Citigroup hạ dự báo tăng trưởng Eurozone
Hungary ra tối hậu thư cho Ukraine về việc cung cấp vũ khí / Gần như tất cả dữ liệu Mỹ chia sẻ với Ukraine đều rơi vào tay Nga
Tập đoàn dịch vụ tài chính Citigroup (Mỹ) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) coi việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu.
Các nhà kinh tế của Citigroup dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này trong năm 2023 sẽ ở mức 0,8%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó.
Lãi suất tiền gửi của ECB hiện ở mức cao nhất trong 22 năm là 3,5%, sau đợt tăng mới nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng trước.
Các nhà hoạch định chính sách đã báo hiệu khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát dai dẳng, hiện vẫn cao hơn so với mức lý tưởng 2% của ECB.
Động thái điều chỉnh dự báo tăng trưởng của kinh tế châu Âu được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế "đầu tàu" của châu lục là Đức cũng bị hạ dự báo tăng trưởng. Citigroup đã giảm dự báo tăng trưởng GDP quý I/2023 của Đức từ 1% xuống còn 0,2%.
Ngược lại, Citigroup lại nâng dự báo tăng trưởng GDP của Italy từ mức 0,4% trước đó thành 1,3%, cho rằng việc bình thường hóa hoạt động du lịch, thương mại bán buôn và bán lẻ, vận tải, dịch vụ lưu trú và ăn uống... cùng việc áp dụng các gói kích cầu kinh tế sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt.
Theo các nhà kinh tế của Citigroup, các biện pháp thắt chặt tiền tệ dẫn đến nguy cơ suy thoái vào nửa cuối năm 2023 tại Eurozone, theo đó dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 cho khu vực này chỉ ở mức 0,9%.
Tháng 3 vừa qua, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cũng nâng dự báo GDP cho Eurozone thêm 0,2 điểm %, lên 0,8%.
Trong khi đó, kết quả khảo sát công bố ngày 3/7 cho thấy các hoạt động sản xuất ở cả 4 nền kinh tế lớn nhất Eurozone đều suy giảm trong tháng 6.
Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực Eurozone, do ngân hàng HCOB (Đức) phối hợp với S&P Global tổng hợp, giảm xuống mức 43,4 trong tháng 6 so với mức 44,8 trong tháng 5.
Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thấp hơn mức 43,6 ước tính sơ bộ trước đó và cũng thấp hơn nhiều so với ngưỡng 50 để được công nhận là tăng trưởng. Chỉ số sản lượng cũng giảm xuống mức 44,2 - thấp nhất trong 8 tháng.
Chỉ số này là một phần trong chỉ số PMI tổng hợp sẽ được công bố ngày 5/7 tới, vốn được coi là thước đo quan trọng phản ánh sức khỏe nền kinh tế.
Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng của HCOB cho rằng, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lĩnh vực công nghiệp rất cần vốn đang có phản ứng tiêu cực với quyết định tăng lãi suất của ECB.
Nhằm đưa lạm phát đang ở mức cao ngất ngưởng xuống mức mục tiêu là 2%, ECB đã tăng lãi suất tổng cộng là 400 điểm cơ bản qua các đợt tăng khác nhau và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 25 điểm cơ bản trong tháng này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo