Quốc tế

Chủng phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh chóng mặt tại nhiều quốc gia

Đến sáng 30/6, thế giới có trên 552,28 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,35 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Kiên Giang: Khách đến Phú Quốc tăng đột biến, nhiều cơ sở lưu trú xây thêm phòng / Long An: Phiên tòa xét xử Lê Tùng Vân cùng các “đệ tử” tạm hoãn do vắng nhiều người

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng 89,26 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 1,042 triệu trường hợp tử vong do bệnh này. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 32.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Dữ liệu tại Mỹ cho thấy, chủng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron vốn chỉ chiếm khoảng 1% số ca mắc mới vào đầu tháng 5. Đến tuần trước, hai biến thể dễ lây nhiễm này là nguyên nhân gây ra tổng cộng 52% số ca mắc mới tại Mỹ. Dự kiến, số ca mắc mới do các biến thể này còn tăng mạnh trong những tuần tới. Trong tháng 6, số ca mắc mới COVID-19 trung bình mỗi ngày tại Mỹ đạt khoảng 100.000 trường hợp. Mặc dù con số này thấp hơn mức tăng trước đây nhưng vẫn cao hơn so với những lần tạm lắng trước đó. Mỗi ngày Mỹ vẫn có dưới 300 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca nhập viện đang tăng nhẹ, khoảng 6% trong hai tuần qua.

Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và công ty dược phẩm đối tác BioNTech của Đức đã công bố hợp đồng cung cấp vaccine ngừa COVID-19 trị giá 3,2 tỷ USD cho Chính phủ Mỹ. Theo đó, hai hãng dược phẩm này sẽ chuyển giao 105 triệu liều vaccine ngừa biến thể Omicron cho Mỹ muộn nhất là cuối hè năm nay.

Omicron đã trở thành biến thể gây lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ từ mùa đông năm 2021 và Pfizer-BioNTech cũng là liên doanh đi đầu trong việc sản xuất loại vaccine đặc ngừa Omicron.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 30/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,45 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 525.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 671.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 32,28 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

BA.4 và BA.5 có khả năng kháng thuốc cao hơn biến thể chủ đạo trước đây là BA.2.12.1, dẫn đến gia tăng số ca mắc mới, ngay cả với những người đã được tiêm đầy đủ vaccine. Trên thế giới, BA.4 và BA.5 đang là các chủng virus gây quan ngại lớn khi chúng đang lây lan nhanh với tốc độ chóng mặt và trở thành biến thể chủ đạo với 55% tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Chủng phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh chóng mặt tại nhiều quốc gia - Ảnh 1.

BA.4 và BA.5 được dự báo sẽ lây lan rộng khắp Liên minh châu Âu (EU). (Ảnh: AP)

Tại châu Âu, ngành y tế cảnh báo, hai biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 sẽ lây lan rộng khắp Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù hiện phần lớn các nước EU đều ghi nhận tỷ lệ ca mắc hai biến thể này ở mức thấp nhưng cũng có nước (như Bồ Đào Nha) ghi nhận số ca mắc hai biến thể này tăng vọt. Còn tại Đức, biến thể phụ BA.5 đã trở thành biến thể chủ đạo gây bệnh COVID-19, chiếm khoảng một nửa số ca mắc mới COVID-19 ở nước này.

Pháp đã báo cáo 124.724 ca nhiễm COVID-19 mới vào ngày 27/6, so với 77.967 trường hợp một tuần trước đó, và là mức cao nhất kể từ ngày 18/4. Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp khuyến cáo trong tuần này rằng người dân Pháp nên bắt đầu đeo khẩu trang trở lại ở các khu vực đông người, đặc biệt là trên các phương tiện giao thông công cộng, để chống lại tình trạng số trường hợp mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại.

Hiện Pháp ghi nhận tổng cộng trên 30,95 triệu ca. Trong khi đó, số người tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng lên 149.491 trường hợp.

Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC) thông báo, Chính phủ liên bang nước này tiếp tục kéo dài các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiện nay đối với du khách nước ngoài nhập cảnh. Trong một thông cáo báo chí, PHAC cho biết, các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 đối với khách du lịch đến Canada vẫn có hiệu lực cho đến ít nhất là ngày 30/9 tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Canada Jean-Yves Duclos, khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo đối phó với COVID-19, điều quan trọng là người dân cần ý thức được rằng dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Do vậy, tất cả cần phải tiếp tục làm tất cả những gì có thể để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác trước nguy cơ lây nhiễm. Các biện pháp phòng chống dịch tại biên giới của Canada sẽ vẫn linh hoạt, thích ứng, khoa học và thận trọng.

 

Sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, số ca tử vong do COVID-19 tại Australia đang tiệm cận với con số kỷ lục 10.000 người và có khả năng sẽ vượt qua mốc này trong vòng vài ngày tới. Thống kê y tế của Australia cho biết, tính đến ngày 30/6, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia lớn nhất châu Đại dương là 9.897 người và vẫn đang có xu hướng tăng nhanh.

Mặc dù là một trong số ít các quốc gia đạt mức độ phủ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới nhưng số ca mắc tại Australia vẫn rất cao, thường xuyên vượt ngưỡng 10.000 trường hợp mới/ngày trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ Australia và các cấp chính quyền địa phương sẽ ban hành trở lại các hạn chế nói trên.

Australia đã chính thức mở cửa hoàn toàn biên giới quốc gia từ tháng 2/2022. Các hạn chế dịch bệnh tại nước này cũng gần như đã được gỡ bỏ hoàn toàn. Người nhập cảnh vào đây cũng không còn phải làm xét nghiệm COVID-19 trước khi bay hay cách ly sau khi nhập cảnh. Mới đây nhất, hãng hàng không Qantas của Australia đã gỡ bỏ yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang trên các chuyến bay do hãng này khai thác.

Đối với châu Á, Indonesia và Philippines đã phát hiện các ca nhiễm dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Trong đó, Indonesia dự báo, làn sóng lây nhiễm biến thể BA.4 và BA.5 có thể đạt đỉnh vào tháng 7, tức là một tháng sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Tại Singapore, khoảng 45% số ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng trong tuần qua là do hai biến thể phụ này, trong khi tuần trước đó, con số này mới chỉ ở mức 30%.

Chủng phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh chóng mặt tại nhiều quốc gia - Ảnh 2.

Dòng phụ BA.4 và BA.5 cũng đã xuất hiện tại một số nước châu Á. (Ảnh: Reuters)

 

Hàn Quốc đã cấp phép sử dụng vaccine SKYCovione, còn được gọi là GBP510, vaccine ngừa COVID-19 nội địa đầu tiên do công ty dược phẩm SK Bioscience phối hợp với Đại học Y khoa Washington (Mỹ) phát triển. Đây là bước đi quan trọng hướng tới việc tự chủ về vaccine trong nỗ lực phòng chống đại dịch của Hàn Quốc.

Theo các chuyên gia, GPB510 là loại vaccine thế hệ thứ hai, an toàn và hiệu quả ở liều lượng thấp, dễ sản xuất trên quy mô lớn, dễ bảo quản mà không cần nhiệt độ lạnh sâu, tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành tiêm chủng trên quy mô toàn cầu. Đây là loại vaccine gồm 2 liều và tiêm cách nhau 4 tuần. Hiện Chính phủ Hàn Quốc đã ký thỏa thuận mua 10 triệu liều vaccine này để sử dụng trong nước.

Bên cạnh đó, ngày 30/6, Hàn Quốc đã phê duyệt sử dụng liệu pháp kháng thể đơn dòng Evusheld của công ty dược phẩm sinh học AstraZeneca (Anh) trong phòng ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho nhóm người có hệ miễn dịch kém. Động thái này giúp tăng thêm sự lựa chọn cho người dân trong bối cảnh Hàn Quốc đang dần giảm bớt gánh nặng do đại dịch COVID-19 đặt ra đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Ngày 30/6, Hàn Quốc báo cáo 9.585 ca mắc mới và 10 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên trên 18,35 triệu, trong đó có 24.547 trường hợp không qua khỏi.

Campuchia vào tối 28/6 ghi nhận các ca mắc mới COVID-19 sau 51 ngày liên tục không có ca mắc mới nào. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã xác nhận các ca mắc mới COVID-19 xuất hiện trở lại tại nước này, đồng thời kêu gọi người dân cẩn trọng tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế và khẩn trương đi tiêm mũi vaccine tăng cường phòng chống COVID-19.

 

Trong thông điệp gửi tới người dân, Thủ tướng Hun Sen nêu rõ, Bộ Y tế Campuchia đã phát hiện các ca mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng qua một số xét nghiệm PCR, cũng như các trường hợp xét nghiệm PCR đối với những người làm thủ tục xuất nhập cảnh. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, dù số ca mắc mới ít và chưa có biểu hiện nghiệm trọng, ông kêu gọi người dân "cẩn trọng, nghiêm túc thực hiện biện pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân ở mọi nơi để tránh lây lan dịch bệnh trong gia đình, cộng đồng, cũng như các cơ quan, đơn vị".

Ngày 30/6, Campuchia ghi nhận 7 ca mắc mới COVID-19. Đến nay, tổng cộng 136.279 người đã mắc COVID-19, bao gồm 3.056 trường hợp thiệt mạng ở nước này.

Nhà chức trách Macau (Trung Quốc) đang nỗ lực khống chế đợt bùng phát dịch COVID-19, được đánh giá là lớn nhất tại thành phố này. Theo đó, người dân sinh sống tại Macau được yêu cầu xét nghiệm hàng ngày và ở nhà nhiều nhất có thể. Đáng chú ý, trong số 570 ca nhiễm mới trong ngày, có cả các nhân viên y tế, cảnh sát và lực lượng cứu hỏa. Giới chức Macau đã yêu cầu người dân phải sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để sàng lọc virus SARS-CoV-2 hàng ngày. Trong khoảng một tuần, đặc khu hành chính Macau đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng đối với hơn 600.000 người. Hơn 7.000 người đang phải cách ly bắt buộc.

Cùng ngày, nhà chức trách Macau cho biết đã tiêu hủy 100 kg xoài nhập từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) sau khi một mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo giới chức Macau, việc nhập xoài từ Đài Loan cũng sẽ bị cấm trong khoảng một tuần.

Hiện hơn 20 khu vực trên toàn Macau đã bị phong tỏa trong bối cảnh nhà chức trách sở tại nỗ lực chặt đứt chuỗi lây nhiễm dòng phụ BA.5.1 của biến thể Omicron. Người dân được yêu cầu ở trong nhà nhiều nhất có thể, với nhiều cơ sở phải đóng cửa, trong đó có các quán bar, tiệm làm tóc và công viên ngoài trời. Các cơ sở bán đồ ăn chỉ được phép bán mang đi, trong khi các casino vẫn được phép mở nhằm bảo vệ việc làm.

 

Hiện Macau vẫn tuân thủ chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc đại lục. Trên thực tế, số ca mắc mới theo ngày tại Macau hiện vẫn khá thấp so với các khu vực khác. Như tại Hong Kong, số ca mắc mới theo ngày tại đây đã lên tới gần 2.000 trường hợp/ngày trong tháng 6.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm