Challenger 2 tham chiến khi Armata xuất hiện
Kinh tế Mỹ có thể suy thoái vào nửa cuối năm 2023 / Sốt ruột vì đợi M1 Abrams, quốc gia NATO quyết định nâng cấp T-55
Hình ảnh được Quân đội Ukraine công bố cho thấy, chiếc Challenger 2 được ngụy trang khá kín đáo đang hoạt động tại điểm nóng chiến sự trong xung đột với Nga.
"Chúng tôi đã chính thức triển khai chiến đấu xe tăng phương Tây viện trợ, trong đó có Challenger 2. Sự xuất hiện của Challenger 2 giúp lực lượng của chúng tôi tăng khả năng đối phó với những xe tăng rất mạnh của Nga", một chỉ huy Quân đội Ukraine cho biết.
Chuyên gia của Army Recognition cho rằng, Challenger 2 có nhiều ưu thế trước phần lớn xe tăng chủ lực đang được Nga triển khai trên chiến trường và có thể giúp Ukraine tung những cú đấm thép uy lực nhằm vào lực lượng thiết giáp đối phương.
Ukraine triển khai chiến đấu tăng Challenger 2.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Ukraine đang chuẩn bị cho chiến dịch phản công vào mùa xuân. Hỏa lực và khả năng cơ động của Challenger 2 được coi là yếu tố quan trọng để quân đội Ukraine tiến hành các mũi thọc sâu, xuyên phá phòng tuyến và chia cắt lực lượng Nga.
Điều đặc biệt trong việc Ukraine công bố hình ảnh Challenger 2 hoạt động chiến đấu là chúng được thực hiện ngay sau khi lực lượng Nga tiết lộ đã điều động siêu tăng T-14 Armata tham gia hoạt động chiến đấu tại Ukraine.
Hãng RIA Novosti dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine đều được bổ sung lớp giáp để tăng hiệu quả bảo vệ trước đạn chống tăng.
"Quân đội Nga bắt đầu dùng xe tăng T-14 Armata nã pháo vào vị trí phòng thủ của Ukraine. Tuy nhiên, chúng chưa tham gia các đợt tấn công trực tiếp. Các kíp lái Armata từ cuối năm 2022 đã tham gia huấn luyện phối hợp tác chiến tại một thao trường ở vùng Donbass", RIA cho biết.
T-14 Armata là mẫu xe tăng thế hệ mới được Nga phát triển từ năm 2015, trang bị nhiều công nghệ mới, khiến nó được gọi là siêu tăng của Nga. Tuy nhiên, loại xe tăng này chưa được quân đội Nga biên chế hàng loạt và cũng chưa tham chiến trực tiếp trên chiến trường trước đây.
Xe tăng thế hệ mới này nặng 55 tấn, nổi bật với tháp pháo điều khiển từ xa gắn pháo nòng trơn 2A82-M1 125mm. Giới quân sự phương Tây đánh giá tháp pháo của T-14 Armata là sáng kiến tiên phong trong ngành chế tạo xe tăng, khắc phục điểm yếu dễ bị thổi bay tháp pháo trên các dòng xe tăng Nga trước đây.
Kíp lái ba người của T-14 Armata ngồi trong khoang bọc giáp kiên cố, tách biệt hoàn toàn với khoang chứa đạn và tháp pháo, giúp tăng khả năng sống sót của họ khi bị đối phương đánh trúng.
Bộ Quốc phòng Anh nhận định, việc Nga đưa tăng T-14 Armata tham chiến ở Ukraine chỉ nhằm quảng bá hình ảnh.
Tuy nhiên, việc đưa Armata tới những khu vực diễn ra giao tranh ác liệt có thể là quyết định mang tính rủi ro cao bởi chúng sẽ phải đối đầu với loạt vũ khí tối tân từ phương Tây, trong đó có tăng Challenger 2.
End of content
Không có tin nào tiếp theo