Quốc tế

Nga có thể mở các mặt trận mới khi Ukraine chờ vũ khí phương Tây

Ukraine ghi nhận việc Nga đang tăng cường lực lượng ở biên giới phía Bắc và chuẩn bị mở các mặt trận mới.

Israel có đủ vũ khí tấn công Rafah và sẵn sàng chiến đấu đơn độc / Mỹ chứng nhận loạt máy bay có khả năng mang bom hạt nhân

Nga có thể sẽ mở các mặt trận mới

Các lực lượng của Nga tiếp tục khai thác cơ hội để đạt được những thành quả chiến thuật nhỏ trong tuần qua giữa bối cảnh Ukraine bắt đầu nhận được những lô hàng đầu tiên trong gói hỗ trợ mới của Mỹ.

Ukraine cũng ghi nhận việc Nga đang tăng cường lực lượng ở biên giới phía Bắc và chuẩn bị mở các mặt trận mới.

Giữa bối cảnh đó, châu Âu đã tìm cách tăng cường các cơ sở công nghiệp phòng thủ của Ukraine để đảm bảo những vấn đề chính trị giữa các đồng minh sẽ không ảnh hưởng đến việc hỗ trợ vũ khí cho Kiev. Mới đây, Nga tuyên bố đã giành được Ocheretyne ngày 5/5. Hình ảnh vệ tinh cũng xác nhận điều này và 3 ngày sau, các lực lượng của Moscow tiếp tục tiến thêm 5km về phía Bắc ngôi làng trên, đồng thời mở rộng thành quả về phía Nam.

Chỉ huy Vệ binh Quốc gia Ukraine Volodymyr Cherniak nhận định với The Guardian rằng các lực lượng của Nga đã làm được điều này bằng cách đánh tạt sườn các phòng tuyến mà Ukraine đã mất nhiều thời gian để xây dựng.

Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo về phía Nga ở khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters

Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo về phía Nga ở khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters

Moscow cũng đạt được thành quả khi giao tranh trên đường phố ở Robotyne - một thị trấn nhỏ ở phía Tây Zaporizhia mà Ukraine giành được trong cuộc phản công năm ngoái. Ngày 6/5, họ đã giành trọn Novoselivske, một ngôi làng ở Lugansk.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trong một cuộc họp trực tuyến với giới lãnh đạo quân sự Nga cho biết, quân đội nước này đã kiểm soát 547km vuông lãnh thổ ở Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington thì cho biết con số này là 519km vuông.

Dù vậy, Moscow chưa thể giành lại Nestryga, một hòn đảo ở vùng châu thổ Dnipro mà Ukraine giành được ngày 28/4. Người phát ngôn các lực lượng ở phía Nam của Ukraine - ông Dmytro Pletenchuk cho biết: "Đối phương đã gặp trở ngại lớn - đó là Dnipro và để vượt qua nó, họ buộc phải sử dụng tàu thủy nhưng ở thời điểm hiện tại, họ đang ở một khu vực mở, nên tình thế của họ khá khó khăn và họ đang chịu tổn thất".

Các lực lượng của Nga cũng chưa thể kiểm soát thị trấn Chasiv Yar có tầm quan trọng chiến lược ở phía Đông - một thành quả mà phương Tây cho rằng Moscow muốn giành được vào 9/5 - thời điểm kỷ niệm Liên Xô chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến II.

 

Thiếu tướng Vadym Skibitsky - Phó Tổng cục trưởng Tình báo quốc phòng Ukraine cho rằng Nga có thể đang chuẩn bị cho cuộc tấn công giành Sumy và Kharkiv - hai thành phố ở phía Bắc mà nước này chưa kiểm soát được hồi tháng 2/2022.

Ông cũng nhận định với The Economist rằng Nga đã tập trung 35.000 quân ở phía Bắc biên giới Ukraine trong những khu vực này và sẽ tấn công vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Nhà quan sát quân sự Ukraine Kostyantyn Mashovets thì ước tính con số là gần 50.000 lính Nga.

Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyii gần đây cho biết ông sẽ điều thêm pháo và xe tăng tới tiền tuyến đang giao tranh để tăng cường các lực lượng ở phía Bắc của nước này.

Phương Tây tăng cường nỗ lực hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần nói rằng họ cần thêm vũ khí từ phương Tây để phòng thủ và đẩy lùi các lực lượng của Nga khỏi lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật hỗ trợ bổ sung ngày 24/4 sau khi Quốc hội mất 6 tháng để thông qua nhưng vẫn có sự bất đồng về việc liệu bao lâu hàng tỷ USD vũ khí sẽ sẵn sàng vận chuyển cho Ukraine.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói rằng gói hỗ trợ này sẽ mất một khoảng thời gian chứ không phải ngày một ngày hai để đến Kiev. Dù vậy, theo New York Times, lô tên lửa chống tăng và đạn pháo cỡ nòng 155mm đầu tiên đã đến Ukraine ngày 28/4.

 

Các nước châu Âu vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine trong khi Kiev chờ gói hỗ trợ từ Mỹ nhưng chúng không đủ để duy trì dù chỉ là các chiến dịch phòng thủ bởi năng lực công nghiệp quốc phòng của châu Âu đã suy giảm kể từ Chiến tranh Lạnh.

Ukraine cũng tiến hành chiến lược tăng cường các cơ sở công nghiệp của mình vào tháng 12 năm ngoái và kêu gọi các nhà đầu tư phương Tây thúc đẩy quá trình này.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng: "Nếu chúng ta muốn gìn giữ hòa bình châu Âu, chúng ta phải dịch chuyển nền kinh tế và ngành công nghiệp sang thời chiến. Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể chống lại sự gây hấn của Nga - bằng cách thể hiện rằng châu Âu có các phương tiện để tự vệ".

Ông Kuleba không phải là người duy nhất kêu gọi sự dịch chuyển kinh tế và chính trị ở châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 3/5 cho rằng châu Âu đang đối mặt với mối đe dọa tăng gấp ba từ Nga, đó là rủi ro về an ninh và quân sự, rủi ro kinh tế và rủi ro với sự nhất quán bên trong cũng như sự gián đoạn chức năng của các nền dân chủ.

 

"Châu Âu ngày nay đang nguy kịch. Châu Âu có thể chết và điều đó phụ thuộc vào lựa chọn của chúng ta", ông Macron nói. Theo nhà lãnh đạo Pháp, châu Âu không được trang bị để tự vệ khi "đối mặt với một quốc gia như Nga".

Ông Macron cũng nhắc lại khả năng điều quân Pháp tới Ukraine và cho biết kịch bản có thể xảy ra nếu Nga đạt được đột phá và Kiev đưa ra yêu cầu. Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định tuyên bố trên là “rất nguy hiểm".

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm