Quốc tế

Choáng ngợp trước thiết kế khinh hạm tương lai của Hải quân Mỹ

DNVN - Hải quân Mỹ dự định sẽ đóng số lượng lớn tàu hộ vệ tên lửa (khinh hạm) tiên tiến để lấp khoảng trống chiến thuật trong biên đội tàu mặt nước.

Nga đặt niềm tin vào 2S19 Msta-S nâng cấp, dấu hiệu 2S35 Koalitsiya-SV thất bại? / Sự thực Việt Nam mua số lượng lớn xe tăng T-72 từ Belarus

Sau khi các khinh hạm 4.000 tấn lớp Oliver Hazard Perry được cho nghỉ hưu toàn bộ, Hải quân Hoa Kỳ vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra một lớp tàu chiến mới để hỗ trợ tàu khu trục Arleigh Burke và tàu tuần dương Ticonderoga trong biên đội tác chiến hỗn hợp.

Họ từng kỳ vọng rằng tàu chiến ven bờ LCS sẽ có thể đảm nhiệm vai trò trên, tuy nhiên do được thiết kế với mục đích khác đó là len lỏi vào sát bờ biển của đối phương tung đòn tập kích mà LCS tỏ ra không phù hợp khi triển khai ngoài xa đại dương.

Bên cạnh đó hỏa lực của LCS cũng chưa được hoàn thiện, trên tàu có khoảng không gian trống tới 40% để tích hợp vũ khí theo từng yêu cầu nhiệm vụ nhưng thực tế vẫn chưa có một cấu hình ổn định dành cho lớp tàu này.

Mô hình khinh hạm thế hệ mới của Hải quân Mỹ. Ảnh: Navy Recognition.

Mô hình khinh hạm thế hệ mới của Hải quân Mỹ. Ảnh: Navy Recognition.

Đứng trước yêu cầu trên, Hải quân Hoa Kỳ đã lên kế hoạch đóng mới 20 chiếc FFG hiện đại để cấp tốc nâng cao sức mạnh cho hạm đội, những chiến hạm này sẽ có lượng giãn nước vào khoảng 4.000 - 6.000 tấn, trị giá 950 triệu USD mỗi tàu, mức giá trên nằm giữa Arleigh Burke (1,8 tỷ USD) và LCS (700 triệu USD).

Đã có nhiều công ty đóng tàu nổi tiếng trên thế giới tham gia chương trình lựa chọn mẫu FFG mới của Hải quân Hoa Kỳ, bao gồm cả BAE Systems của Anh, Fincantieri đến từ Ý hay Navantia của Tây Ban Nha...

Tuy nhiên đáng chú ý hơn cả vẫn là phiên bản nâng cấp mẫu tàu chiến ven bờ LCS được Tập đoàn Lockheed Martin mang tới giới thiệu tại Triển lãm Defense Show, với lợi thế hàng nội địa thì khả năng thắng cuộc của nó là rất lớn.

Khinh hạm tương lai của Hải quân Hoa Kỳ sẽ có hỏa lực rất mạnh. Ảnh: Naval Today.

Khinh hạm tương lai của Hải quân Hoa Kỳ sẽ có hỏa lực rất mạnh. Ảnh: Naval Today.

 

Ấn tượng đầu tiên về mẫu FFG của Lockheed Martin đó là nó được thiết kế với nhiều góc cạnh để giảm diện tích phản xạ radar, trên tháp chỉ huy là các mảng ăng ten mảng pha quay về 4 góc tương tự như hệ thống Aegis trên khu trục hạm Arleigh Burke.

Phía trước tàu là pháo hải quân loại 57 mm có tốc độ bắn cao, 32 ống phóng thẳng đứng Mk 41 tương thích tên lửa phòng không tầm xa SM-2 IIIC ESSM Block 2 hoặc loại SM-6 tiên tiến hơn, bên cạnh đó nó còn triển khai được cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk.

Chiến hạm mới vẫn giữ lại các ống phóng tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon truyền thống với cơ số 8 quả. Ngoài ra tàu còn có module hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS, thiết bị định vị thủy âm dạng kéo đi kèm ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk 46 cỡ 324 mm.

Ngoài phục vụ trong Hải quân Mỹ, đây còn là một lớp tàu chiến có triển vọng xuất khẩu rất cao, nhất là cho các đồng minh thân thiết, giá thành con tàu dự kiến sẽ giảm đi đáng kể khi bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

 

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm