Cận cảnh vụ phóng tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân của Nga
Mỹ đánh mất một siêu tên lửa Hellfire vào tay phiến quân Houthi / Chiêm ngưỡng tên lửa "lá chắn biển" của Nga được Việt Nam sử dụng
Tên lửa Iskander rời bệ phóng (Ảnh: Sputnik)
Theo hãng tin Sputnik, tên lửa Iskander được phóng từ Kapustin Yar, cơ sở phát triển và phóng tên lửa ở Astrakhan, tây nam Nga. Đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy bệ phóng di động đã phóng tên lửa Iskander trúng mục tiêu giả định.
Hệ thống tên lửa Iskander của Nga có hai biến thể, gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Iskander-M và tên lửa hành trình Iskander-K. Mặc dù hai tổ hợp tên lửa này cùng sử dụng chung một phương tiện phóng, song chúng có những khả năng khác nhau.
Đầu đạn được trang bị trên Iskander là đầu đạn thông thường, tuy nhiên tên lửa này cũng có thể được gắn đầu đạn hạt nhân.
9K720 Iskander là hệ thống tên lửa tầm ngắn của Nga với tầm hoạt động từ 50 - 416 km. Tầm phóng này hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) do Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm tất cả tên lửa phóng từ mặt đất với tầm phóng từ 500 - 5.500 km.
Hồi đầu năm, Bộ Quốc phòng Nga từng công bố phiên bản tên lửa 9M729 được điều chỉnh với tầm hoạt động lên tới 480 km cùng một số đặc tính cải thiện khác. Tên lửa Iskander-M có khả năng tiến hành các cuộc tấn công đòi hỏi độ chính xác cao.
Bộ Quốc Nga ngày 30/8 cũng công bố video tàu hộ tống mang tên lửa hành trình Vyshny Volochek phóng tên lửa hành trình Kalibr trong một cuộc diễn tập hải quân của Hạm đội Biển Đen. Kalibr là tên lửa hành trình phóng từ tàu nổi và tàu ngầm, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm km tùy thuộc vào từng loại biến thể khác nhau và có thể mang đầu đạn có khối lượng tối đa 450kg.
Các vụ phóng tên lửa của Nga diễn ra sau khi quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk hồi tháng trước. Tên lửa bay xa khoảng 500km trước khi đánh trúng mục tiêu giả định.
Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi INF sau khi cáo buộc Nga phát triển tên lửa vi phạm hiệp ước này. Moscow nhiều lần bác bỏ cáo buộc, cho rằng Washington chỉ đang tìm cớ để rút khỏi hiệp ước từng được xem là bước ngoặt trong giai đoạn kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Sau vụ phóng tên lửa của Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác của Nga “nghiên cứu mức độ đe dọa gây ra bởi các hành động của Mỹ và có biện pháp cụ thể để chuẩn bị đáp trả tương xứng”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo