Quốc tế

Các nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái

Các chuyên gia đã cảnh báo, quyết tâm chống lạm phát là đúng đắn nhưng sẽ dẫn tới các hệ lụy.

Kỳ tích của người đàn ông bại liệt 70 năm sống trong ‘phổi sắt’ / EU có thể áp lệnh trừng phạt vàng của Nga

BIS cảnh báo nguy cơ lạm phát đình trệ

Ngày 26/6, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã kêu gọi các ngân hàng trung ương nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề lạm phát cao, trong bối cảnh "bóng ma" lạm phát đình trệ, nghĩa là tình trạng kinh tế tăng trưởng thấp trong khi tỷ lệ lạm phát cao, đang rình rập nền kinh tế toàn cầu.

Tổng Giám đốc BIS Agustin Carstens nhận định rằng, các ngân hàng trung ương sẽ cần hành động nhanh chóng và quyết đoán để đảm bảo lạm phát quay trở lại mức thấp và ổn định. Nếu để lạm phát cao trở nên dai dẳng, chi phí để đưa lạm phát quay trở lại tầm kiểm soát sẽ cao hơn. Lợi ích lâu dài của việc duy trì sự ổn định cho các hộ gia đình và doanh nghiệp... lớn hơn bất kỳ chi phí ngắn hạn nào.

Tuyên bố của BIS đã nhấn mạnh một quan điểm đang dần trở nên phổ biến ở nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu, đó là cần ưu tiên nguồn lực cho cuộc chiến chống lạm phát. Cũng trong tuyên bố đưa ra ngày hôm qua, BIS cho rằng rất khó để thiết kế một kịch bản "hạ cánh mềm" - tức là giảm lạm phát mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - và các điều kiện hiện nay đang khiến nhiệm vụ này ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Các nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái - Ảnh 1.

Trên thực tế, chống lạm phát đang trở thành ưu tiên số một ở rất nhiều ngân hàng trung ương lớn, trong đó nổi bật là Cục dự trữ liên bang Mỹ FED và Ngân hàng Trung ương Anh BOE.

FED dự kiến tăng lãi suất thêm 50 đến 75 điểm cơ bản trong các kỳ họp tới, dự kiến lãi suất năm 2022 ở mức 3,4% và lãi suất 2023 ở mức 3,8%.

BOE nâng lãi suất

Còn BOE đã nâng lãi suất lên 1,25% và được dự báo có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong những tháng tới nếu lạm phát không được kiểm soát. Lãi suất của BOE có thể thể đạt đỉnh 3,5% vào tháng 8/2023, sau đó giảm dần vào cuối năm.

ECB nâng lãi suất

Làn sóng tăng lãi suất đang có tác động lan tỏa trên phạm vi toàn cầu và khiến Ngân hàng trung ương châu Âu ECB không thể ngồi yên. Cơ quan này đã phải rút ngắn các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và dự kiến bắt đầu đợt tăng lãi suất đầu tiên trong tháng 7 tới. Tập đoàn đầu tư tài chính Vanguard dự báo, tới cuối năm 2023, lãi suất của ECB có thể chạm mức 2,5%.

Các nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái

Các chuyên gia đã cảnh báo, quyết tâm chống lạm phát là đúng đắn nhưng sẽ dẫn tới các hệ lụy. Hai nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đều được dự báo sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trong thời gian tới, khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong đánh giá hàng năm về kinh tế Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 3,7% trong dự báo đưa ra vào hồi tháng 4. Triển vọng tăng trưởng của năm 2023 và 2024 cũng đều giảm mạnh.

Các nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters.

Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết: "Nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại. Chúng tôi ý thức được rằng, con đường để tránh suy thoái kinh tế tại Mỹ rất hẹp. Chúng tôi cũng cũng nhận ra sự không chắc chắn của tình hình hiện tại. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục hồi phục sau đại dịch, nhưng "các cú sốc lớn" bên ngoài, từ cuộc xung đột tại Ukraine cho tới các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng".

Theo IMF, việc FED đẩy nhanh tốc độ nâng lãi suất trong thời gian qua sẽ tạo ra những điều kiện tài chính chặt chẽ giúp Mỹ nhanh chóng hạ nhiệt lạm phát, mặc dù các rủi ro kinh tế là không thể tránh khỏi.

Bà Kristalina Georgieva cho biết thêm: "Nhiệm vụ chống lạm phát hiện đang rất quan trọng. Đây là ưu tiên hàng đầu, bởi nếu chúng ta không đảm bảo được sự ổn định về giá cả, tăng trưởng kinh tế và thu nhập đều sẽ chịu tác động tiêu cực. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mọi người, mọi gia đình. Thành công trong việc kiềm chế lạm phát sẽ có lợi cho tăng trưởng toàn cầu. Nhưng sẽ phải trả một cái giá cần thiết để đạt được thành công đó".

Kinh tế Eurozone cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi được dự báo có tới 33% nguy cơ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát hiện ở mức kỷ lục 8,1% và được dự báo có thể tăng lên 8,3% trong quý III, sẽ khiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) không có nhiều lựa chọn.

Ông Bas Van Geffen, Chiến lược gia kinh tế vĩ mô Ngân hàng Rabobank, nói: "Kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể khiến ECB tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất, nhưng nếu tình hình lạm phát vẫn không có dấu hiệu lắng dịu, ECB có thể sẽ phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế".

 

Nhiều chuyên gia tài chính hiện đang tỏ ra lo ngại về những rủi ro của nền kinh tế. Giám đốc Điều hành Deutsche Bank và các chuyên gia của Citigroup mới đây đều nhận định, xác suất nền kinh tế thế giới có thể phải đối mặt với suy thoái là gần 50%, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và nhu cầu hàng hóa dần suy yếu.

Lạm phát cao tác động đến Hàn Quốc và Nhật Bản

Tâm điểm của cuộc chiến chống lạm phát lúc này vẫn nằm ở hai bên bờ Đại Tây Dương, nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia châu Á nằm ngoài tác động của cuộc đua lãi suất đang nóng lên. Hai trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã chứng kiến đồng tiền giảm giá xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây, trong khi tỷ lệ lạm phát cũng tăng vọt dưới tác động của tình trạng tăng giá nhiên liệu và lương thực toàn cầu.

Các nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái - Ảnh 3.

Lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc có thể sẽ tăng trên 6% trong giai đoạn từ tháng 6-8/2022.. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết lạm phát tiêu dùng của nước này có thể sẽ tăng trên 6% trong giai đoạn từ tháng 6-8/2022. Đây có thể sẽ là mức tăng cao nhất trong gần 24 năm từ thời điểm khủng hoảng tài chính tiền tệ tháng 11/1998.

 

Trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản trong tháng 5 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức mục tiêu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đề ra trong tháng thứ 2 liên tiếp.Các phân tích của ngân hàng Mizuho cho thấy, sức chịu đựng của các hộ gia đình Nhật Bản đã giảm rõ rệt từ nửa cuối năm tài chính 2021... khi giá dầu tăng mạnh. Cùng với đó là xu hướng cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống và đồ gia dụng.

Để chống chọi các tác động bất lợi, ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã tính đến giải pháp bơm USD ra thị trường để nâng giá đồng won, đồng thời thực hiện đợt tăng lãi suất đáng kể tiếp theo trong cuộc họp ngày 13/7 tới. Trái với xu hướng chung, cho đến nay ngân hàng trung ương Nhật Bản BOJ vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng, nhưng điều này được cho khó có thể kéo dài mà không gây ra các hệ lụy với nền kinh tế Nhật Bản và sức mạnh của đồng yên.

Rõ ràng, dù có độ trễ khác nhau, nhưng giai đoạn hồi phục nhanh, tăng trưởng cao hậu đại dịch COVID-19 đã kết thúc và thế giới đang bước vào một thời kỳ tiền tệ thắt chặt, phục vụ cho cuộc chiến chống lạm phát đang trở thành mối ưu tiên hàng đầu lúc này.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm