Thượng đỉnh Trung Quốc - Mỹ: 10 tháng xúc tiến cho 3,5 giờ đối thoại "mặt đối mặt"
Các nước châu Âu áp đặt hạn chế với người chưa tiêm vaccine COVID-19 như thế nào? / “Nóng” cuộc đua sản xuất chất bán dẫn
Tiết lộ từ Mỹ cho biết, phải mất 10 tháng để xúc tiến được cuộc đối thoại "mặt đối mặt" đầu tiên này giữa hai nhà lãnh đạo. Nói như vậy, để thấy được sự kỳ vọng, trông đợi của dư luận, về kết quả tích cực của sự kiện, giúp giải tỏa nhiều căng thẳng lâu nay giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, được đánh giá là bước đi cần thiết, đưa mối quan hệ cạnh tranh chiến lược, đưa những khác biệt vào khuôn khổ kiểm soát ổn định.
Ảnh: AP
Cuộc trò chuyện kéo dài 3 tiếng rưỡi
Cả hai nhà lãnh đạo đều cho thấy quyết tâm hạ nhiệt tình hình qua những cử chỉ và phát biểu lúc mở đầu cuộc họp. Hàng loạt vấn đề hóc búa đã được đề cập: gồm vấn đề Tân Cương, Đài Loan và quan hệ thương mại. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi phát triển quan hệ Mỹ - Trung lành mạnh và ổn định, trao đổi lập trường nhấn mạnh - hai bên hành xử có trách nhiệm với tư cách hai siêu cường hàng đầu thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Trách nhiệm của chúng ta trên cương vị lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ là phải bảo đảm rằng sự cạnh tranh giữa hai quốc gia không dẫn đến xung đột, dù cố ý hay vô ý. Đơn giản thôi, hãy cạnh tranh thẳng thắn".
Cuộc trò chuyện kéo dài 3 tiếng rưỡi, được Nhà Trắng nhận định là một cuộc đối thoại "tôn trọng, thẳng thắn và cởi mở". Tổng thống Biden cũng thảo luận tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thông báo về việc Mỹ tiếp tục quyết tâm duy trì các cam kết của mình ở khu vực.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc thì so sánh Mỹ và Trung Quốc như "những con tàu lớn", cần phải cùng nhau tiến về phía trước mà không để xảy ra va chạm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng để hai nước hòa hợp với nhau cần phải tuân thủ ba nguyên tắc: tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi. "Tôi sẵn sàng làm việc với Ngài Tổng thống nhằm xây dựng sự đồng thuận, có những bước đi tích cực và đưa quan hệ Trung - Mỹ tiến lên theo hướng tích cực. Làm như vậy sẽ nâng cao sự quan tâm của nhân dân hai nước và đáp ứng sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế".
Tổng thống Mỹ Joe Biden đối thoại trực tuyến với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Ngoài những vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ song phương, hai bên cũng thảo luận về tình trạng biến đổi khí hậu và vai trò quan trọng của Mỹ, Trung Quốc - vốn là hai nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, trong việc đối phó cuộc khủng hoảng này.
Vấn đề thương mại cũng được nhắc đến nhưng đây không phải là chủ đề chi phối cuộc đối thoại. Hai bên cũng đề cập tầm quan trọng của việc vượt qua đại dịch COVID-19, vai trò của vaccine, khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đối thoại thực chất và cụ thể trong tương lai.
Quan hệ Mỹ - Trung: Cạnh tranh đan xen hợp tác
Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một số điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc. Theo đó, nước Mỹ dần chuyển từ coi Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" trên mọi lĩnh vực sang "vừa hợp tác, vừa cạnh tranh".
Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ cạnh tranh khi cần cạnh tranh, hợp tác khi có thể và sẽ đối đầu khi bắt buộc phải đối đầu".
Cạnh tranh về kinh tế, thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Biden tiếp tục gay gắt. Ông Biden đang giữ nguyên các loại thuế áp lên Trung Quốc đã có từ thời người tiền nhiệm. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong 9/2021 đạt con số kỷ lục là 42 tỷ USD. Washington vẫn tìm kiếm sự hợp tác của đồng minh nhằm kiềm chế sự phát triển của Bắc Kinh trong một số lĩnh vực, đặc biệt là mạng 5G. Cạnh tranh về địa chính trị giữa hai nước tại các khu vực chiến lược chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bắc Kinh liên tục yêu cầu Washington ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Tuy nhiên, cả hai vẫn cố gắng không để sự cạnh tranh và đối đầu này vượt tầm kiểm soát.
Ông Antony Blinken nói: "Chúng tôi quan ngại về tình hình Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, các cuộc tấn công mạng và sự cạnh tranh về kinh tế đối với đồng minh của Mỹ. Những hành động này đang đe dọa trật tự dựa trên luật lệ vốn duy trì ổn định toàn cầu".
Mỹ dần chuyển từ coi Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" trên mọi lĩnh vực sang "vừa hợp tác, vừa cạnh tranh".
Ông Triệu Lập Kiên - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: "Việc Mỹ cố tình gây sức ép với Trung Quốc sẽ không thành công. Trung Quốc luôn kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ tuân thủ các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế và không tham gia vào những việc gây nguy hại đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".
Dù trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chủ động hợp tác trong các vấn đề mà hai nước có lợi ích chung. Điểm sáng là hợp tác về khí hậu. Tại hội nghị COP26 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện tại, mục tiêu của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đang hướng tới, đó là "cạnh tranh có trách nhiệm" hoặc "những hàng rào an toàn" trong mối quan hệ. Có nghĩa là hai nước theo đuổi các mục tiêu của mình trong khuôn khổ quy tắc hành xử quốc tế, không thực hiện các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng nguy hiểm.
Trung Quốc mô tả cuộc hội đàm là "tích cực"
Phía Trung Quốc mô tả cuộc hội đàm là "tích cực", khẳng định sự kiện này thúc đẩy sự "hiểu biết lẫn nhau". Một số nhà phân tích Trung Quốc tỏ ra lạc quan và đánh giá hội nghị thượng đỉnh lần này gửi đi thông điệp về sự cải thiện niềm tin chính trị giữa hai nước, đóng góp cho sự phát triển quan hệ song phương ở cả thời điểm hiện tại và tương lai, tạo đà cho các nỗ lực giảm căng thẳng.
Cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới kéo dài 3 tiếng rưỡi có thể không tạo ra đột phá, nhưng việc họ gặp nhau, cùng nhìn nhận những bất đồng về một số vấn đề là tín hiệu tích cực.
Trên Tờ SCMP của Hong Kong, tác giả kỳ cựu Wang Xiang Wei cho biết, nhiều chuyên gia quốc tế ấn tượng bởi không khí thân tình của cuộc gặp. Cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đều cho rằng sự cần thiết trong việc xoa dịu căng thẳng và tránh xung đột, đó là chính sách nhất quán của Mỹ về Một Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan.
Mỹ, Trung Quốc - vốn là hai nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới
Trên các tờ China Daily, Global Times, David Shullman - Giám đốc cấp cao của Trung tâm Trung Quốc toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, cuộc họp là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột ngoài ý muốn.
Ông Ngô Tâm Bá - Lãnh đạo Viện nghiên cứu quốc tế - Đại học Phúc Đán - Thượng Hải cho biết, cần tăng cường hợp tác, quản lý hiệu quả hơn những khác biệt, giảm thiểu tiêu cực từ những bất đồng trong quan hệ song phương.
Còn Carl Bildt - Cựu Thủ tướng Thụy Điển nhấn mạnh, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm cách làm cho mối quan hệ cạnh tranh trở nên dễ đoán hơn, đồng thời mở ra cho sự hợp tác cần thiết trong các lĩnh vực quan trọng như khí hậu.
Những vấn đề như Đài Loan, nhân quyền, mâu thuẫn trong thương mại là mâu thuẫn lớn giữa hai nước cần thời gian dài. Nhưng trước mắt, việc thu xếp cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sau hơn 10 tháng lên cầm quyền của Tổng thống Joe Biden cũng khiến cho nhiều người dân Trung Quốc có thêm niềm tin vào cải thiện mối quan hệ để thuận lợi hơn cho việc làm ăn.
Quan hệ Mỹ - Trung hướng tới ổn định chiến lược
Sau hội đàm, một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả tinh thần cơ bản của cuộc họp thượng đỉnh vẫn là tôn trọng và thẳng thắn, hội nghị có thể tạo tiền đề cho nhiều cuộc tiếp xúc trong tương lai, qua đó từng bước mở ra cơ hội ổn định chiến lược giữa hai cường quốc.
Ổn định chiến lược là cụm từ được Thời báo Phố Wall đề cập sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo đó, để cùng hướng đến mục tiêu ổn định chiến lược, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ phải thảo luận để tạo môi trường cho cạnh tranh, tránh xung đột, kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Nhưng cũng tờ báo này, trong số cuối tuần, cho rằng Mỹ trong 10 tháng qua, kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, đã sống mà không có chính sách với Trung Quốc. Sau cuộc gặp này, một chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc như thế nào vẫn chưa rõ và nhu cầu lúc này là cần thảo luận và đưa ra một chính sách rõ ràng hơn với Trung Quốc.
Một chiến lược với Trung Quốc, theo cách nhìn của Mỹ, bao giờ cũng kèm theo vấn đề Đài Loan. Nhưng theo BBC, đụng chạm đến vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cũng có nghĩa là động vào lửa sẽ bị bỏng và Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ về vấn đề này.
Dưới góc độ kinh tế, Thời báo New York giật tít, hai nước cam kết hợp tác nhiều hơn nhưng chưa có đột phá. Hơn 3 tiếng đàm phán, hai bên không đưa ra hành động cụ thể nào, mà chỉ đưa ra danh sách những tranh chấp quan trọng nhất và qua danh sách này thì thấy những quan hệ hai nước còn tồn tại nhiều khách biệt về quyền con người, về hoạt động quân sự trên biển và về chính sách kinh tế, thương mại của Trung Quốc. Để kiểm soát khủng hoảng, hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ đường dây liên lạc mở.
CNN thì đánh giá, tất nhiên, kết quả cuộc gặp không chỉ làm giảm căng thẳng, hay nếu làm được điều đó thì cũng tốt. Và đó sẽ là nền tảng để tạo đà cho việc cạnh tranh công bằng, có trách nhiệm và phía Mỹ sẽ làm nhiều hơn để đạt được mục đích này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo