Quốc tế

Căng thẳng Nga - Phương Tây: “Vũ khí hạt nhân tài chính” và những tác động kinh tế

Loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và chặn hoạt động xuất khẩu dầu, khí đốt của Nga là các lựa chọn cứng rắn hơn mà phương Tây có thể áp đặt đối với Nga. Tuy nhiên điều đó không chỉ tác động đến nền kinh tế Nga mà còn cả các quốc gia phương Tây.

Lý do Mỹ và châu Âu vẫn chưa tung bài trừng phạt kinh tế chiến lược với Nga / Tổng thống Putin sẵn sàng cử phái đoàn cấp cao tới đàm phán với Ukraine

Loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và chặn hoạt động xuất khẩu dầu, khí đốt của Nga là các lựa chọn cứng rắn hơn mà phương Tây có thể áp đặt sau khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên những biện pháp này được cho là không chỉ tác động đến nền kinh tế Nga mà còn cả các quốc gia phương Tây cũng như phần còn lại của thế giới, khiến các nước đang phải cân nhắc thận trọng.

Đồng rouble của Nga và đồng USD. Ảnh minh họa: Reuters
Đồng rouble của Nga và đồng USD. Ảnh minh họa: Reuters

Trong bước đi mới nhất, Mỹ ngày 25/2 đã áp lệnh trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov theo sau các quyết định tương tự từ EU và Anh. Cụ thể, các cá nhân bị trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản tại Mỹ. Các công dân Mỹ cũng bị cấm mọi giao dịch bao gồm “lợi ích và tài sản” với các cá nhân bị trừng phạt.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Chắc chắn rằng bước đi mà Mỹ đang thực hiện có sự liên kết và phối hợp với châu Âu gửi đi một thông điệp rõ ràng phản đối các hành động của Tổng thống Nga Putin”.

Trước đó, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải của Nga. Hiện báo chí phương Tây cũng đề cập một số biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Nga bao gồm loại Nga ra khỏi SWIFT - một mạng lưới bảo mật cao kết nối hơn chục nghìn tổ chức tài chính khắp thế giới và chặn hoạt động xuất khẩu dầu, khí đốt của Nga. Loại Nga ra khỏi mạng lưới SWIF sẽ làm trì hoãn các khoản thanh toán mà Nga nhận được đối với xuất khẩu dầu và khí đốt. Khi Swift cấm Iran vào năm 2012, Iran đã mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% thương mại nước ngoài. Trong khi đó, dầu khí chiếm 1/5 nền kinh tế Nga và một nửa thu nhập từ xuất khẩu. Do đó, việc từ chối mua dầu và khí đốt của Nga sẽ là biện pháp trừng phạt rất cứng rắn, tác động đến nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên cả hai giải pháp này đang không nhận được sự đồng thuận chung của Mỹ và các nước châu Âu. Đối với SWIFT, nhiều quốc gia thành viên EU lo ngại loại Nga ra khỏi hệ thống sẽ khiến các chủ nợ châu Âu khó lấy lại tiền của mình. Trong khi đó Nga cũng sẽ tìm cách phát triển một hệ thống song song của riêng mình, cùng với Trung Quốc và sẽ trở thành đối thủ của SWIFT. Lúc đó, Nga sẽ không bao giờ quay trở lại SWIFT và điều này sẽ gây tổn hại cho hệ thống. Còn việc chặn xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga cũng sẽ tổn hại lớn đến những quốc gia châu Âu vốn quá phụ thuộc vào nguồn cung của Nga. Ngay cả việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cũng sẽ làm tăng giá năng lượng, gây tổn hại đến những quốc gia này.

Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde thừa nhận: “Hai kênh chính mà nền kinh tế khu vực đồng Euro sẽ bị ảnh hưởng là thông qua giá năng lượng và vấn đề niềm tin kinh doanh và tiêu dùng. Giá năng lượng, khí đốt và dầu mỏ tăng vọt khi Nga thực hiện chiến dịch tại Ukraine”.

 

Ngân hàng trung ương châu Âu dự kiến sớm đưa ra các phân tích về những tác động của các biện pháp được gọi là "vũ khí hạt nhân tài chính" nhằm vào Nga, với khẳng định tất cả các lựa chọn đều đang để ngỏ.Trong một động thái đe dọa ngược lại, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ trừng phạt lại phương Tây một cách đau đớn, bao gồm việc giảm hoặc ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Pescov khẳng định: “Tất nhiên Nga sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa. Quy tắc có đi có lại sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp này. Liệuchúng đối xứng hay không đối xứng sẽ phụ thuộc vào việc phân tích khi thực hiện, với mục tiêu chính sẽ là lợi ích của nước Nga”.

Xung đột và đổ máu, kéo theo các biện pháp trừng phạt và trả đũa không chỉ tác động tới các bên liên quan mà phần còn lại của thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo những rủi ro kinh tế từ cuộc xung đột đối với sự phục hồi của toàn cầu sau dịch COVID-19, trong khi Tổng Giám đốc IMF nhận định: "Cuộc xung đột sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu bất ổn, làm suy yếu niềm tin vào các thị trường mới nổi khác".

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm