Quốc tế

Chiến lược của Ukraine nhằm vào Nga hiệu quả hơn lệnh trừng phạt từ phương Tây?

Các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu ở Nga đang làm được điều mà các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây đã không đạt được, đó là làm giảm khả năng tài chính và hậu cần của Nga, đồng thời hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Israel có đủ vũ khí tấn công Rafah và sẵn sàng chiến đấu đơn độc / Xe tăng Challenger 2 ở Ukraine liên tục gặp sự cố kỹ thuật

Mỹ có đang “lo xa”?

Vào ngày 19/1, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công một kho dầu ở thị trấn Klintsy, vùng Bryansk tại phía Tây nước Nga, làm thiệt hại 4 thùng xăng và khoảng 1,6 triệu gallon dầu. Cuối tuần đó, một cuộc tấn công khác của Ukraine đã nhắm mục tiêu vào nhà máy lọc dầu của Rosneft - công ty dầu khí có phần lớn vốn thuộc sở hữu của chính phủ Nga, ở thành phố Tuapse của Nga.

Vào tháng 3, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công 4 nhà máy lọc dầu của Nga chỉ trong hai ngày. Sang tháng 4, Ukraine bắt đầu các cuộc tấn công bằng UAV vào nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga, nằm sâu trong vùng Tatarstan. Cuối tháng 4, UAV Ukraine nhắm mục tiêu vào các cơ sở lọc dầu ở hai thành phố khác của Nga là Smolensk và Ryazan.

Ukraine thường xuyên tập kích vào các hạ tầng năng lượng của Nga. Ảnh: WSJ

Ukraine thường xuyên tập kích vào các hạ tầng năng lượng của Nga. Ảnh: WSJ

Tổng cộng, Ukraine đã tiến hành ít nhất 20 cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga kể từ tháng 10/2023. Các quan chức an ninh Ukraine chỉ ra rằng mục tiêu của các cuộc tấn công là cắt đứt nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga và cắt giảm doanh thu xuất khẩu của Moscow. Đến cuối tháng 3, Ukraine đã phá hủy khoảng 14% công suất lọc dầu của Nga và buộc chính phủ Nga phải đưa ra lệnh cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng (từ ngày 1/3-1/9/2024)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Nga. Vào tháng 2, Phó Tổng thống Kamala Harris đã kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiềm chế nhắm vào các nhà máy lọc dầu của Nga vì lo ngại những hành động này sẽ đẩy giá dầu toàn cầu lên cao. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào giữa tháng 4 cũng cảnh báo rằng “các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào nhà máy lọc dầu Nga có thể gây ảnh hưởng dây chuyền đến tình hình năng lượng toàn cầu”. “Thay vì tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ, Ukraine nên theo đuổi các mục tiêu chiến thuật và hoạt động có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc xung đột hiện tại”, ông Austin nói.

Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu sẽ không ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu như các quan chức Mỹ lo ngại. Những cuộc tấn công này làm giảm khả năng của Nga trong việc biến dầu thành sản phẩm có thể sử dụng được, chúng không ảnh hưởng đến khối lượng dầu có thể khai thác hoặc xuất khẩu.

Trên thực tế, với công suất lọc dầu trong nước ít hơn, Nga sẽ buộc phải xuất khẩu nhiều dầu thô hơn chứ không phải ít hơn, điều này đẩy giá nhiên liệu toàn cầu giảm chứ không phải tăng. Thực tế, các công ty Nga đã bắt đầu bán nhiều dầu thô ra nước ngoài hơn. Bởi vậy, nếu Ukraine nhắm mục tiêu vào các nhà máy lọc lầu của Nga, các cuộc tấn công khó có thể làm tăng giá dầu đối với các nước phương Tây.

Tuy nhiên, những đòn tấn công này vẫn gây ảnh hưởng tới Nga, nơi giá các sản phẩm lọc dầu như xăng và dầu diesel đã bắt đầu tăng cao. Các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu ở Nga đang làm được điều mà các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây đã không đạt được, đó là làm giảm khả năng tài chính và hậu cần của Nga, đồng thời hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Đằng sau các cuộc tấn công của Ukraine vào nhà máy lọc dầu Nga

Cho đến nay, Ukraine vẫn tập trung tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga chứ không phải các mỏ dầu hay cơ sở hạ tầng xuất khẩu dầu thô. Theo các chuyên gia quân sự, đây là điểm khác biệt rất quan trọng. Sau khi được khai thác từ giếng, dầu được vận chuyển qua đường ống và cơ sở hạ tầng khác đến các nhà máy lọc dầu, nơi dầu được chuyển thành sản phẩm để phân phối cho người dùng cuối.

 

Năm 2023, Nga khai thác khoảng 10,1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong đó, khoảng 50% được xuất khẩu sang các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài, 50% còn lại được tinh chế trong nước, tạo ra các sản phẩm như xăng, dầu diesel, nhiên liệu hàng không. Một nửa số sản phẩm tinh chế này được tiêu thụ trong nước. Nga cũng bán các sản phẩm dầu tinh chế ra nước ngoài. Các điểm đến hàng đầu của các sản phẩm dầu tinh chế của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Brazil.

Các cuộc tấn công của Ukraine đã giáng một đòn đáng kể vào khả năng lọc dầu của Nga, giảm tới 900.000 thùng mỗi ngày. Việc sửa chữa sẽ chậm và tốn kém, một phần vì các nhà máy lọc dầu là những thiết bị khổng lồ và phức tạp, phải mất nhiều năm để thiết kế và chế tạo, và một phần vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đang cản trở khả năng tiếp cận các linh kiện chuyên dụng của các công ty Nga.

Ngoài ra, khả năng lưu trữ dầu của Nga bị hạn chế. Do đó, khi một nhà máy lọc dầu bị phá hủy hoặc hư hỏng, dầu thô đã chiết xuất không thể được dự trữ để sử dụng sau này. Điều này khiến các nhà sản xuất Nga chỉ có hai lựa chọn, đó là tăng xuất khẩu dầu thô hoặc giảm khai thác dầu.

Cả hai lựa chọn đều gây tổn hại cho Nga, nhưng việc tăng xuất khẩu dầu thô sẽ ít gây ảnh hưởng hơn so với việc thu hẹp quy mô khai thác. Nga chỉ có thể bán dầu của mình cho một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia có cơ sở để sử dụng các loại dầu cụ thể được sản xuất tại Nga. Do đó, các quốc gia này có thể mua dầu Nga với giá thấp hơn thị trường. Tuy nhiên, sau khi dầu được tinh chế, sản phẩm cuối cùng có thể được bán ra nước ngoài, nghĩa là Nga phải để giá thấp để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước và nước ngoài.

Nếu Nga chọn thu hẹp quy mô khai thác thay vì tăng xuất khẩu dầu thô, giá dầu toàn cầu sẽ tăng, kịch bản mà Mỹ đang lo ngại. Nhưng sau đó, Nga sẽ phải đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ hơn về giá thành của các sản phẩm dầu tinh chế. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin đề xuất vào tháng 3 rằng Moscow sẽ chọn phương án đầu tiên và chuyển thêm dầu thô để xuất khẩu.

 

Dữ liệu từ những tháng gần đây xác nhận rằng, đúng như dự đoán, Nga đang xuất khẩu nhiều dầu thô hơn, đồng thời xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của nước này đã đạt mức thấp gần như lịch sử. Nga chỉ xuất khẩu hơn 712.000 tấn dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác trong tuần cuối cùng của tháng 4, giảm so với hơn 844.000 tấn trong cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô hàng tháng đã tăng 9% từ tháng 2 đến tháng 3, đạt mức cao nhất trong 9 tháng và cao thứ ba kể từ khi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào tháng 12/2022.

Liệu Ukraine có thể duy trì chiến lược hiện tại?

Các chuyên gia quân sự đánh giá rằng, chiến lược tấn công nhà máy lọc dầu Nga của Ukraine đang phát huy tác dụng, khi nó gây tổn hại cho thị trường năng lượng của Nga và gây áp lực lên Moscow, giống như các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga nhưng chỉ đạt được hiệu quả hạn chế.

Trong những tháng đầu của cuộc xung đột, chính quyền Tổng thống Biden đã tập hợp một liên minh các nước để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, bao gồm cả việc áp trần giá dầu thô xuất khẩu của Nga. Ý tưởng đằng sau việc áp trần giá dầu thô là đưa ra mức giá đủ cao để Nga tiếp tục lưu thông dầu, giúp tránh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng đủ thấp để làm giảm thu nhập từ xuất khẩu của Nga.

Trên thực tế, việc thực thi và giám sát không nhất quán đã làm suy giảm hiệu quả của biện pháp này. Doanh thu liên bang của Nga đạt kỷ lục 320 tỷ USD vào năm 2023. Điều này có thể do giá trần đã được đặt quá cao.

Một đánh giá gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, một tổ chức tư vấn Phần Lan, xác định rằng mức giá trần dầu thô thấp hơn có thể làm giảm 25% doanh thu xuất khẩu dầu của Nga trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2024. Trong khi đó, ngành vận tải biển của EU và G7 vẫn gắn bó chặt chẽ với xuất khẩu dầu của Nga. Vào tháng 3, 46% các chuyến hàng dầu của Nga được vận chuyển trên các tàu thuộc sở hữu hoặc được bảo hiểm ở các nước G7 và EU. Ngoài ra, một số tàu chở dầu phương Tây đã tiếp tục vận chuyển dầu có giá cao hơn mức trần.

 

Các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga đang làm điều mà các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa thực hiện được. Không làm ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng toàn cầu hay đẩy giá dầu lên cao, các cuộc tấn công của Ukraine đang gây ảnh hưởng tới doanh thu của Nga và làm giảm khả năng của Moscow trong việc biến dầu thô thành loại nhiên liệu cần thiết cho xe tăng và máy bay. Chỉ cần Ukraine tránh tấn công các đường ống dẫn dầu thô hoặc các cảng xuất khẩu dầu thô lớn, họ có thể duy trì chiến lược này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá rằng, chiến lược hiện tại của Ukraine nhằm vào nhà máy lọc dầu của Nga khó có thể giúp Kiev tạo ra bước ngoặt trên chiến trường. Trong những tháng gần đây, Nga cũng liên tục tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Theo giới chức Ukraine, các cuộc tấn công của Nga hồi đầu năm nay đã gây ảnh hưởng tới 80% các nhà máy nhiệt điện thông thường của Ukraine.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm