp, nhưng việc ở gần Nga vẫn có thể khiến các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư gặp nhiều rủi ro hơn.

 

Các tiêu chí chính cho quyết định HX bao gồm khả năng quân sự, an ninh nguồn cung, hợp tác công nghiệp, chi phí mua sắm và vòng đời, cũng như các giá trị chung về chính sách an ninh và quốc phòng. Với lợi thế là khả năng tàng hình, hệ thống liên kết dữ liệu tiên tiến và các gói quang điện tử tích hợp, F-35A được cho là thích hợp vì nó thực sự là một máy bay thế hệ tiếp theo và có một cộng đồng người dùng châu Âu đang phát triển (đặc biệt là sau khi Ba Lan sở hữu). F-35 đáp ứng được yêu cầu về chi phí vòng đời và không có gì ngạc nhiên khi sản phẩm của Lockheed Martin đã giành được sự tín nhiệm của giới chức quốc phòng Phần Lan.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm