Quốc tế

Châu Âu muốn thay đổi cán cân năng lượng toàn cầu: "Cái bóng" của Nga lớn đến mức nào?

Từ khi xảy ra cuộc xung đột quân sự ở Ukraine mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt", vấn đề năng lượng đã trở thành bài toán khó đối với các nhà lãnh đạo châu Âu.

Nga cam kết giảm các hoạt động quân sự gần Kiev, Tổng thống Mỹ Biden: Hãy chờ xem! / Chuyên gia hé lộ số tên lửa chính xác QĐ Nga sở hữu - Đủ dùng ở Ukraine thêm... vài năm?

Châu Âu phụ thuộc lớn vào năng lượng nhập khẩu từ Nga

Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc rất lớn vào năng lượng từ nước ngoài phục vụ cuộc sống người dân và phát triển nền kinh tế.

Theo ước tính của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2020, EU tiêu thụ 37.086 pentajoule năng lượng (tương đương khoảng 10.301.666 GWh), trong đó tiêu thụ năng lượng từ dầu mỏ chiếm 35%, từ điện chiếm 23,2%, từ khí đốt chiếm 21,9%. Ba nhóm chủ đạo tiêu thụ năng lượng ở châu Âu là: Giao thông chiếm 28,4%, tiêu thụ hộ gia đình chiếm 28% và công nghiệp tiêu thụ 26,1%.

Đối tác cung cấp năng lượng chính cho EU là Nga với khoảng cách địa lý gần và hệ thống vận tải năng lượng đã được thiết lập từ nhiều thập kỷ qua.

Theo số liệu công bố ngày 07/3/2022 của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat): 62% năng lượng của các nước thành viên EU nhập khẩu từ Nga, tương đương với 99 tỷ Euro trong năm 2021, giảm 14,2% so với năm 2011. Ngoài ra, các đối tác cung cấp năng lượng cho châu Âu khác gồm Na Uy, Algeria, Qatar, Iraq, Nigeria và Ả rập Saudi.

Năm 2011, EU nhập khẩu 77% năng lượng từ Nga, tương đương 148 tỷ Euro. Trong giai đoạn 2011-2021, mức năng lượng nhập khẩu của EU từ Nga cao nhất là vào năm 2012 với 157 tỷ Euro và mức thấp nhất là vào năm 2020 với mức 60 tỷ Euro. Kim ngạch nhập khẩu của EU đối với Nga năm 2021 là 158,5 tỷ Euro, trong đó năng lượng chiếm 99 tỷ Euro.

Tỷ trọng các nguồn năng lượng EU nhập khẩu từ Nga gồm: nhập khẩu 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than đá.

Có ba lý do giải thích cho sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga, nhận định của Giáo sư Anne-Sophie Corbeau thuộc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia của Mỹ, gồm: Thứ nhất, sản xuất khí đốt tự nhiên của châu Âu bắt đầu giảm nhanh sau năm 2010. Thứ hai, nhu cầu năng lượng của châu Âu ổn định trong năm năm qua. Thứ ba, nguồn cung năng lượng thay thế Nga không đủ đáp ứng nhu cầu của châu Âu.

Cấm vận ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng Nga cho châu Âu

Từ khi xảy ra cuộc xung đột quân sự ở Ukraine mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt", vấn đề năng lượng đã trở thành bài toán khó đối với các nhà lãnh đạo châu Âu. Brussels vẫn không thể tìm được tiếng nói chung với Washington trong thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga do sự phụ thuộc vào năng lượng ở Nga mà chưa thể tìm ra đối tác thay thế. Bởi vì, hệ thống năng lượng châu Âu đã quá phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga do sự kết nối với hệ thống đường ống dẫn, quy chuẩn, chất lượng đã tích hợp từ nhiều năm nay.

Ví dụ, 45% khí đốt của EU nhập khẩu từ Nga chủ yếu thông qua hệ thống đường ống Yamal-châu Âu qua Belarus và Ba Lan đến Đức, cũng như hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) qua Ukraine đến Đức. Hiện nay, thị trường khí đốt trên toàn châu Âu chỉ kết nối với một hệ thống đường ống dẫn. Việc Nga triển khai các hoạt động quân sự ở Ukraine đã ảnh hưởng mạnh đến các hệ thống đường ống dẫn khí đốt.

Hơn nữa, các nhà phân tích thuộc Viện Năng lượng Oxford của Anh cho rằng việc phương Tây cùng với Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt có thể khiến Nga đình chỉ bán khí đốt cho châu Âu để trả đũa các biện pháp trừng phạt. Hoặc một khả năng nữa là nếu xung đột quân sự gây ra thiệt hại cho một trong các hệ thống đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine đến châu Âu thì châu Âu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng.

Châu Âu muốn thay đổi cán cân năng lượng toàn cầu: Cái bóng của Nga lớn đến mức nào? - Ảnh 2.

Các đường ống ở gần mỏ khí tự nhiên tại Bovanenkovskoye, trên bán đảo Yamal, Nga (Ảnh: Bloomberg)

Ở một diễn biến khác, sau khi Nga triển khai hoạt động quân sự ở Ukraine, Mỹ, Anh và EU đều tuyên bố sẽ hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Trong đó, EU đưa ra kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga đến cuối năm 2022 và đẩy nhanh kế hoạch độc lập năng lượng với Nga đến năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc EU vừa phải tìm kiếm nguồn khí đốt thay thế trong ngắn hạn, vừa thúc đẩy hiệu quả chiến lược chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng xanh.

Trong một phát biểu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: "Chúng ta phải độc lập với nguồn dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để hạn chế những ảnh hưởng từ giá năng lượng tăng cao, đa dạng hóa nguồn cung khí đốt cho mùa Đông tới và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch".

Ngày 21/03/2022, cuộc họp của Ngoại trưởng các nước EU đã đi đến đồng thuận sẽ đoàn kết chống lại Nga liên quan đến hoạt động quân sự của Moscow tại Ukraine. Các Ngoại trưởng EU cũng thảo luận về khả năng sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm cả cấm vận dầu mỏ của Nga. Trong khi đó, Nga cảnh báo sẽ đóng một đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu nếu Brusells áp đặt trừng phạt với dầu mỏ của Moscow.

Châu Âu tìm kiếm đối tác thay Nga: Liệu có khả thi?

Theo hãng tin Euronews, ngoài Nga, một số nước châu Âu có giải pháp khác để nhập khẩu năng lượng, ví dụ Đức là khách hàng năng lượng lớn nhất của Nga có thể nhập khẩu năng lượng từ Na Uy, Hà Lan, Anh và Đan Mạch.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết: Na Uy đang cung cấp năng lượng cho châu Âu tối đa công suất và không thể thay thế nguồn năng lượng mà Brussels nhập khẩu từ Nga. Trong khi đó, các nước Nam Âu có thể nhập khẩu khí đốt qua hệ thống đường ống dẫn khí đốt xuyên biển Adriatic đến Italia và đường ống dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù vậy, các nước này không sẵn sàng chia sẻ nguồn năng lượng cho các nước láng giềng hoặc sẽ bán lại với giá cắt cổ. Hơn nữa, giới phân tích châu Âu đều nhận định rằng việc thay thế hoàn toàn 150-190 tỷ m3/năm khí đốt của Nga cho châu Âu là không hiện thực trong ngắn hạn.

Để tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế, từ ngày 19-21/03/2022, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã đến thăm Qatar và UAE. Sau chuyến thăm, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin DW ngày 22/03/2022, ông Robert Habeck cho biết: "Tôi chưa mang lại hợp đồng (về năng lượng) nào nhưng tôi có thể mở ra cơ chế cho các cuộc đàm phán giữa các công ty. UAE sẽ là một đối tác năng lượng lâu dài với các nguồn năng lượng xanh. Qatar có thể cũng là nơi hàng đầu cung cấp lượng lớn khí hóa lỏng, các công ty của Đức có thể bắt đầu tham gia các cuộc đàm phán".

Như vậy, chuyến công du của ông Robert Habeck cũng chưa mang lại một giải pháp năng lượng thay thế nào cho châu Âu.

Châu Âu muốn thay đổi cán cân năng lượng toàn cầu: Cái bóng của Nga lớn đến mức nào? - Ảnh 3.

Đường ống Nord Stream 1 đã vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic kể từ năm 2011 (Ảnh: Stefan Sauer/Picture alliance via Getty Images)

 

Trước đó, ngày 08/03/2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch mang tên REPowerEU đưa ra một loạt các biện pháp nhằm tăng khả năng phục hồi của EU và giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga (tức là giảm 100 tỷ m3) tới cuối năm 2022 và loại bỏ hoàn toàn khí đốt từ Nga đến năm 2030 hoặc có thể sớm hơn là đến năm 2027.

Các đề xuất thực hiện REPowerEU sẽ được EC trình bày trong những tháng tới nhưng nó còn phụ thuộc tính khả thi của các giải pháp được đề xuất và khả năng dung hòa các lợi ích khác nhau của các nước thành viên trong đó là khả năng sẵn sàng trả chi phí để thay đổi.

EU sẽ tăng cường đầu tư vào điện gió và năng lượng mặt trời tới năm 2030 để giảm phụ thuộc khí đốt bằng cách đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho các dự án. Khuyến khích lắp đặt các bơm nhiệt với tính toán mỗi 10 triệu bơm sẽ làm giảm nhu cầu đi 12 tỷ m3 khí đốt, cải thiện cách nhiệt cho các tòa nhà, tăng hiệu suất dùng điện và tăng cường tiết kiệm năng lượng.

Tuy kế hoạch là vậy nhưng vẫn có các câu hỏi như: kế hoạch có tính đến mức độ tăng sử dụng năng lượng hay kế hoạch mua bổ sung 50 tỷ m3 trong năm 2022 liệu có thành công và chi phí như thế nào nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn là kế hoạch này sẽ được các quốc gia và các công ty thực hiện với các mục tiêu cụ thể như nào.

Hay như Giáo sư Anne-Sophie Corbeau lấy ví dụ đối với khí đốt châu Âu nhập khẩu từ Nga: Nếu châu Âu muốn thay thế tất cả nguồn khí đốt nhập khẩu của Nga bằng khí hóa lỏng tự nhiên (NLG) thì châu Âu cần phải nhập khẩu từ nguồn khác 275 tỷ m3/năm từ các nguồn cung cấp khác, chiếm 53% thương mại khí hóa lỏng toàn cầu. Còn nếu châu Âu muốn thay thế khí đốt của Nga bằng các nguồn năng lượng tái tạo thì châu Âu cần bổ sung được 370 GW/năm từ điện gió, trong khi giai đoạn 2015-2020, châu Âu mới chỉ tạo ra được 14 GW/năm từ điện gió. Đồng thời, châu Âu cũng cần phải bổ sung được 105 GW từ điện hạt nhân vào công suất 115 GW từ điện hạt nhân mà châu Âu đã đạt được vào năm 2021.

 

Đây mới chỉ là những sáng kiến vẫn còn đang trong giai đoạn "thai nghén", người châu Âu sẽ tiếp tục phải chờ nó được công bố dự kiến vào tháng 5/2022. Nhưng dù nó có được công bố thì cũng mới chỉ là bước khởi đầu cho con đường xây dựng chính sách năng lượng mới của EU.

Trong ngắn hạn, cán cân năng lượng toàn cầu khó thay đổi, các cú sốc giá năng lượng sẽ tiếp tục xuất hiện hay không phụ thuộc vào mức độ leo thang xung đột quân sự của Nga hoặc thái độ của Nga với châu Âu. Giới lãnh đạo châu Âu tiếp tục đau đầu tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế Nga để làm yên lòng người dân hay tiếp tục phụ thuộc vào Nga dẫn đến phải "lảng tránh" các biện pháp trừng phạt do Mỹ kêu gọi. Đó là câu hỏi cho tương lai lâu dài, trước mắt nguồn năng lượng từ Nga vẫn không thể thiếu đối với cuộc sống người dân và nền kinh tế châu Âu.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm