‘Chim ăn thịt’ F-22 Mỹ áp sát ‘gấu bay’ Tu-95MS Nga
Tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ được triển khai giám sát máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS Nga trên không phận quốc tế giữa hai nước.
Máy bay tàng hình F-35 có thể bị phát hiện bởi vệ tinh quân sự / Nga thử nghiệm máy bay không người lái tấn công hạng nặng
"4 oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS đã thực hiện chuyến bay định kỳ trên không phận quốc tế ở biển Chukchi, biển Bering, biển Okhotsk và khu vực phía bắc Thái Bình Dương. Tiêm kích F-22 Mỹ bám sát biên đội oanh tạc cơ Nga trong một số giai đoạn", Bộ Quốc phòng Nga hôm qua ra thông cáo cho biết.
Quân đội Nga khẳng định các chuyến bay đều tuân thủ quy định quốc tế về sử dụng vùng trời, trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bình luận.
Moscow và Washington thường triển khai oanh tạc cơ, máy bay trinh sát áp sát không phận của nhau.
Máy bay Mỹ và Nga luôn chạm mặt trong các nhiệm vụ này, nhưng hai bên thường tiến hành hoạt động tiếp cận, giám sát một cách chuyên nghiệp và an toàn.
Oanh tạc cơ Tu-95 được Liên Xô biên chế từ năm 1956, nhưng đã trải qua nhiều đợt nâng cấp lớn để trở thành nền tảng phóng tên lửa hành trình tầm xa, được trang bị những hệ thống điện tử hiện đại.
Hiện phiên bản đang được Nga trang bị mang định danh Tu-95MS.
Vũ khí chính của phiên bản Tu-95MS là tên lửa hành trình Kh-101 với tầm bắn tới 4.500 km, mang được đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.
Tu-95MS đã thể hiện khả năng chiến đấu trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria khi phóng tên lửa nhằm vào hàng loạt mục tiêu của các nhóm khủng bố mà không cần bay vào không phận Syria, đồng thời yểm trợ nhiều chiến dịch khác dưới mặt đất.
Thông thường, các máy bay Tu-95MS thường bay với đội hình hộ tống là các chiến đấu cơ Su-27, Su-30 thậm chí là Su-35.
Chính vì vậy, Mỹ và NATO thường điều các chiến đấu cơ có năng lực tác chiến tốt để lao lên chặn.
Việc Mỹ dùng tới chiến đấu cơ mạnh nhất F-22 Raptor lên áp sát oanh tạc cơ Tu-95MS lần này cho thấy động thái cứng rắn của Mỹ.
Khả năng tàng hình cao, cơ động tốt, trang bị vũ khí tối tân, phần mềm điện tử được nâng cấp liên tục, F-22 Raptor hiện là máy bay chiến đấu mạnh nhất thế giới.
F-22 mang biệt danh Raptor nghĩa là “Chim ăn thịt” có chuyến bay đầu tiên vào năm 1997, chính thức đi vào biên chế năm 2005, và lần thực chiến đầu tiên trong nhiệm vụ phá hủy bộ chỉ huy của quân khủng bố IS vào năm 2015.
F-22 Raptor dài 18,9m, sải cánh 13,6m, cao 5,10m, trọng lượng rỗng 19,7 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 38 tấn.
Máy bay trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt đẩy có buồng đốt phụ Pratt & Whitney F119-PW-100 tích hợp bộ phận điều chỉnh hướng phụt, cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa khoảng Mach 2 (2.400km/h).
F-22 được trang bị hệ thống radar mảng pha cực mạnh AN/APG-77 có khả năng phát hiện mục tiêu cỡ 1m2 ở khoảng cách lên tới 240km. Đây là điều mà không có loại máy bay nào ngoài F-22 có thể làm được.
Về hệ thống vũ khí, ngoài pháo 6 nòng M61A2, F-22 Raptor có 3 khoang vũ khí nằm trong thân và các giá treo bên ngoài. Để không chiến, F-22 sẽ mang theo 6 tên lửa AIM-120C AMRAAM tầm xa (tầm bắn 120km) và 2 tên lửa AIM-9 Sidewinder.
Để tấn công mặt đất, F-22 mang theo 3 bom thông minh GBU-32 JDAM loại 204 kg hoặc 3 bom GBU-30 JDAM loại 454 kg cùng một số ít tên lửa không đối không.
Trong nhiệm vụ tuần tiễu, F-22 chỉ mang theo 4 thùng dầu phụ và 8 tên lửa tầm ngắn AIM-9. Ngoài khả năng tàng hình và chiến đấu tốt, F-22 còn có độ bền cơ học khá cao.
Hiện Mỹ đang có trong biên chế 186 chiếc F-22 Raptor, chúng sẽ tiếp tục giữ vị trí là máy bay chiến đấu mạnh nhất thế giới bất chấp việc đàn em F-35 mới xuất hiện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo