Quốc tế

Cách xe bọc thép của Nga thích ứng với mối đe dọa lớn nhất chiến trường Ukraine

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, các lực lượng của Nga đã bắt tay vào thay đổi đáng kể chiến lược tác chiến bằng xe bọc thép giữa bối cảnh các máy bay không người lái trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất chiến trường.

Clip: Pháo tự hành do Đức cung cấp cho Ukraine bị pháo binh Nga phá hủy ở Donbass / Clip: Quân đội Nga thử nghiệm UAV hạng nặng có khả năng mang theo biệt kích và tên lửa chống tăng

Sự phát triển này, được thể hiện qua sự xuất hiện của các phương tiện chiến đấu bộ binh (IFV) tiên tiến và xe tăng mai rùa đã cho thấy sự dịch chuyển chiến lược rộng hơn cũng như nhấn mạnh đến cam kết của Nga trong việc duy trì lợi thế quân sự trên một chiến trường mà UAV ngày càng chiếm ưu thế.

Cải tiến xe bọc thép

Cuộc xung đột ở Ukraine đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm tiềm tàng khi Nga triển khai các IFV thế hệ mới trên chiến trường. BMP-3 và BMD-4M không chỉ là xe chở quân nhân mà còn là cho thấy sự phát triển của kỹ thuật quân sự hiện đại với hỏa lực mạnh mẽ, tính linh động cao và lớp giáp chắc chắn được thiết kế để bảo vệ các binh lính trên chiến trường. Sự xuất hiện của chúng cho thấy sự dịch chuyển sâu sắc trong chiến lược quân sự của Nga, làm dấy lên mối lo ngại về sự leo thang lớn hơn xung đột.

Phương tiện chiến đấu bộ binh BMP-3. Ảnh: Tass

Phương tiện chiến đấu bộ binh BMP-3. Ảnh: Tass

Cùng với sự phát triển này, nhà máy Kurganmashzavod của Nga đã tăng cường sản xuất thêm 20% phương tiện chiến đấu bộ binh BMP-3. Điều này tức là các lực lượng của Moscow sẽ nhận được nhiều hơn 50% phương tiện này năm 2024 so với năm trước và nhấn mạnh đến sự linh hoạt của ngành sản xuất quân sự trong nước bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế khắc nghiệt. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là: các IFV mới có thể mang đến những khả năng gì trong giao tranh và những hệ quả tiềm tàng của việc triển khai phương tiện này trên chiến trường?

BMP-3 và BMD-4M là xương sống của lực lượng bộ binh cơ giới Nga. Trước đó, BMP-1 đã được vũ trang nhưng vẫn dễ trở thành mục tiêu. Tuy nhiên khi BMP-3 ra mắt vào những năm 1980, nó đã khắc phục những thiếu sót trên với thiết kế có thể chinh phục cả địa hình dưới nước và đồi núi. Nó có một khẩu pháo chính cỡ nòng 100mm khai hỏa pháo nổ mạnh và tên lửa chống tăng, đủ sức đối phó với quân đội đối phương cũng như xe tăng và các vị trí kiên cố. Ngoài ra, pháo tự động cỡ nòng 30mm và súng máy 7,62mm đồng trục có hỏa lực đủ mạnh để đối phó với các mục tiêu hạng nhẹ hơn và trực thăng. Khả năng thích ứng của BMP-3 đã mở rộng tính linh động bằng động cơ phản lực dưới nước để tiến hành các chiến dịch đổ bộ và một hệ thống giảm xóc tinh vi để lái trên địa hình gồ ghề.

Trong khi đó, BMD-4M được thiết kế nhẹ hơn và có khả năng cơ động, được đưa vào khu vực chiến đấu và chiếm ưu thế trên chiến trường khi được triển khai. BMD-4M cũng được trang bị những vũ khí mạnh mẽ như BMP-3 nhưng được tăng cường bằng hệ thống kiểm soát hỏa lực đã cải thiện để đạt được độ chính xác lớn hơn. Nó cũng có tên lửa chống tăng dẫn đường có khả năng xuyên giáp và bảo vệ những người vận hành khỏi các mối đe dọa khác nhau

Mặc dù có thiết kế tiên tiến nhưng thực tế khốc liệt của cuộc xung đột ở Ukraine đã thử thách những phương tiện này trong những điều kiện khó khăn. Chúng trở nên dễ tổn thương trước các vũ khí chống tăng hiện đại và chiến thuật UAV của Ukraine. Phản ứng trước thực tế này, nhà máy Kurganmashzavod của Nga đang nhanh chóng triển khai các phiên bản mới nâng cấp của các phương tiện chiến đấu bộ binh tới chiến trường.

 

Sự thích nghi của xe tăng mai rùa

Để thích nghi với tác chiến hiện đại, các lực lượng của Nga cũng cho ra mắt "xe tăng mai rùa" - một phương tiện kỳ lạ nhưng hiệu quả trước mối đe dọa ngày càng gia tăng do các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine gây ra.

Một đoạn video từ cuối tháng 4 đã ghi lại cuộc tấn công xe bọc thép của Nga gần Krashna Harfa, cho thấy đội hình các phương tiện chiến đấu bộ binh được trang bị các tấm bảo vệ chống FPV tương tự như các xe tăng mai rùa. Chiếc xe tăng dẫn đầu được bảo vệ bởi giáp lồng, đã đi trước, dọn sạch mìn và sau đó rút lui an toàn. Chiến thuật này đã cho thấy vai trò kép của xe tăng: Đó là dọn mìn và bảo vệ cho các đơn vị tiến công.

Hồi đầu tháng 5, thiết kế của xe tăng mai rùa đã phát triển hơn nữa. Hình ảnh từ các UAV cho thấy xe tăng T-62 có lớp bảo vệ kết hợp giữa dây xích, lưới chắn và lớp giáp phản ứng nổ. Những điều chỉnh này minh chứng cho sự mờ nhạt về ranh giới giữa giáp lồng truyền thống với lớp "mai rùa" mới. Việc kết hợp các thiết bị tác chiến điện tử và máy dọn mìn cũng cho thấy một hướng tiếp cận toàn diện trước mối đe dọa trên chiến trường.

Bất chấp những đổi mới trên, xe tăng mai rùa không phải là phương tiện bất khả xâm phạm. Các video hồi tháng 5 cũng cho thấy một số trường hợp những xe tăng này bị hư hại hoặc phá hủy bằng mìn và FPV. Một minh chứng nổi bật là trường hợp xe tăng mai rùa bị mìn làm cho bất động và sau đó bị các FPV tấn công. Điều này đã nhấn mạnh đến điểm yếu của xe tăng: Đó là trong khi lớp giáp mang đến sự bảo vệ thì chúng không thể bất khả xâm phạm trước các cuộc tấn công tập trung.

Sự phổ biến của các xe tăng mai rùa trong các đơn vị của Nga bao gồm cả Lữ đoàn Bộ binh Hải quân số 40 đã cho thấy sự thích nghi của Moscow. Theo đó, quân đội Nga đã nhận ra giá trị của những điều chỉnh này và sẵn sàng thí nghiệm với các thiết kế khác nhau để tăng cường hiệu quả của chúng.

 

Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào những giải pháp tạm thời cũng cho thấy một điểm yếu tiềm tàng: Đó là thiếu một hướng tiếp cận thống nhất và phối hợp tập trung để đối phó với các mối đe dọa từ UAV. Khi xung đột tiếp diễn, có thể cả Nga và Ukraine sẽ điều chỉnh chiến lược, dẫn đến sự ra đời liên tục của các sáng kiến và giải pháp.

Việc cho ra mắt các phương tiện chiến đấu bộ binh nâng cấp này là một con dao hai lưỡi. Lớp giáp bổ sung và hệ thống gây nhiễu mang đến sự bảo vệ quan trọng trước các cuộc tấn công UAV. Tuy nhiên, tác động của chúng đến chiều hướng xung đột vẫn chưa chắc chắn. Các lực lượng của Ukraine có thể điều chỉnh chiến lược và những nâng cấp sẽ không còn khiến các IFV bất khả chiến bại. Tuy nhiên, những cải tiến có lẽ mang đến sự bảo vệ tốt hơn cho quân đội Nga, giảm thương vong và tạo đà tiến công mạnh mẽ hơn.

Trong diễn biến không ngừng thay đổi của tác chiến hiện đại, vai trò của UAV đã tăng lên theo cấp số nhân, chuyển đổi chiến lược chiến đấu và tạo ra những thách thức chưa từng có đối với xe bọc thép truyền thống. Nhận ra sự dịch chuyển này, Nga đã bắt tay vào một dự án tham vọng để cách mạng hóa các phương tiện quân sự của mình, đặc biệt là xe tăng T-90 để đối phó với các cuộc tấn công UAV.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M. Ảnh: Tass.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M. Ảnh: Tass.

 

Những thay đổi này cho thấy sự thích ứng trước mức độ phổ biến ngày càng tăng của máy bay không người lái FPV. Các tấm giáp mới, được đặt trên lớp giáp chính khoảng 50cm đã mang đến sự bảo vệ mạnh mẽ trước các cuộc tấn công trên không nhằm vào tháp pháo xe tăng. Ngoài ra, việc lắp đặt thiết bị gây nhiễu ở phía sau tháp pháo, được bảo vệ bởi một tấm giáp khác sẽ tăng cường khả năng phòng vệ của xe tăng trước đạn dược từ UAV.

Những nâng cấp của xe tăng T-90M được thiết kế để giảm các mối đe dọa cụ thể do máy bay không người lái gây ra, vốn đã trở thành một thách thức dai dẳng trên chiến trường hiện đại. Tuy nhiên, bối cảnh mối đe dọa rất đa dạng. Mặc dù những cải tiến này cải thiện khả năng sống sót của xe tăng trước máy bay không người lái, nhưng chúng không giải quyết được hết các rủi ro do vũ khí chống tăng tiên tiến như FGM-148 Javelin hoặc bom chùm Bonus và SMArt 155 gây ra.

Bằng cách tăng cường lớp giáp của T-90M và tích hợp các biện pháp đối phó điện tử tiên tiến, Nga đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và tuổi thọ của xe tăng trong chiến đấu. Thiết kế mới cũng đảm bảo sự bảo vệ toàn diện cho các thành phần quan trọng và khả năng di chuyển của xe tăng.

Bất chấp những tiến bộ này, hiệu quả thực tế của những nâng cấp trên vẫn cần được kiểm tra kỹ lưỡng trong chiến đấu. Sự thành công của lớp giáp mới của T-90M sẽ phụ thuộc vào khả năng chống lại các mối đe dọa trên nhiều mặt mà nó phải đối phó, từ các cuộc tấn công UAV đến các tình hưống phức tạp. Các nhà quan sát quân sự dự đoán, những sửa đổi này đại diện cho giai đoạn đầu của chiến lược lớn hơn nhằm hiện đại hóa đội thiết giáp của Nga với khả năng những cải tiến tương tự sẽ được áp dụng cho các xe tăng khác, chẳng hạn như T-72B3.

 

Sự chuyển đổi chiến thuật của Nga trong xung đột ở Ukraine, được minh chứng bằng việc phát triển và triển khai xe tăng mai rùa cũng như IFV tiên tiến đã phản ứng xu hướng ứng biến và thích ứng nhanh chóng trên chiến trường hiện đại. Những cải tiến này, trong khi có hiệu quả ở mức độ nào đó thì cũng cho thấy những điểm yếu và thách thức mới. Khi hai bên tiếp tục phát triển chiến lược của mình, những bài học rút ra từ sự thích ứng này có thể ảnh hưởng đến các chiến thuật trong chiến tranh cơ giới những năm tới.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm