COVID-19: Vì sao châu Phi ít ca tử vong, Nhật Bản ít ca mắc mới?
Chưa tới 6% người dân ở châu Phi được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nhưng dữ liệu của WHO cho thấy số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu.
Các nước châu Âu áp đặt hạn chế với người chưa tiêm vaccine COVID-19 như thế nào? / “Nóng” cuộc đua sản xuất chất bán dẫn
Tình hình dịch COVID-19 tại châu Phi đang có phần lắng dịu. Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy số ca nhiễm dịch ở châu lục này đã giảm kể từ tháng 7.
Chưa tới 6% người dân nơi đây được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nhưng dữ liệu của WHO cho thấy số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu, trong khi tỷ lệ tử vong ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.
Xét từ góc độ khoa học, một số nhà nghiên cứu cho biết dân số của châu Phi rất trẻ, độ tuổi trung bình là 20 so với khoảng 43 ở Tây Âu.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nam Phi, ngày 8/10. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngoài tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn, xu hướng dành thời gian ở ngoài trời nhiều có thể giúp người dân tránh được tác động của virus SARS-CoV-2 nhiều hơn.
Một điểm đáng chú ý là tại cuộc họp của Hiệp hội Y học nhiệt đới và vệ sinh Mỹ tuần trước, các nhà nghiên cứu làm việc tại Uganda nhận thấy những bệnh nhân COVID-19 có tỉ lệ phơi nhiễm cao với bệnh sốt rét ít có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong hơn.
Hiện các nhà khoa học đang tiến hành thêm một số nghiên cứu để xem liệu có thể có những giải thích khác hay không, như về mặt di truyền hoặc quá khứ nhiễm các bệnh ký sinh trùng...
Trong khi đó, có một thực tế đáng quan tâm khác đang diễn ra tại Nhật Bản. Làn sóng dịch thứ 5 suy giảm nhanh đến mức nhiều nhà nghiên cứu cho rằng biến thể Delta có khả năng đã “tự diệt” trên đảo quốc này.
Hồi tháng 8 vừa qua, Nhật Bản chứng kiến mức đỉnh dịch với hơn 23.000 ca nhiễm mới/ngày. Giờ đây, con số này giảm xuống chỉ còn hơn 140 ca/ngày, và số ca tử vong duy trì ở mức một con số.
Một phụ nữ tại Tokyo tiêm vaccine COVID-19 (Nguồn: Kyodo)
Thành công này một phần nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, người dân tuân thủ đeo khẩu trang và nhiều yếu tố khác.
Nhưng đáng chú ý là tốc độ suy giảm số ca bệnh ở Nhật Bản nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác có điều kiện tương tự, kể cả ở các quốc gia Đông Á như Hàn Quốc, nơi người dân có nhiều điểm tương đồng với cư dân Nhật Bản về mặt di truyền.
Chuyên gia di truyền học tại Viện Di truyền quốc gia Nhật Bản, ông Ituro Inoue cho rằng biến thể Delta “leo lên vị trí thống trị rồi tự diệt trừ chính nó.”
Ông và các đồng nghiệp đang nghiên cứu các đột biến của virus SARS-CoV-2, cũng như cách virus này bị ảnh hưởng bởi protein nsp14, chất quan trọng đối với sự sinh sản của virus.
Các virus RNA - bao gồm virus SARS-CoV-2 - có tỷ lệ đột biến rất cao, giúp chúng nhanh chóng thích nghi với những thay đổi của môi trường, nhưng cũng có trường hợp các đột biến xấu chồng chất sẽ gây ra sự tuyệt chủng của một dòng biến thể.
Chuyên gia Inoue cho biết: “Chúng tôi thực sự bị sốc khi phát hiện ra điều này. Biến thể Delta ở Nhật Bản dễ lây truyền đến mức có thể nhanh chóng leo lên ngôi thống trị. Nhưng khi các đột biến chồng chất lên nhau, chúng tôi tin rằng virus đã bị lỗi và không thể tự tạo ra các bản sao của chính nó.”
Giả thuyết này được cho là có liên quan đến chủng virus SARS hồi năm 2003, và có thể là lý do khiến virus này không gây ra đại dịch dai dẳng như SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, do đợt bùng phát SARS 2003 chấm dứt tương đối nhanh chóng, nên các chuyên gia không thể thu thập đủ dữ liệu di truyền để xác thực giả thuyết này.
Có lẽ còn rất nhiều điều bí hiểm về virus SARS-CoV-2 và quá trình tiến hóa đầy bất ngờ của chúng mà con người chưa biết hết.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn cần sử dụng mọi công cụ để phòng chống dịch, từ các biện pháp đơn giản như đảm bảo giãn cách xã hội, sát khuẩn tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, cho đến "tấm khiên" bảo vệ từ bên trong là các loại vaccine ngừa COVID-19.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo