Quốc tế

Biết bị sao chép, Nga vẫn bán vũ khí cho Trung Quốc

Cảnh báo hoặc trực diện chỉ trích Trung Quốc sao chép công nghệ quốc phòng chỉ có ý nghĩa chứng tỏ không phải Nga không biết.

Nga kiêu hãnh, Mỹ choáng váng về vũ khí siêu thanh / Tốc độ vũ khí siêu vượt âm của Nga tiếp tục gia tăng chóng mặt

Nga trả giá vì bán vũ khí cho Trung Quốc?

Giám đốc phụ trách vấn đề sở hữu trí tuệ thuộc tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga ngày 14/12 đã nhấn mạnh rằng trong gần 20 năm qua, việc nước ngoài sao chép trái phép trang thiết bị của Nga là một vấn đề nghiêm trọng. Quan chức Nga thậm chí đã chỉ thẳng việc Bắc Kinh sao chép bất hợp pháp hàng loạt vũ khí cùng thiết bị quân sự khác.

Ông Livadny nói: “Đã có 500 trường hợp như vậy trong 17 năm qua. Chỉ riêng Trung Quốc đã sao chép các loại động cơ máy bay, máy bay Sukhoi, máy bay phản lực dùng trên tàu sân bay, hệ thống phòng không, tên lửa phòng không vác vai và các hệ thống phòng không tầm trung tương tự như hệ thống Pantsir”.

Điều đáng chú ý là cáo buộc được đưa ra giữa lúc việc buôn bán vũ khí giữa Nga và Trung Quốc đang phát triển mạnh. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2014-2018, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Trung Quốc, bảo đảm đến 70% lượng vũ khí nhập khẩu của Bắc Kinh.

Nga chấp nhận bán vũ khí hiện đại cho Trung Quốc bất chấp thực tế bị sao chép
Nga chấp nhận bán vũ khí hiện đại cho Trung Quốc bất chấp thực tế bị sao chép

Nga bán cả những vũ khí tối tân nhất của mình như tên lửa phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc dù biết trước nguy cơ bị sao chép. Thực chất, đây cũng không phải lần đầu Moscow công khai chỉ trích Bắc Kinh sao chép công nghệ quốc phòng nhưng lượng xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu sụt giảm.

Hợp đồng “đình đám” nhất là thỏa thuận Nga bán cho Trung Quốc 6 hệ thống phòng không S-400 và 24 máy bay chiến đấu Su-35 với giá 5 tỷ USD hồi năm 2015. Trung Quốc được cho là đã hưởng lợi từ công nghệ Nga khi năm 2017, họ đã tung ra mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Thành Đô J-20.

Trung Quốc cũng bị nghi đã dựa vào máy bay chiến đấu Su-27 và hệ thống tên lửa S-300 mua của Nga hồi những năm 1900 để chế tạo cho riêng mình máy bay chiến đấu J-11 và tên lửa đất đối không HQ-9.

Biet bi sao chep,Nga van ban vu khi cho Trung Quoc
Tên lửa phòng không HQ-9 do Trung Quốc sản xuất

Giới phân tích đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính khiến Nga không thể không bán vũ khí cho Trung Quốc. Việc lên tiếng cảnh báo hoặc trực diện chỉ trích như quan chức Rostec đã làm chỉ có ý nghĩa chứng minh người Nga không hề... “mù” trước hành động của đối tác láng giềng.

Nguyên nhân đầu tiên khiến Nga vẫn phải ưu ái Trung Quốc, kể cả các mẫu vũ khí tiên tiến bậc nhất, là vì Moscow cần tiền từ xuất khẩu vũ khí, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do bị phương Tây bao vây cô lập. Nhưng sâu xa hơn vẫn là những lợi ích địa chính trị mà Nga có được trong hợp tác với Trung Quốc, bao gồm cung cấp vũ khí.

Trong hầu hết các phát biểu được phát đi cho thế giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn dành một vị trí đáng kể cho mối quan hệ Nga-Trung, thậm chí coi đây là “hình mẫu” trong quan hệ quốc tế. Điều này vừa mang lại cho Nga “cảm giác” không bị cô lập, rằng Moscow vẫn có những “người bạn” và chung “chí hướng” trong cuộc đối đầu với phương Tây.

Biet bi sao chep,Nga van ban vu khi cho Trung Quoc
Mẫu máy bay chiến đấu J-11 do Trung Quốc sản xuất có thiết kế tương tự Su-27 của Nga

Ngoài vũ khí, Nga cũng cần thị trường Trung Quốc để bán một “mặt hàng” cực kỳ quan trọng khác là năng lượng. Hai nước mới đây đã đưa vào vận hành đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia” dài 1.800 dặm (khoảng 2.800 km) và trị giá 55 tỷ USD. CNN đánh giá, đây là dự án năng lượng quan trọng nhất đối với Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ và cũng là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa hai cường quốc, một thực tế được cho là nhiều rủi ro đối với Mỹ.

Trong lễ khánh thành dự án qua cầu truyền hình, Tổng thống Nga Putin gọi đây là “sự kiện lịch sử đặc biệt… với chúng ta, với Nga và với Trung Quốc”. Ông nhấn mạnh đường ống này “đưa hợp tác năng lượng Nga-Trung lên một tầm cao mới” và đưa hai nước tiến gần hơn tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 200 tỷ USD vào năm 2024.

 

Nga tự tin sức mạnh công nghệ

Giới phân tích quốc tế cho rằng Trung Quốc từ lâu đã sao chép trái phép nhiều loại vũ khí của Nga. Điều này buộc Nga phải có các biện pháp ngăn chặn, trong đó có yêu cầu Trung Quốc phải mua vũ khí với số lượng lớn thay vì chỉ mua một vài mẫu để sao chép. Nga cũng đã đưa vào hợp đồng vũ khí các điều khoản cam kết chống trộm cắp thiết kế, thậm chí còn cố gắng lấy tiền bản quyền từ các bản sao vũ khí Nga của Trung Quốc.

Do quan ngại trước các hành vi đánh cắp công nghệ của Trung Quốc nên vào giữa thập niên 2000, Nga giảm bán vũ khí cho Trung Quốc. Năm 2005, Trung Quốc chiếm 60% doanh số vũ khí xuất khẩu của Nga, trong khi năm 2012, con số này đã giảm xuống còn 8,7%. Sau khi nổ ra khủng hoảng với phương Tây vào năm 2014 về vụ sát nhập vùng Crimea, việc buôn bán vũ khí và hợp tác quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh đã khởi sắc trở lại.

Biet bi sao chep,Nga van ban vu khi cho Trung Quoc
Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc

Dù được coi là chấp nhận hay “mắt nhắm mắt mở” để Bắc Kinh sao chép công nghệ quốc phòng vì lợi ích kinh tế và địa chính trị, người Nga vẫn tỏ ra rất tự tin nắm lợi thế công nghệ trước đối tác láng giềng. Chuyên gia Vasily Kashin tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa Học Nga đánh giá chưa có vụ sao chép nào đủ nghiêm trọng khiến Nga quay lưng lại với một thị trường “béo bở” như Trung Quốc.

Chuyên gia này cho rằng Nga không cảm thấy bị đe doạ vì Moscow vẫn nắm lợi thế công nghệ kể cả khi Trung Quốc “làm nhái” thành công. Ông nói: “Không thể sao chép một số công nghệ trong một khoảng thời gian ngắn, và sao chép công nghệ cũ cũng mất khoảng thời gian ngang với việc phát triển công nghệ mới. Chi bằng lấy tiền của Trung Quốc để tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển và cứ để cho Trung Quốc làm bất cứ điều gì họ muốn” với các công nghệ cũ.

 

Giới phân tích cũng cảnh báo nếu tiếp tục “làm ngơ”, Nga có thể để mất thị trường vũ khí vào tay Trung Quốc. Theo tờ Nikkei Asian Review, Trung Quốc đang nổi lên để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn, cạnh tranh với Nga nhờ công nghệ vũ khí sao chép được và hàng thập kỷ đầu tư mạnh vào quân sự. Tuy nhiên, giới phân tích Nga không tỏ ra lo ngại.

Biet bi sao chep,Nga van ban vu khi cho Trung Quoc
Người Nga vẫn tự tin vượt trội công nghệ quốc phòng và không "nỡ" bỏ thị trường Trung Quốc

Ông Andrei Frolov, Tổng biên tập báo Arms Exports của Nga, giải thích: “Một mặt, Nga lo ngại Trung Quốc sẽ dần dần đẩy Nga ra khỏi thị trường vũ khí truyền thống của mình. Mặt khác, Trung Quốc có tiền và mong muốn hợp tác, vì vậy, đó có thể là cơ hội để Nga phát triển nhờ có tiền và công nghệ của Trung Quốc”.

Thách thức của Nga là làm thế nào “giữ chân” một khách hàng đầy “tham vọng” như Trung Quốc. Người Nga hiện đã phải thừa nhận tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc đã vượt Nga trong một số lĩnh vực. Do đó, ngày càng khó có “hàng” mới để bán cho Trung Quốc. Nga chuyển hướng từ xuất khẩu sang cùng phát triển (như với Ấn Độ), nhưng Trung Quốc lại ưu tiên tự sản xuất hơn.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm