Bức tranh kinh tế thế giới năm 2023
Xe tăng M1A1 Abrams Mỹ sẽ không có cơ hội đối đầu với T-90M Proryv Nga? / Nga sẵn sàng tái sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn thời Liên Xô?
10 sự kiện nổi bật nhất của kinh tế thế giới trong năm 2023
Năm 2023 đã điểm những ngày cuối cùng. Năm nay có thể xem là năm đầu tiên hậu COVID-19, khi thế giới đã hoàn toàn bước qua đại dịch này để tái khởi động lại các hoạt động kinh tế, mở cửa biên giới và dỡ bỏ các hàng rào đi lại.
Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật nhất của kinh tế thế giới trong năm 2023 theo sự lựa chọn của nhóm phóng viên Bản tin Tài chính kinh doanh. Các sự kiện này được sắp xếp theo thứ tự thời gian.
Mỹ áp dụng chính sách hỗ trợ mới cho xe điện
Bước vào năm 2023, Chính phủ Mỹ thúc đẩy các chính sách liên quan đến năng lượng sạch, trong đó có xe điện.
Từ ngày 1/1/2023, người mua xe điện sản xuất tại Bắc Mỹ sẽ được giảm thuế lên đến 7.500 USD. Chính sách này đã thúc đẩy các công ty sản xuất xe lớn xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin xe địên tại Mỹ để tận dụng các ưu đãi thuế quan.
Trung Quốc hạ cấp dịch COVID-19
Sau một năm phục hồi sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại ngày 8/1/2023, khi chính phủ hạ cấp dịch COVID-19 từ loại A xuống loại B, mở cửa biên giới hoàn toàn.
Xuyên suốt cả năm 2023, Bắc Kinh đưa ra nhiều giải pháp kích cầu và tạo động lực mới, lấy lại đà phục hồi ổn định, tăng trưởng tích cực
Kinh tế Đức chính thức rơi vào suy thoái
Trong khi đó, tại châu Âu, đầu tàu kinh tế là Đức chính thức rơi vào suy thoái. Cả năm 2023, kinh tế khu vực châu Âu liên tục gặp áp lực từ các biến động địa chính trị khiến khu vực này hầu như không tăng trưởng trong năm nay.
Lãi suất của FED cao nhất 22 năm
Nói tới lạm phát không thể bỏ qua cuộc chiến trường kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ngày 26/7, FED đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên ngưỡng mục tiêu mới từ 5,25% đến 5,5% - mức cao nhất trong 22 năm.
Lãi suất ECB cao nhất trong lịch sử
Năm 2023 ghi nhận làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Ngày 14/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng 25 điểm phần trăm của 3 loại lãi suất chính, gồm lãi suất tái cấp vốn lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Qua đó đưa 3 loại lãi suất này lên ngưỡng cao nhất kể từ khi đồng Euro ra đời vào năm 1999.
Nhân dân tệ vượt Euro trên thị trường cho vay thương mại
Trong năm qua, lãi suất cao của các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ đã khiến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bị thu hút bởi các tổ chức tài chính Trung Quốc.
Sức tăng trưởng của thị trường cho vay ở Trung Quốc đã khiến đồng Nhân dân tệ trở thành loại tiền tệ cho vay thương mại lớn thứ hai thế giới, vượt cả đồng Euro của châu Âu.
Đức vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Đức năm 2023 sẽ vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Nguyên nhân chính cho sự đổi ngôi này là đồng Yen của Nhật Bản yếu đi, khiến GDP của Nhật Bản giảm khi quy đổi sang USD.
EU chính thức áp dụng cơ chế CBAM
Ngày 1/10/2023, Liên minh châu Âu (EU) chính thức khởi động giai đoạn đầu tiên của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), áp đặt thuế carbon đối với 6 ngành hàng, gồm: sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.
Bắt đầu từ năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ bị tính thuế carbon, tức phải phải mua các chứng chỉ phát thải carbon tương ứng với lượng phát thải vượt quá tiêu chuẩn của EU.
Bùng nổ xung đột Hamas - Israel
Ngày 7/10, xung đột Hamas Israel Hamas Israel bùng nổ. OECD cảnh báo xung đột kéo dài sẽ làm giảm triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024.
Thêm vào đó, trong nửa cuối tháng 12, tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ đặt ra những nguy cơ về gián đoạn tuyến hàng hải thương mại quan trọng của thế giới do đây là huyết mạch vận chuyển khoảng 1.000 tỷ USD giá trị hàng hóa toàn cầu.
COP28 đạt thỏa thuận lịch sử về nhiên liệu hóa thạch
Sự kiện nổi bật nhất kết lại năm 2023 chính là Thoả thuận về khí hậu của Liên Hợp quốc đạt được trong khuôn khổ Hội nghị COP28 diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Sau 13 ngày đàm phán căng thẳng, thoả thuận lịch sử này kêu gọi chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: Bloomberg)
Làn sóng thu hút đầu tư công nghệ cao ở các nước phát triển
Trong năm 2023 có thể nói về cơ bản các ngân hàng trung ương lớn đã khống chế được vật giá và người ta đã có thể nghĩ về các đợt cắt giảm lãi suất kể từ năm tới. Lạm phát không còn là vấn đề nóng, điều đang thu hút sự chú ý đặc biệt lúc này là cuộc chiến nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Năm 2023 chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào nước Mỹ, qua đó biến nước Mỹ trở thành một cứ điểm sản xuất. Không chỉ Mỹ mà các quốc gia khác như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cũng rất tích cực đưa ra các chính sách nhằm thu hút đầu tư.
Theo Forturne, đạo luật Giảm Lạm Phát và đạo luật CHIPS và Khoa học đã bơm tổng cộng 400 tỷ USD vào ngành sản xuất Mỹ dưới các hình thức trợ cấp và đầu tư nhà nước. Các đạo luật đã mở đường cho dòng vốn đầu tư khổng lồ vào các ngành công nghệ cao và năng lượng xanh, trong đó riêng công nghệ sạch và bán dẫn chứng kiến mức tăng vốn cam kết đầu tư gấp 20 lần so với năm 2019.
Theo các chuyên gia, các quốc gia phát triển đang nhìn lại vai trò của ngành sản xuất như một ngành kinh tế quan trọng, đồng thời trở thành quốc gia dẫn đầu và đặt ra tiêu chuẩn định hình các ngành công nghệ triển vọng.
Bên cạnh Mỹ, nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản và châu Âu cũng tích cực thu hút dòng vốn vào ngành công nghệ cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Global Banking and Finance)
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà - Chuyên gia về đầu tư quốc tế cho biết: "Quá trình kéo sản xuất về trong nước và lập lại trật tự của chuỗi cung ứng sẽ không tránh khỏi việc áp đặt theo nguyên lý của các nước mạnh. Mỹ đưa ra 2 giải pháp: Đầu tiên là ra các chính sách ví dụ như tăng đầu tư vào R&D để tự chủ sản xuất các sản phẩm mũi nhọn; hai là kéo sản xuất ở nước ngoài trở về nước, hoặc tạo ra các liên minh mới giữa các nhóm quốc gia xoay quanh trọng tâm là Mỹ để tăng năng lực tự sản xuất. Tức họ từ bỏ lợi ích của "chi phí sản xuất thấp nhất", chấp nhận chi trả một mức "chi phí hợp lý nhất" nhằm cân bằng các lợi ích quốc gia"..
Bên cạnh Mỹ, nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản và châu Âu cũng tích cực thu hút dòng vốn vào ngành công nghệ cao, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể thành công trong việc mang chuỗi sản xuất công nghệ về nước. Việc đặt chuỗi sản xuất tại các nước phát triển với chi phí nhân công cao nhiều khả năng cũng sẽ làm tăng giá các sản phẩm công nghệ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà - Chuyên gia về đầu tư quốc tế nhận định: "Xu thế kéo sản xuất về trong nước chỉ diễn ra mạnh ở một số quốc gia và khó có thể thay thế được đầu tư ra nước ngoài. Ví dụ như ở châu Âu gần đây, mục đích của việc đưa sản xuất trở lại nước mình là để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tăng cường tính linh hoạt tự chủ trong sản xuất; chỉ áp dụng đối vững những lĩnh vực có mức độ tự động hóa cao. Còn như Hàn Quốc, mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu lớn, sức tiêu thụ của thị trường nội địa nhỏ, không làm chủ được nguồn nhiên liệu và năng lượng cho sản xuất… thì sẽ khó có thể hòa vào xu thế này".
Xu hướng thương mại
Nói về các xu hướng nổi bật thì không thể bỏ qua một sự kiện rất quan trọng đã được nhắc đến ở trên đó là việc châu Âu áp dụng cơ chế Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) kể từ ngày 1/10/2023. Điều này đặc biệt đáng chú ý không chỉ với các nước xuất khẩu số lượng lớn hàng hóa vào châu Âu như Việt Nam, mà còn với dòng chảy thương mại toàn cầu.
Đây được xem là một bước ngoặt trong thương mại toàn cầu, khởi đầu cho xu hướng đánh thuế dựa vào mức phát thải carbon, điều mà theo các chuyên gia sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong các năm tới.
Theo bà Nguyễn Hồng Loan - chuyên gia về kinh tế môi trường: "Với việc châu Âu chính thức áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), chúng ta thấy lần đầu tiên các quy định liên quan đến giảm phát thải carbon được quy định cụ thể và đơn phương áp đặt trong hoạt động động thương mại giữa EU và nước thứ ba xuất khẩu.
Có thể chỉ ra một số đặc điểm chính của xu hướng này bao gồm: Các quy định ngày càng chặt chẽ hơn liên quan đến báo cáo về các chỉ số môi trường, phát thải khí nhà kính; Quy định ngày càng chặt chẽ hơn liên quan đến truy xuất nguồn gốc; Yêu cầu ngày càng tăng liên quan đến hành động nhằm bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính…".
Theo các nhà phân tích, những xu hướng về cạnh tranh công nghệ cao và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường trong thương mại quốc tế sẽ là các xu hướng lớn cần chú ý trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng thống Donald Trump nhậm chức: Giá vàng thay đổi chóng mặt, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Quá khứ 'hot boy nổi loạn' của Tổng thống Donald Trump và cú thay đổi ngoạn mục sau khi chuyển trường
Nhiệm kỳ lần thứ 2 của Tổng thống Donald Trump đánh dấu kỷ nguyên mới cho tiền điện tử
Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp
Vì sao Tổng thống Donald Trump tuyệt đối không nhắc đến Nga hay Ukraine khi phát biểu nhậm chức?