Quốc tế

Chính sách lãi suất của FED chi phối thị trường hàng hóa châu Á

Giá vàng châu Á "neo" gần mốc quan trọng 2.000 USD/ounce, nhờ đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm giữa bối cảnh đồn đoán FED đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất.

Xu hướng thuê chung phòng làm việc / Nga vô tình tiết lộ 'lỗ hổng' của hệ thống phòng không S-400

Ảnh minh họa

Giá vàngchâu Á "neo" gần mức 2.000 USD/ounce

Khép phiên 22/11, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1,999,58 USD/ounce. Kim loại quý này đã leo lên mức cao của ba tuần là 2.007,29 USD/ounce trong phiên trước đó. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 2.001,10 USD/ounce.

Chuyên gia phân tích cấp cao Matt Simpson của công ty phân tích City Index cho hay lợi suất giảm và đồng USD suy yếu rõ ràng mang lại lợi ích cho vàng. Điều này là do số liệu kinh tế Mỹ yếu đã dẫn đến khả năng FED sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024.

Tuy nhiên, sự sụt giảm của đồng USD dường như đang bị kéo dài quá mức. Vàng hiện đang thiếu cơ sở để có thể leo lên mốc 2.000 USD/ounce khi kỳ nghĩ lễ kéo dài 4 ngày của Mỹ đang đến gần.

Đồng USD tăng 0,2% so với rổ tiền tệ chính, những gần mức thấp của 2 tháng rưỡi, ghi nhận được trong phiên 21/11. Đồng USD suy yếu khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn cho người mua nắm giữ đồng tiền khác.

 

Trong biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất, các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã đồng ý rằng họ sẽ tiến hành "cẩn thận" và chỉ tăng lãi suất nếu tiến trình kiểm soát lạm phát chững lại.

Dữ liệu công bố ngày 21/11 cho thấy doanh số bán nhà hiện có của Mỹ trong tháng 10 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 13 năm.

Theo công cụ FedWatch Tool của CME, các thị trường hiện đang định giá gần 60% khả năng lãi suất sẽ giảm ít nhất 25 điểm cơ bản vào tháng 5/2024. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu vàng của Thụy Sỹ trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2023 do lượng giao hàng sang Ấn Độ tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu trong mùa lễ hội của nước này.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,1% lên 23,76 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,4% xuống 930,80 USD/ounce. Giá Palladium giảm 1,2% xuống còn 1.065,31 USD/ounce.

 

Tại thị trường Việt Nam, lúc 14 giờ 47 phút ngày 22/11, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 71,30-72,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu "án binh" chờ đợi thông tin nguồn cung

Giá dầu châu Á gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 22/11 trong bối cảnh thị trường chờ đợi những tin tức có thể trái chiều về nguồn cung, cùng với Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng và dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh.

Chính sách lãi suất của FED chi phối thị trường hàng hóa châu Á - Ảnh 1.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 3 xu (0,04%) xuống 82,45 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1 xu (0,01%) xuống 77,76 USD/thùng.

 

Cả hợp đồng dầu chủ chốt này đều giảm trong bốn tuần liên tiếp và giá tiếp tục giảm trong tuần trước do lo ngại ngày càng tăng về triển vọng nhu cầu. Các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước cuộc họp OPEC+, dự kiến vào ngày 26/11, trong đó OPEC+ có thể thảo luận về việc cắt giảm nguồn cung sâu hơn do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Ngày 20/11, hai hợp đồng dầu chủ chốt đã tăng khoảng 2% sau khi hãng tin Reuters dẫn ba nguồn tin của OPEC+ cho hay tổ chức này sẽ xem xét cắt giảm nguồn cung dầu bổ sung khi nhóm họp vào ngày 26/11.

Các nhà phân tích đã dự đoán rằng OPEC+ có thể sẽ gia hạn hoặc thậm chí cắt giảm sâu hơn nguồn cung dầu vào năm 2024. Các nhà phân tích của ANZ cho hay trong khi các thị trường đều nhất trí cho rằng Saudi Arabia và Nga sẽ gia hạn cắt giảm tự nguyện đến năm 2024, thì bất kỳ sự cắt giảm thêm nào của các thành viên khác sẽ là yếu tố thúc đẩy cho giá dầu trong tương lai.

Người đứng đầu bộ phận công nghiệp và thị trường dầu mỏ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 21/11 cho biết ngay cả khi các quốc gia OPEC+ gia hạn cắt giảm sang năm tới, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chứng kiến nguồn cung dư thừa nhẹ vào năm 2024.

Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ hôm 21/11, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng gần 9,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/11. Lượng xăng trong kho dự trữ giảm khoảng 1,79 triệu thùng, trong khi các sản phẩm chưng cất giảm khoảng 3,5 triệu thùng.

 

Số liệu chính thức của Chính phủ Mỹ về kho dự trữ sẽ được công bố ngày 22/11 (theo giờ địa phương).

Thị trường chứng khoán đi ngược chiều sau biên bản của FED

Thị trường chứng khoán châu Á biến động ngược chiều phiên 22/11 khi các nhà giao dịch theo sau sự dẫn dắt ảm đạm từ Phố Wall sau biên bản cuộc họp cho thấy các quan chức Fed có xu hướng giữ lãi suất ở mức cao trong "một thời gian" để giảm lạm phát.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,3% lên 33.451,83 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,4% xuống 17.672,40 điểm, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,8% xuống 3.043,61 điểm.

 

Chứng khoán Sydney, Mumbai, Wellington, Đài Bắc, Bangkok và Jakarta giảm, còn chứng khoán Seoul, Wellington và Manila tăng nhẹ. Chứng khoán Singapore cũng tăng do dữ liệu cho thấy nền kinh tế của quốc đảo này đã tăng hơn dự kiến trong quý III/2023.

Các nhà giao dịch đã tận dụng cơ hội để mua vào cổ phiếu sau đợt tăng giá gần đây do sự lạc quan ngày càng tăng rằng động thái tiếp theo của FED có thể sẽ là cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Tâm trạng lạc quan này cũng đã giúp nâng đỡ thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm từ mức cao nhất trong 17 năm, từ đó đẩy đồng USD giảm giá so với các loại tiền tệ khác.

Biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất của FED, công bố ngày 21/11 cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã nhận ra tác động của hơn một năm tăng lãi suất đối với lạm phát, vốn đã giảm từ mức cao nhất trong 40 năm trong năm 2022. Song họ cũng thận trọng trước việc tuyên bố một chiến thắng.

Biên bản công bố ngày 21/11 cho biết những người tham dự đều đánh giá rằng việc duy trì chính sách hạn chế trong một thời gian cho đến khi lạm phát rõ ràng giảm xuống một cách bền vững" hướng tới mục tiêu 2% là phù hợp.

 

Nhận xét này, lặp lại cảnh báo từ một số nhà hoạch định chính sách, bao gồm cả Chủ tịch FED Jerome Powell, đã làm giảm bớt một số hy vọng rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Tuy nhiên, điều đó không làm dấy lên lo ngại về việc sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa.

Nhiều nhà giao dịch tin rằng FED đã thành công trong việc hướng nền kinh tế lớn nhất thế giới hạ cánh nhẹ nhàng bằng cách kiềm chế tăng trưởng mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 3,36 điểm (0,30%) lên 1.113,82 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng tăng 0,69 điểm (0,30%) lên 230,49 điểm.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm