CLIP: Cơn giận dữ của người Venezuela khi cuộc sống chìm trong bóng tối
CLIP: Đáp trả cứng rắn Mỹ, Nga tuyên bố duy trì binh sĩ ở Venezuela / Nga nghi Mỹ có thể dùng đảo ở Hà Lan để can thiệp quân sự vào Venezuela
Người biểu tình đốt phá trên đường phố Caracas để phản đối chính quyền Venezuela. (Ảnh: Reuters)
Hàng triệu người dân Venezuela vẫn đang phải sống trong cảnh không có nước sinh hoạt giữa lúc tình trạng mất điện trên diện rộng chưa chấm dứt. Tổng thống Nicolas Maduro buộc phải công bố kế hoạch phân phối điện trong bối cảnh chính phủ Venezuela đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.
Theo kế hoạch do Tổng thống Maduro công bố cuối tuần trước, trong thời hạn 30 ngày, chính phủ sẽ thông báo cắt giảm giờ làm và đóng cửa một số trường học để giảm nhu cầu sử dụng điện. Đây được xem là biện pháp cứu vãn của chính quyền Maduro sau khi Venezuela phải đối mặt với tình trạng mất điện từ ngày 7/3.
“Để đảm bảo sự liên tục trong việc cung cấp điện, chính phủ quyết định duy trì việc tạm dừng các hoạt động tại trường học và quy định ngày làm việc tại các cơ quan nhà nước và tư nhân chỉ tới 2 giờ chiều”, Bộ trưởng Thông tin Venezuela Jorge Rodriguez thông báo trên truyền hình.
Thông báo của Tổng thống Maduro được đưa ra trên truyền hình. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Venezuela cũng thừa nhận rằng nhiều người dân có thể không biết đến thông báo này vì họ không có điện để xem ti vi.
Cảnh mất điện và thiếu nước tại Venezuela đã xảy ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tình trạng này xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, trên quy mô rộng hơn và kéo dài hơn trong tháng 3, đặc biệt tại thủ đô Caracas.
Cuộc sống đảo lộn
Do mất điện nên các trạm bơm không thể hoạt động, từ đó khiến dịch vụ cung cấp nước cho người dân bị đình trệ. Mất điện cũng kéo theo hàng loạt vấn đề khác. Đèn đường và đèn giao thông tối om, các trạm xăng không hoạt động, trong khi các dịch vụ điện thoại và internet cũng bị “vô hiệu hóa”.
Người dân phải xoay xở mọi cách để tìm nước sinh hoạt: từ các dòng suối, đường ống bị rò rỉ, máng nước, bể chứa của chính phủ và nước chảy qua sông Guiare ở Caracas.
“Chúng tôi lấy nước từ một giếng ở gần đây nhưng chúng tôi không biết liệu có uống được không. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang sử dụng nguồn nước này”, Erimar Vale, một người dân Venezuela sống ở Caracas, cho biết.
Trong khi đó, Angel Velazquez nói rằng anh phải tắm tại nơi làm việc vì không có nước để sử dụng tại nhà.
Ngày 31/3, những người dân Venezuela giận dữ tiếp tục xuống đường ở thủ đô Caracas để biểu tình phản đối tình trạng mất điện và thiếu nước.
“Chúng tôi có con nhỏ và chúng tôi không có một giọt nước nào để cho chúng uống”, Maria Rodriguez, một người dân sống ở Caracas, cho biết.
Luật sư 54 tuổi Joaquin Rodriguez là một trong những người tham gia biểu tình tại Los Palos Grandes, nơi từng là một khu vực giàu có và phải đối mặt với tình trạng mất điện suốt 10 năm qua.
“Lại một lần nữa tình trạng mất điện toàn quốc ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi không có nước, không có điện, không có internet, điện thoại cũng không hoạt động. Chúng tôi thậm chí còn ở trong tình trạng tồi tệ hơn những gì chúng tôi tưởng tượng”, ông Joaquin nói.
Gần dãy núi nhìn về phía Caracas, hàng người chờ lấy nước ngày càng kéo dài. Việc người dân Venezuela lấy nước sạch tại sông suối không phải chuyện hiếm gặp, nhưng số lượng này ngày càng đông trong thời gian gần đây.
Hàng trăm người xếp hàng hôm 31/3, đổ đầy hết thùng này đến thùng khác. Một số người cho biết họ không có nước sinh hoạt trong suốt 1 tuần. Cuộc sống không có điện vốn đã rất khó khăn, nhưng họ không thể sống được nếu không có nước.
“Tôi không thể chờ thêm được nữa. Chúng tôi cần giúp đỡ. Hãy giúp đỡ chúng tôi ngay bây giờ”, Liz Guerrero, 25 tuổi, bật khóc khi ngồi trên cao tốc tại Caracas.
Người chết trong bệnh viện
Patricia Arana đã phải chờ suốt 5 tháng để được tiến hành ca phẫu thuật phình mạch não. Trong lúc đó, cô đã chứng kiến cái chết của một người bạn.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh NBC tại bệnh viện Jose Maria Vargas ở Caracas, Arana đã kể lại câu chuyện về một người bạn cũng là bệnh nhân giống như cô. Người này đã qua đời khi bệnh viện trải qua những ngày tháng mất điện.
Mặc dù một phần bệnh viện vẫn hoạt động nhờ máy phát điện, nhưng phần lớn chìm trong bóng tối. Ngoài ra, nước tại bệnh viện cũng rất khan hiếm. Một bác sĩ cho biết ít nhất 2 bệnh nhân đã qua đời vào cuối tuần qua trong sự nóng bức do mất điện.
Arana cho biết ca phẫu thuật của cô liên tục bị hoãn vì không có đủ giường bệnh. Các phòng trong bệnh viện không có nước, bốc mùi nồng nặc, trong khi bệnh nhân phải tự quạt trong bầu không khí nóng ngột ngạt.
Kể từ khi tới đây 5 tháng trước, Arana tự bỏ tiền mua các dịch vụ y tế. Các bệnh nhân như cô phải mua ga trải giường, tự mang đồ ăn tới và sống trong cảnh không có nước giữa trời nóng.
“Khi tôi đến đây lần đầu tiên, các bác sĩ đưa cho tôi và chồng tôi một danh sách những thứ cần mua cho ca phẫu thuật của tôi. Không điện, không ánh sáng, không điều hòa nhiệt độ”, Arana nói.
Bác sĩ Julio Castro, người làm việc tại đại học Trung ương Venezuela và hiện là một trong những nhà lãnh đạo của tổ chức phi chính phủ Bác sĩ Sức khỏe, cho biết tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu mất điện kéo dài.
Đợt mất điện đầu tiên bắt đầu từ ngày 8/3 và kéo dài trong vài ngày. Đợt thứ hai bắt đầu từ ngày 25/3 và tiếp tục cho tới tuần trước.
Ông Castro ước tính ít nhất 46 người đã qua đời tại các bệnh viện do hậu quả trực tiếp của đợt mất điện đầu tiên. Ít nhất 6 người khác cũng thiệt mạng trong đợt mất điện thứ hai.
Cơ sở hạ tầng xuống cấp, ít đầu tư vào mạng lưới điện cũng như công tác bảo dưỡng là những nguyên nhân khiến hệ thống điện của Venezuela ngày càng gặp nhiều vấn đề.
End of content
Không có tin nào tiếp theo