Quốc tế

Chiếc tàu ngầm đầu tiên và sứ mệnh đầu tiên

Nó không giống một chút nào với chiếc tàu ngầm Nautilus huyền thoại trong tác phẩm viễn tưởng khoa học "Hai vạn dặm dưới đáy biển" của Jules Verne.

Hồ sơ cảnh sát quốc tế: Bí mật xung quanh vụ cháy tàu ngầm AS-31 “Losharik” ở Nga / Đã có tính năng “khủng” siêu tàu ngầm 29SS của Nhật Bản

Và tên tuổi cha đẻ của nó, kỹ sư hàng hải David Bushnell (1740 - 1824), cũng đã bị phủ mờ bởi chồng chất những cát bụi thời gian. Nhưng, dù sao, đó cũng là một phát minh mang tính bước ngoặt, đối với lịch sử hải chiến nói riêng và lịch sử chiến tranh nói chung.

Trận đánh đầu tiên

Đó là đêm 6/9/1776, khi cuộc chiến đấu giành độc lập của 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ trước đế quốc Anh đang diễn ra khốc liệt. Một vật thể lạ hình quả trứng khổng lồ trôi lập lờ trên vịnh New York, hướng về phía những chiếc tàu chiến lừng lững của một hạm đội Anh đang thả neo ngoài khơi. Sau khá nhiều thời gian, "quả trứng kỳ quặc" ấy tấp vào được sát một thân chiến hạm.

Chỉ có một người trong quả trứng ấy - trung sĩ hải quân Ezra Lee của quân đội Mỹ non trẻ. Cùng anh trôi trên biển là một khối thuốc nổ nặng 113 kg. Sứ mệnh của anh là kích nổ nó, phá hủy một chiến hạm nào đó và gây tổn thất càng lớn càng tốt cho hạm đội Anh (bao gồm tới 50.000 lính thủy) đang phong tỏa vịnh New York.

Tuy nhiên, vạch ra và thực hiện được kế hoạch ấy là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Vỏ thép đáy tàu Anh quá cứng và quá dày, khiến Lee vô cùng khó khăn trong việc khoan thủng nó để cài thuốc nổ. Anh phải điều khiển "quả trứng" của mình trồi lên ngụp xuống mấy lần để lấy thêm dưỡng khí, mà những cố gắng của anh vẫn như húc đầu vào đá.

Ezra Lee mỏi mệt dần. Anh đánh mất sự cẩn thận cũng như tinh thần cảnh giác. Và bình minh bắt đầu hắt lên mặt biển những tia sáng đầu tiên. 1/3 thân "quả trứng" trồi lên trên mặt biển, đập vào tầm mắt thủy thủ Anh.

Bản thiết kế của David Bushnell.

Bản thiết kế của David Bushnell.

Còi báo động vang lên, rồi đến lượt những phát súng bắn về phía Lee. Không còn cách nào khác, Lee đành buộc phải bấm mìn hẹn giờ, đẩy hú họa khối thuốc nổ về phía hạm đội Anh, rồi gấp gáp cố gắng rời xa, về phía bờ.

Vài phút sau là một tiếng nổ kinh thiên động địa, cùng ánh chớp chói lòa làm dựng đứng những cột sóng nước. Lính thủy Anh kinh hoàng bởi diễn biến ấy. Chẳng tàu nào chìm, nhưng cũng không tàu nào dám mạo hiểm ở lại nguyên vị trí. Tất cả nhổ neo rút ra xa thêm nữa ngoài biển. Vòng vây trên vịnh New York xem như đã bị phá vỡ.

Ý tưởng điên rồ

Thực ra, David Bushnell có rất ít lý do để hài lòng với thành tựu ít ỏi ấy. Khi "đứa con" của mình được chuyển từ Connecticut tới New York, ông đã vô cùng tin tưởng rằng nó đủ sức giáng những đòn rất nặng nề, thậm chí là đánh chìm soái hạm HSM Eagle của Đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh. Chính David Bushnell cũng là người lựa chọn Ezra Lee cho sứ mệnh mở đường này.

Khởi điểm của ý tưởng mà David Busnell theo đuổi là một đòi hỏi nhức nhối từ thực tế. Từ mùa hè năm 1775, các chiến hạm Anh đã biến vịnh New York thành một khu vực "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

 

Mọi nỗ lực phá vây của quân đội Mỹ đều thất bại. Họ đã thử bí mật dùng tàu và xuồng nhỏ, nhân đêm tối xuống biển, nhưng đều bị phát hiện và bắn chìm. Mọi con đường thông thương với bên ngoài từ cảng New York đều bị bít chặt. Khâu tiếp tế, hậu cần của quân nổi dậy, vì thế, mỗi lúc một trở nên khó khăn.

Đứng về phía cuộc chiến đấu giành độc lập của 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ, David Bushnell nung nấu các phương án táo bạo, để hướng tới một mục tiêu: Ông muốn chế tạo một chiếc tàu đặc biệt, có thể đi ngầm dưới mặt nước, để bí mật mang mìn tiếp cận và đánh chìm các chiến hạm Anh, giải vây cho New York.

Ông vật vã với hàng loạt rào cản, từ những thách thức của các định luật vật lý (Định luật Archimede và định luật Pasqual) đến những thách thức về khoa học kỹ thuật - công nghệ thời đó.

Ông tìm ra thiết kế hai lớp vỏ cho chiếc tàu ngầm của mình, với khoang điều tiết nước bằng van ở giữa. Ông thử đi thử lại để có được thứ thép đủ dày, kín và chịu được áp lực cao làm vỏ tàu. Rồi ông phải giải quyết sự cân bằng của con tàu khi vận hành, cũng như tính toán mức độ dưỡng khí cần thiết…

Công việc được tiến hành vô cùng bí mật, và được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt tại căn cứ Saybrook (hiện là Westbrook), bang Connecticut.

 

Theo trang Connecticut History, David Bushnell nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của cả thống đốc Jonathan Trumbull lẫn Tổng thống George Washington - lãnh tụ tối cao của cuộc chiến tranh giành độc lập ấy.

Mùa xuân năm 1776, chiếc tàu ngầm chiến đấu đầu tiên trên thế giới ra đời. Nó cao 2m, đường kính thân chỗ rộng nhất là 0,9m, để phục vụ kíp chiến đấu dự tính duy nhất chỉ 1 người - người thực hiện tất cả các nhiệm vụ, mang tất cả các chức danh: Thuyền trưởng, lái tàu, hoa tiêu, thợ máy, thủy thủ chiến đấu…

Song, cũng còn phải qua những chặng thử nghiệm khá dài và chật vật nữa, chiếc tàu ngầm phiên bản sơ khai ấy mới được kết luận là sẵn sàng thực thi nhiệm vụ.

Và David Bushnell đặt cho đứa con của mình cái tên Con Rùa (Turtle).

Bước đột phá lịch sử

 

Có lẽ vào thời điểm Ezra bấm giờ kích hoạt khối thuốc nổ đêm 6/9/1776 ấy, chính anh cũng như David Bushnell đều không nghĩ rằng họ là những người đã thay đổi khá nhiều diện mạo của lịch sử chiến tranh trên thế giới.

Thậm chí, đến tận Đệ nhất Thế chiến, vai trò của các tàu ngầm chiến đấu cũng vẫn còn tương đối hạn chế. Cả quãng thời gian đó, các hạm đội "tàu to, súng lớn" vẫn là bá chủ trên khắp các đại dương, còn lòng biển vẫn chỉ là khoảng trống yên bình, chẳng ẩn chứa hiểm họa nào.

Tranh vẽ lại cảnh Con Rùa tiếp cận soái hạm Đại bàng (The Eagle).

Song, Đệ nhị Thế chiến cùng những bước phát triển chóng mặt về khoa học - công nghệ đã không chỉ trả lại vị thế xứng đáng cho tàu ngầm, mà còn nâng tầm các hậu duệ của Con Rùa lên một đẳng cấp hoàn toàn khác biệt.

Nước Anh chưa chắc đã có thể tiếp cận được những nguồn viện trợ dồi dào để đứng vững trong bão lửa của không quân Đức, nếu Adolf Hiler cũng chú trọng đến các hạm đội tàu ngầm như các chiến đoàn thiết giáp.

Thậm chí, một trong những nỗi ấm ức lớn nhất của Đại Đô đốc - Tư lệnh Hải quân Đức Quốc xã Karl Doenitz trong tư cách người bại trận là việc ông không có đủ tàu ngầm để chiến đấu hiệu quả trên các mặt biển, dù đã không ít lần vật nài lãnh đạo của mình.

 

Đến hiện tại, không siêu cường quân sự nào không sở hữu một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh, cả Nga và Mỹ. Nhưng thế vẫn là chưa đủ. "Tàu ngầm" nói chung không còn là vấn đề phải được ưu tiên nữa, mà tiềm lực quân sự của họ dựa rất nhiều vào những "tàu ngầm hạt nhân", với các lò phản ứng nguyên tử nhằm tự cung cấp năng lượng cho tiến trình hoạt động của chính mình.

Hơn tất cả, những chiếc tàu ngầm đó có thể mang theo mình những thứ vũ khí răn đe chiến lược: các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng phóng từ sâu dưới mặt nước.

Rất khó phát hiện, rất khó để chống đỡ những cú đòn bất ngờ như thế. Đại dương không còn là vùng an toàn tuyệt đối cho các hàng không mẫu hạm, bất kể được hộ tống kỹ càng đến thế nào.

Tất cả những điều này đều xuất phát từ ý tưởng điên rồ, bản thiết kế mang hình dáng "quả trứng" đơn sơ và khối thuốc nổ 113 kg vô vọng ngày ấy, trong vòng vây thép của hải đội Anh.

* Ezra Lee thực ra không phải lựa chọn số 1 cho nhiệm vụ điều khiển Con Rùa. Người được chọn đầu tiên là Ezra Bushnell - em trai David, người bị suy nhược trầm trọng sau quãng thời gian luyện tập gian khổ. Bởi vậy, kế hoạch tác chiến cũng đã phải lui lại, để Ezraa Lee có 2 tuần trở về rèn luyện tại Saybrook, dưới sự giám sát của chính David Bushnell.
* David Bushnell là anh cả của 5 người em. Năm 26 tuổi, cha và hai em gái cùng mất. Bà mẹ tái hôn nhanh chóng, để lại toàn bộ đất đai, trang trại cho David. Ông bán một nửa số điền sản đó cho chính Ezra, em trai mình, để toàn tâm toàn ý học tập. Năm 31 tuổi, già hơn mọi sinh viên cùng lứa, David bước vào cửa trường Yale danh giá.


Theo Đông Quân/An Ninh Thế Giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm