Quốc tế

Nga cam kết giảm các hoạt động quân sự gần Kiev, Tổng thống Mỹ Biden: Hãy chờ xem!

Cuộc đàm phán Nga - Ukraine đã đạt được "tiến bộ đáng kể nhất" từ trước đến nay khi Nga cam kết giảm đáng kể các hoạt động quân sự gần thủ đô Kiev.

"Mê hồn trận" bủa giăng ở Ukraine: Chỉ Đông rồi lại đánh Tây, rốt cuộc Nga toan tính gì? / Chuyện hiếm gặp: Cả Nga và Ukraine đều đồng thuận về vấn đề tù binh chiến tranh

Nga cam kết giảm các hoạt động quân sự gần Kiev. Tổng thống Mỹ Biden: Hãy chờ xem! - Ảnh 1.

Đàm phán Nga - Ukraine ngày 29/3 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Getty

"Tiến bộ đáng kể nhất"

Ngày 29/3 theo giờ địa phương, ngày đầu tiên của vòng đàm phán thứ năm giữa Nga và Ukraine đã kết thúc. Theo hãng tin Reuters (Anh), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tiết lộ sau ngày hội đàm đầu tiên rằng, cuộc đàm phán lần này đã đạt được "tiến bộ đáng kể nhất" trong các cuộc đàm phán từ trước đến nay.

Phía Nga đã cam kết trong cuộc đàm phán ngày hôm qua rằng, họ sẽ giảm đáng kể các hoạt động quân sự gần thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv ở phía bắc Ukraine.

Theo hãng thông tấn Sputnik (Nga), sau khoảng 3 giờ đối thoại, Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết, phía Nga xác nhận Ukraine muốn đạt được "quy chế trung lập", không liên kết và phi hạt nhân hóa, sau này sẽ không sản xuất và triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt và từ bỏ tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào.

Phía Ukraine đã đưa ra đề xuất về "quy chế trung lập" với hy vọng sẽ được cộng đồng quốc tế đảm bảo để bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công, và hy vọng rằng nhiều nước, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Ba Lan và Israel… sẽ trở thành những quốc gia bảo đảm an ninh.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh Nga và Ukraine đạt được thỏa hiệp và đồng thuận trong một số vấn đề, xung đột cần kết thúc càng sớm càng tốt.

 

Ông Cavusoglu cũng nói thêm rằng, các ngoại trưởng Nga và Ukraine dự kiến sẽ thảo luận về "những vấn đề khó khăn hơn" vào một ngày sau đó, và rằng các nhà lãnh đạo của hai nước sẽ gặp nhau trong tương lai.

Phản ứng thận trọng của các bên

Reuters trích dẫn nhận định một số nhà phân tích chỉ ra rằng, cam kết giảm các hoạt động quân sự của Nga chủ yếu là tại các khu vực mà nước này đang mất dần ưu thế.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, chỉ có thể tin tưởng vào kết quả cụ thể của cuộc đàm phán. Ông Zelensky nói: "Chúng tôi có thể nói rằng, những tín hiệu chúng tôi nhận được từ các cuộc đàm phán là tích cực, nhưng điều này không át được tiếng đạn pháo của Nga".

Mỹ và các đồng minh châu Âu bày tỏ sự thận trọng trước việc Nga cam kết giảm đáng kể các hoạt động quân sự gần Kiev.

 

Nga cam kết giảm các hoạt động quân sự gần Kiev. Tổng thống Mỹ Biden: Hãy chờ xem! - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Dwnews

Theo kênh CNN (Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức của nước này đã bày tỏ thái độ cực kỳ thận trọng vào ngày 29/3, nói rằng Mỹ và các đồng minh sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình liên quan để xem liệu Nga có nhất quán giữa lời nói và hành động hay không.

Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ cho biết, họ sẽ không đánh giá về ý định của Moscow cho đến khi thấy được những dấu hiệu giảm leo thang mạnh mẽ hơn ở Ukraine.

Ông Biden nói: "Chúng ta hãy chờ xem. Tôi sẽ không nêu quá nhiều ý nghĩa về điều này cho đến khi tôi thấy họ hành động. Chúng ta cần xem liệu họ có làm đúng như những gì họ nói hay không."

Ông Biden nói rằng, Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ chờ xem Nga sẽ thực hiện những bước đi nào trong các cuộc đàm phán với Ukraine cũng như các hoạt động quân sự của nước này.

 

Tổng thống Biden cũng cho biết, ông đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo của ba nước đồng minh NATO là Pháp, Đức và Anh. Và cả bốn bên đều nhất trí rằng, cần phải đợi xem hành động của Nga.

Tổng thống Biden còn nói, cả bốn nước cũng sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga, cũng như tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Ông Biden nhấn mạnh, Washington sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Ukraine.

Lầu Năm Góc đã xác nhận rằng, "một số lượng nhỏ" quân đội Nga đã bắt đầu rút lui từ hướng Kiev. Nhưng Lầu Năm Góc cũng bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố rút quân của Nga.

Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói với các phóng viên rằng: "Chúng tôi tin rằng, đây là một cuộc điều chỉnh vị trí chứ không phải một cuộc rút quân thực sự. Điều này không có nghĩa là mối đe dọa (quân đội Nga) đối với Kiev đã kết thúc".

 

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm