Chiến dịch của Ukraine bóp nghẹt Crimea để đẩy Nga khỏi bán đảo
Chuyên gia Mỹ thừa nhận sức mạnh tác chiến điện tử của Nga là số 1 thế giới / Chỉ huy Ukraine phàn nàn về chất lượng tân binh tăng viện ra tiền tuyến
Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine vào tháng 4, sau 6 tháng bị Quốc hội trì hoãn, cuối cùng cũng đã đem lại kết quả. Đặc biệt, với tên lửa ATACMS tầm bắn 300km do Mỹ cung cấp, Ukraine hiện đã có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Crimea, bán đảo mà Nga đã sáp nhập năm 2014.
Cuộc tấn công mới nhất xảy ra hôm 31/5, khi một chiến dịch chung của hải quân và lục quân Ukraine nhắm vào một bến phà tại cảng Kavkaz, nằm ở phía eo biển Kerch của Nga. Eo biển Kerch phân chia bán đảo Crimea với đất liền Nga.
Vài giờ trước đó, lực lượng Ukraine đã tấn công bến phà Kerch bên phía Crimea, làm hư hại 2 phà đường sắt Avanguard và Conro Trader, vốn rất quan trọng để Nga cung cấp hàng hóa cho Crimea.
Bộ tổng tham mưu các lực lượng Ukraine cho biết cuộc tấn công vào phía eo biển Crimea đã sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất. Hiệu quả của chiến dịch nhằm vào Crimea đã cho thấy những gì Ukraine có thể đạt được nếu không còn phải “chiến đấu với một tay bị trói sau lưng”.
Ukraine đang tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Crimea để khiến bán đảo này mất giá trị chiến lược đối với Nga. Ảnh: Getty
Từ lâu, Crimea đã là khu vực có tầm quan trọng về mặt quân sự đối với Nga. Tổng thống Vladimir Putin coi Crimea là “tàu sân bay không thể chìm”, nơi đặt các trung tâm hậu cần, căn cứ không quân và Hạm đội Biển Đen phục vụ chiến dịch của Nga ở miền Nam Ukraine cũng như cắt đứt tuyến huyết mạch xuất khẩu ngũ cốc quan trọng của Ukraine. Sau khi sáp nhập Crimea năm 2014, Nga đã đầu tư số tiền khổng lồ vào các cơ sở hạ tầng quân sự trên bán đảo này.
Các cuộc tấn công gần đây của Ukraine nhằm vào Crimea là giai đoạn mới nhất trong chiến dịch phức tạp của Kiev nhằm bóp nghẹt bán đảo này.
Ông Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu và cố vấn cấp cao về hậu cần của NATO cho hay, Kiev “đang tìm cách biến Crimea thành nơi không thể triển khai đối với lực lượng Nga”.
Chiến lược gia người Anh Lawrence Freedman cho rằng Crimea đang trở thành điểm yếu của Nga. Ở bán đảo này, Nga có quá nhiều thứ cần phải bảo vệ và đây cũng là nơi tốt nhất để Ukraine gây áp lực thực sự với Moscow nhằm đạt được những nhượng bộ trong tương lai.
Ông Nico Lange, cựu cố vấn Bộ Quốc phòng Đức, cũng có quan điểm tương tự: “Chiến dịch của Ukraine kết hợp giữa chiến lược quân sự và chính trị. Về mặt chính trị, Crimea là tài sản quan trọng nhất của Nga; nhưng đó cũng là khu vực dễ bị tấn công. Ukraine đang tìm cách biến Crimea thành một tiêu sản thay vì tài sản chiến lược đối với Moscow bằng cách bóp nghẹt vai trò trung tâm hậu cần của bán đảo này”.
Bên cạnh việc nhắm mục tiêu vào huyết mạch hậu cần của Nga, Ukraine còn sử dụng tàu không người lái (USV) và tên lửa nhắm vào tàu chiến của Hạm đội Biển Đen ở Crimea. Cho đến nay ít nhất 27 tàu chiến và một tàu ngầm của hải quân Nga đã bị phá hủy hoặc hư hại, buộc Moscow phải di chuyển hạm đội về phía Đông tới cảng Novorossiysk, cách đất liền Nga hơn 300km.
“Chừng nào Nga còn ở Crimea, những vụ nổ còn xảy ra thường xuyên kỳ ở đó”, Người phát ngôn hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk cảnh báo.
Ukraine cũng tiến hành các cuộc tấn công kết hợp với tên lửa ATACMS và máy bay không người lái ngày (UAV) càng tinh vi để làm suy yếu hệ thống phòng không của Nga ở Crimea, tấn công các căn cứ không quân nơi các máy bay chiến đấu của Nga cất cánh.
Ông Lawrence cho rằng, việc tập trung làm tê liệt mạng lưới phòng không của Nga cũng có thể là một phần trong quá trình Kiev chuẩn bị cho lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên sắp đến Ukraine.
Đưa mọi mục tiêu vào tầm ngắm
Các căn cứ không quân cũng trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine. Hôm 17/4, một cuộc tấn công bằng ATACMS vào căn cứ Dzhankoi phía Đông Bắc Crimea đã làm hư hại các máy bay trực thăng, một khẩu đội S-400 và một trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Nga.
Khoảng một tháng sau, tối 15/5, một cuộc tấn công quy mô lớn vào căn cứ không quân ở Belbek gần Sevastopol đã phá hủy 4 máy bay cũng như một radar phòng không và ít nhất 2 bệ phóng của S-400. Khoảng 10 tên lửa ATACMS biến thể đạn chùm được sử dụng trong cuộc tấn công này. Những quả đạn con khi phát tán ra đã khiến kho nhiên liệu và kho chứa tên lửa phát nổ và gây hoạn lớn.
Tối hôm sau, Belbek lại bị tấn công. Điều đáng chú ý là hệ thống phòng không S-400 của Nga lại tỏ ra thiếu hiệu quả. Ông Lange cho rằng, Ukraine đã sử dụng UAV mồi nhử để khiến hệ thống radar Nga hoạt động và làm lộ vị trí của họ. Dữ liệu ngay lập tức được chuyển cho đội phóng tên lửa ATACMS. Trong vòng 6 phút, các tên lửa, hầu như không thể bị phát hiện do tốc độ và tiết diện radar thấp, sẽ bắn trúng mục tiêu.
Theo ông Hodges, lực lượng Nga dường như “không còn nơi nào để ẩn náu” ở Crimea. Với sự hỗ trợ của vệ tinh và trinh sát trên không do các đồng minh NATO cung cấp, sự am hiểu về thực địa Crimea của Ukraine và các lực lượng bí mật của Kiev trên bộ, không gì có thể di chuyển ở Crimea mà Ukraine không biết về nó.
Khi Ukraine đã có trong tay tên lửa ATACMS tầm xa cùng các phương tiện không người lái ngày càng tinh vi, mỗi mét vuông trên bán đảo Crimea đều nằm trong tầm ngắm của Kiev, bao gồm cả các mục tiêu không cố định như máy bay và đoàn xe đang di chuyển trên đường bộ hoặc các chuyến tàu.
Cầu eo biển Kerch (còn gọi là cầu Crimea) đã bị hư hại đáng kể sau một loạt cuộc tấn công của Ukraine vào năm 2022 và 2023, khiến nó không thể tiếp nhận lưu lượng tàu lớn. Điều đó có nghĩa là Nga không thể sử dụng nó cho hoạt động hậu cần quân sự như vận chuyển xe bọc thép hạng nặng.
Theo Người phát ngôn hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk, Nga hiện phải dựa vào các tuyến đường bộ và đường sắt xuyên qua các vùng lãnh thổ Ukraine mà nước này kiểm soát để tiếp tục các hoạt động hậu cần. Nhưng điều này cũng khiến xe lửa và xe tải Nga rơi vào phạm vi tấn công dễ dàng hơn của Ukraine.
“Điều này sẽ khiến người Nga hiểu rằng, họ ngày càng có ít cơ hội để rời khỏi bán đảo này. Họ có thể rời khỏi Crimea ngay bây giờ vì sau này, điều đó sẽ không thể thực hiện được”, ông Pletenchuk nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo