Thị trường toàn cầu chao đảo vì căng thẳng Nga - Ukraine
Vì sao quân đội Nga tìm cách kiểm soát khu vực hạt nhân nguy hiểm Chernobyl? / Điều gì xảy ra sau khi Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine?
Tuần qua, mọi sự chú ý của thế giới đã đổ dồn về Ukraine, khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại quốc gia này. Việc căng thẳng địa chính trị leo thang thành xung đột vũ trang đã khiến các thị trường toàn cầu một phen chao đảo, đặc biệt là mặt hàng nhiên liệu đang "nhảy múa" với nhịp điệu hết sức khó lường.
Ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá dầu thô đã đồng loạt tăng vọt, cả dầu Brent và WTI đều có thời điểm vượt mốc 100 USD/thùng.
Dầu tăng giá được coi là vấn đề mang tính toàn cầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Tình hình càng được quan tâm nhiều hơn tại Liên minh châu Âu (EU), với giá khí đốt giao tháng 3 đã tăng tới hơn 60%, chạm mức cao nhất kể từ năm 2005.
Giá hợp đồng tương lai năng lượng tại Đức cũng chứng kiến mức tăng tương tự. Đây là điều đã được dự báo trong bối cảnh châu Âu nhập khẩu tới hơn 40% khí đốt và khoảng 1/5 lượng dầu thô từ Nga. Khu vực này thời gian tới sẽ phải đối diện với khó khăn không nhỏ nếu nguồn cung năng lượng từ Nga bị gián đoạn.
Nga cam kết duy trì nguồn cung khí đốt ổn định
Trước những lo ngại về gián đoạn nguồn cung năng lượng với châu Âu. Hôm 22/2, ít ngày trước khi xung đột nổ ra, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho thị trường thế giới mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào. Thông điệp này sau đó cũng được Bộ trưởng Năng lượng Nga tái khẳng định tại một hội nghị về khí đốt ở Doha, Qatar.
"Liên bang Nga muốn khẳng định cam kết,sẽ tiếp tục xuất khẩu khí đốt tự nhiên và không có sự gián đoạn nào", Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov nhấn mạnh.
Ngành năng lượng Nga không nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây
Ở chiều ngược lại, trong khi phản đối các hành động của Nga, Mỹ và các nước phương Tây cũng ý thức được tầm quan trọng của nguồn cung năng lượng từ nước này. Do đó, phần lớn hoạt động xuất khẩu năng lượng hay các công ty dầu khí lớn của Nga đều không phải là mục tiêu mà các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm tới.
"Các biện pháp trừng phạt đã được thiết kế để cho phép tiếp tục duy trì việc mua bán năng lượng. Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ các nguồn cung năng lượng để ứng phó với bất kỳ sự gián đoạn nào", Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định.
Tuy nhiên, bất chấp những động thái mang tính trấn an của cả hai bên, thị trường vẫn đang rất bi quan về triển vọng nguồn cung.
Ảnh hưởng từ cuộc xung đột tới nguồn cung năng lượng của châu Âu
Cuộc xung đột tại Ukraine đang ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng cho châu Âu trong cả ngắn, trung và dài hạn. Naftogaz - công ty khí đốt của Ukraine cho biết, chiến sự nổ ra khiến họ gặp một số khó khăn trong việc đảm bảo hiệu suất vận chuyển khí như bình thường.
Còn Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - tuyến vận chuyển khí mới từ Nga vào châu Âu, được kỳ vọng là tuyến cung cấp khí đốt mới cho châu Âu, đã bị Đức tạm dừng cấp phép nhằm phản đối các hành động quân sự của Nga.
Việc các nước EU áp lệnh trừng phạt tài chính với Nga ảnh hưởng gián tiếp đến chuỗi cung ứng năng lượng của châu Âu, khi một số ngân hàng Nga tham gia các chuỗi giao dịch cung ứng năng lượng bị châu Âu cấm vận. Các đối tác xuất nhập khẩu giữa Nga và châu Âu cũng gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, thanh toán, các giao dịch tài chính thậm chí không thực hiện được.
Ngoài ra, tình hình căng thẳng hiện nay có thể khiến các công ty dầu khí phương Tây đối mặt với áp lực từ bỏ cổ phần đầu tư tại Nga. Ví dự như tập đoàn BP của Anh đang phải đối mặt với áp lực từ bỏ 20% cổ phần tại công ty dầu khí Rosneft của Nga.
Dự thảo báo cáo của Ủy ban châu Âu dự kiến công bố trong tháng 3, giá gas và điện tại châu Âu vẫn ở mức cao, ít nhất đến năm 2023.
Nguy cơ giá dầu vọt lên mốc 125 USD
Dầu tăng giá được coi là vấn đề mang tính toàn cầu, bởi Nga đang là trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Nếu cuộc chiến trở nên nghiêm trọng hơn, nguồn cung từ Nga bị gián đoạn sẽ khiến giá dầu tiếp tục leo cao.
Phía Mỹ cho biết đã sẵn sàng mở kho dầu dự trữ quốc gia nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, với việc giá dầu duy trì ở ngưỡng 100 USD/thùng có thể sẽ khiến giá xăng tăng lên mốc 4 USD/gallon (tương đương 20.300 đồng/lít.)
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, nếu những bất ổn quanh cuộc xung đột Nga - Ukraine không sớm được giải quyết êm thấm, nguy cơ giá dầu vọt lên mốc 125 USD là hoàn toàn có thể xảy ra.
Căng thẳng ở Ukraine đe dọa chuỗi cung ứng
Trong trường hợp căng thẳng còn kéo dài, không chỉ năng lượng, mà nhiều loại hàng hóa quan trọng khác cũng được dự báo sẽ tăng giá phi mã trong thời gian tới, đe dọa triển vọng của nền kinh tế thế giới vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Hiện Nga và Ukraine đang chiếm khoảng 29% xuất khẩu lúa mĩ, 19% nguồn cung ngô và 80% sản lượng xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Do vậy, khi căng thẳng leo thang, giá các sản phẩm lương thực này sẽ tăng nhanh. Các chuyên gia của ngân hàng Rabobank dự báo giá lúa mì và ngô có thể tăng 20 - 30% trong thời gian tới.
Còn trên thị trường kim loại, Nga là nhà xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới cả về niken và nhôm. Sau khi xung đột bùng phát, giá nhôm tại sàn giao dịch kim loại London có thời điểm đã chạm mức cao kỷ lục, trong khi giá niken cũng đạt mức cao nhất hơn 1 thập kỷ. Dự báo, sự thiếu hụt và tăng giá mạnh của các kim loại này sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp như xây dựng, bao bì, ô tô và pin xe điện.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bị Đức đình chỉ việc phê duyệt. (Ảnh: Getty Images)
Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp để hạn chế tác động tiêu cực của việc tăng giá năng lượng đối với nền kinh tế. Hàn Quốc đã cân nhắc gia hạn cắt giảm thuế nhiên liệu, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ dùng mọi biện pháp để hạn chế tác động của giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, lạm phát được dự báo có thể gia tăng mạnh tại nhiều nước, buộc các ngân hàng trung ương lớn phải có những sự điều chỉnh chính sách của mình.
FED rơi vào tình thế khó
Mới đây CNBC đã cảnh báo rằng, mức giá năng lượng cao hơn do căng thẳng Nga - Ukraine có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gặp những vấn đề phức tạp hơn trong việc nâng lãi suất. FED đang bị rơi vào một tình thế khó giữa lạm phát cao, giá dầu tăng và tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát đang rất cao, giá năng lượng tăng khiến nó có nguy cơ tăng vọt hơn. Tuy nhiên nếu tăng lãi suất mạnh tay và nhanh như dự kiến để kiềm chế lạm phát thì có thể lại tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, vốn đang phải gánh chịu tác động từ giá nhiên liệu tăng, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP. Nếu không tăng kịp thời, thì người tiêu dùng và nền kinh tế chịu gánh nặng giá cả leo thang.
Vì vậy theo đánh giá của phố Wall, FED vẫn sẽ phải tăng lãi suất vào tháng 3 tới, nhưng mức tăng còn tùy thuộc vào tình hình từ cuộc chiến và các chỉ số kinh tế Mỹ.
Trong tuần tới, thị trường sẽ có thêm thông tin về chỉ số việc làm và đặc biệt là phiên điều trần kéo dài 2 ngày của Chủ tịch FED tại Quốc hội. Ông Jerome Powell dự kiến sẽ đưa ra những đánh giá của FED về tác động của cuộc xung đột lên nền kinh tế và chính sách tiền tệ của Mỹ.
Giá năng lượng tăng mạnh ảnh hưởng thế nào tới chính sách ECB?
Theo dự kiến, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu vào ngày 10/3, mở đường cho các đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỷ để giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao kỷ lục ở châu Âu.
Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã có cuộc họp khẩn trong ngày 25/2 và dự kiến có điều chỉnh lớn về chính sách.
Theo đó, một số chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng cần duy trì chương trình mua trái phiếu ít nhất đến cuối năm 2022, đồng nghĩa với việc lùi lộ trình tăng lãi suất hay nói cách khác là duy trì mức lãi suất âm nhằm tránh nguy cơ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng Euro.
End of content
Không có tin nào tiếp theo