Các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc sau đòn áp thuế mới của ông Trump
Mỹ: Ứng viên thứ hai trong đảng Cộng hòa tranh cử với Tổng thống Trump / Gần 20 bang của Mỹ kiện ông Trump vì giam giữ vô thời hạn trẻ di cư
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Khi đợt áp thuế mới của Mỹ nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực, Xentris Wireless, hãng sản xuất phụ kiện điện thoại có trụ sở tại Illinois (Mỹ), đã khẩn trương chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác, bất chấp sự đánh đổi về chi phí, sự bất tiện và mất ổn định.
“Đó là sự bất tiện rất lớn và mất chi phí khổng lồ”, Ben Buttolph, trưởng bộ phận tài chính tại Xentris Wireless, cho biết.
Buttolph mô tả việc Xentris phải xây dựng các nhà máy tại Philippines, Đài Loan và Việt Nam kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra cách đây 18 tháng giống như một “cơn đau đầu trong kinh doanh”.
Buttolph thừa nhận rằng sản xuất hàng hóa tại các nước đang phát triển khác, ngoài Trung Quốc, khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro.
“Phải mất tới 30 năm để xây dựng các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Trung Quốc có nhiều cơ sở hạ tầng mà những nước khác vẫn chưa có”, Buttolph cho biết.
Tuy vậy, Buttolph vẫn hy vọng rằng công ty của ông sẽ không bao giờ phải quay lại Trung Quốc.
“Chúng tôi cố gắng để có nhiều nơi chứng thực cho tất cả sản phẩm của chúng tôi, để nếu bất ngờ xảy ra sự cố với một nơi nào đó, chúng tôi chỉ việc chuyển sản xuất sang một nơi khác”, Buttolph cho biết.
Nhận định về tác động của thuế quan do Mỹ áp đặt lên Trung Quốc, Buttolph cho biết: “Chúng tôi sẽ không bao giờ để rơi vào tình thế như vậy một lần nữa, đa dạng hóa (nơi sản xuất) là một trong những dự tính của chúng tôi”.
Kế hoạch của Tổng thống Donald Trump khi áp thuế 15% đối với 300 tỷ USD hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc buộc các nhà sản xuất như Xentris phải chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi quốc gia Đông Bắc Á. Trong khi đó, các nhà sản xuất khác chấp nhận bị áp thuế hoặc tăng giá.
Đợt áp thuế mới nhất của chính quyền Trump đối với 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9. Đợt áp thuế tiếp theo dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12.
Không quay trở lại Trung Quốc
“Chúng tôi đang rời khỏi Trung Quốc và chúng tôi không có kế hoạch quay trở lại, cả trong thời điểm hiện tại lẫn về lâu dài”, Buttolph nói, đồng thời cho biết công ty của ông đã phải xin lời khuyên pháp lý về tầm nhìn chiến lược khi cuộc chiến thương mại bắt đầu nổ ra.
Theo Buttolph, một số công ty dự báo rằng cuộc chiến thương mại sẽ sớm qua đi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Donald Trump sẽ đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, Xentris Wireless ngay từ đầu đã đưa ra phán đoán dựa trên những lời khuyên rằng, đây sẽ là một cuộc chiến kéo dài.
Richard Roberts, quản lý hậu cần nhập khẩu tại công ty quần áo PacSun có trụ sở tại California (Mỹ), cũng đồng tình với quan điểm rằng cần chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mặc dù việc này khiến các công ty phải đối mặt với những khó khăn tại các quốc gia khác. Với khoảng 10.000 nhân viên, PacSun nhập khẩu khoảng 900 container mỗi năm, trong đó phần lớn là hàng hóa từ Trung Quốc.
“Đợt áp thuế mới nhất khiến gần như không thể nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm nay chúng tôi đang lên kế hoạch chuyển 30% hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sang Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan”, Roberts cho biết.
Việc chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác cũng khiến các công ty phải đối mặt với những khó khăn mới. Theo Roberts, các công ty có thể gặp phải những vấn đề như hàng hóa bị trì hoãn hay thời gian quá cảnh kéo dài, từ đó ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng.
“Các tuyến đường vẫn chưa được xây dựng, vì thế container sẽ mất nhiều thời gian hơn để di chuyển tới cảng”, Roberts cho biết.
Tại hãng luật quốc tế Harris Bricken, nơi giúp các công ty hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, Dan Harris cho biết đòn áp thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc khiến hãng của ông “phát điên” vì các công ty phải tìm cách tránh thuế, thường bằng cách chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung dự kiến sẽ được nối lại trong tháng này. Tuy nhiên, cơ hội để hai nước đạt được một bước đột phá không mấy sáng sủa sau khi Tổng thống Trump gần đây viết trên Twitter rằng, các nhà đàm phán Trung Quốc có thể chờ cho tới khi ông thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau rồi mới ký thỏa thận với Mỹ.
Tom Case, nhà môi giới hải quan với kinh nghiệm 50 năm và là chủ tịch của công ty môi giới hải quan The Camelot gần sân bay O’Hare ở Chicago, cho biết mọi chi phí rốt cuộc đều chuyển đến người tiêu dùng Mỹ.
“Người bị thua thiệt là người đi tới cửa hàng để mua một chiếc tua vít mới. Chiếc tua vít này sẽ có giá cao hơn 25% so với thời điểm trước khi bị ông Trump áp thuế. Người mua chiếc tua vít mới là người phải trả tiền”, Tom Case nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo