Đại dịch toàn cầu tác động tới công nghiệp quốc phòng như thế nào?
Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực giảm thiệt hại kinh tế do COVID-19 / Hàng trăm nghìn trẻ em có thể bị chết đói do dịch COVID-19
Nhìn một cách tổng thể, đại dịch COVID-19 kèm theo những biện pháp kiểm soát sự lây lan bệnh dịch hiện nay có thể tác động đến 5 khía cạnh chính: gián đoạn hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng; những nỗ lực phát triển kinh doanh; suy giảm nguồn cầu đối với thiết bị quốc phòng; các công ty phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn vốn ảnh hưởng đến năng lực tài chính và năng lực sản xuất; và giá trị cổ phiếu của các công ty sụt giảm gây ra tác động thứ cấp.
Mức độ tác động của mỗi khía cạnh nói trên sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô của các công ty quốc phòng, danh mục sản phẩm và mức độ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, có thể nói, cú sốc về khía cạnh cung ứng là dễ thấy hơn cả. Các công ty được đặt tại các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh hoặc những công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng được đặt ở những nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch là những "nạn nhân" rõ nét nhất.
Ví dụ, công ty đóng tàu Fincantieri của Italy hiện đã phải hoãn việc chuyển giao 3 tàu hộ vệ hạng nhẹ cho Hải quân Qatar do đại dịch COVID-19 và có thể thời gian trì hoãn sẽ kéo dài hơn nữa nếu công ty này kéo dài thời gian ngừng hoạt động của mình, mà đây là tình huống có khả năng xảy ra nếu Italy không thể sớm kiềm chế dịch bệnh.
Khi đó, rủi ro lớn hơn đối với Fincantieri là mất hết cơ hội làm ăn với hải quân các nước khác vào thời điểm các nước đang ưu tiên đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa hải quân.
Tương tự, với số ca mắc COVID-19 gia tăng ở Tây Âu, hoạt động sản xuất của nhiều tập đoàn quốc phòng khác ở châu Âu như Navantia và Indra ở Tây Ban Nha, có thể sẽ phải ngừng một phần hoặc toàn phần, gây đình trệ sản xuất đơn hàng và chuyển giao.
Lý do là ngành công nghiệp quốc phòng của khu vực này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng ở khu vực bên ngoài. Trong thời kỳ dịch bệnh, chức năng sản xuất của các chuỗi cung ứng bên ngoài này chịu áp đặt biện pháp kiểm soát dịch bệnh hoặc chính phủ các nước sở tại chuyển cơ sở sản xuất thành nơi sản xuất thiết bị y tế như máy thở.
Tuy nhiên, tình hình có vẻ khả quan hơn nếu tập đoàn công nghiệp quốc phòng nào đó áp dụng công nghệ tự động hóa cao vào quá trình sản xuất. Khi đó, công ty này sẽ bị ảnh hưởng ít hơn nếu phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trong sản xuất.
Tương tự, các tập đoàn chưa hoàn toàn chuyển sang mô hình sản xuất "đúng sản phẩm" sẽ có lượng hàng tồn kho nhiều hơn, do đó có thể phải đối mặt với cú sốc về vấn đề cung ứng sản phẩm trong một khoảng thời gian dài hơn.
Thu hẹp phát triển kinh doanh quốc phòng
Không giống như các ngành nghề khác, phát triển kinh doanh quốc phòng thường được tiến hành trong những khoảng thời gian thương lượng kéo dài, những hoạt động can dự kéo dài, rủi ro cao, những mối quan hệ giữa chính phủ với chính phủ, công đoạn đánh giá và thử nghiệm mở rộng và các cuộc họp trực diện.
Các công ty quốc phòng cần sẵn sàng các phương án đối phó với dịch bệnh. |
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh hiện nay không báo trước điềm lành cho phát triển kinh doanh trong lĩnh vực này.
Cần lưu ý rằng nhiều chương trình mua sắm quốc phòng giá trị "khủng" được thảo luận và hoàn tất tại các hội chợ triển lãm quốc phòng. Thế nhưng, giờ đây, những môi trường như vậy cho hoạt động phát triển kinh doanh bị thu hẹp.
Ví dụ, triển lãm quốc tế về an ninh và quốc phòng Eurosatory 2020 dự kiến diễn ra vào tháng 6 tại Paris đã bị hoãn lại. Mặc dù các bên có thể tiến hành các cuộc họp và thảo luận trực tuyến song những quyết định cuối cùng liên quan mua sắm thiết bị quan trọng lại khó có thể được đưa ra thông qua hình thức này.
Một khía cạnh gián tiếp của hoạt động phát triển kinh doanh thiết bị quốc phòng là các cuộc tập trận. Tập trận là dịp để phô diễn thiết bị và năng lực quốc phòng tiên tiến đối với các nhà điều hành và giới ra quyết định của các nước mua sắm quốc phòng tiềm năng.
Tuy nhiên, khi đa phần các cuộc tập trận bị hủy bỏ và chưa biết khi nào có thể nối lại thì công tác thử nghiệm không chính thức và đánh giá khí tài sẽ bị rút ngắn lại đồng thời làm mất đi tiềm năng thực hiện mục tiêu ngầm là phát triển kinh doanh quốc phòng thông qua các cuộc diễn tập như thế.
Cắt giảm chi tiêu và mua sắm quốc phòng
Các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh sẽ phải tăng chi tiêu cho lĩnh vực y tế và an sinh xã hội mặc dù mức độ chi tiêu như thế nào sẽ còn phải phụ thuộc vào các yếu tố khác như hệ thống chăm sóc y tế của nước đó ở tình trạng như thế nào. Ở những nước đang vướng phải tình hình tài chính khó khăn, chính phủ có thể sẽ buộc phải chuyển quỹ từ các nguồn ngân sách được dự trù chi tiêu cao, bao gồm ngân sách quốc phòng, để dành cho các nhu cầu chi tiêu trong tình huống khẩn cấp do dịch bệnh gây ra.
Mặc dù các tập đoàn quốc phòng quy mô lớn có thể có các phương án dự phòng để đối phó với tình huống xấu nhất, song các công ty quốc phòng quy mô nhỏ và vừa vốn gặp phải vấn đề rủi ro thanh khoản và vướng vào gánh nặng nợ nần sẽ khó có thể "trụ" được trong mùa dịch. Những công ty này sẽ cần có khoản tiền cứu trợ hoặc hình thức hỗ trợ vốn nào đó để có thể duy trì hoạt động.
Xem xét lại các hợp đồng lớn
Mặc dù lĩnh vực công nghiệp quốc phòng hiện chưa bị ảnh hưởng nhiều như các lĩnh vực khác, song cần lưu ý rằng các hợp đồng quốc phòng thường là những hợp đồng có giá trị lớn.
Trong khi đó, nguy cơ mất hợp đồng kinh doanh quốc phòng khi dịch bệnh diễn biến tồi tệ nhất đồng nghĩa với việc các công ty quốc phòng mất đi các thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD đã được ký kết trước khi dịch xảy ra. Các công ty quốc phòng cũng có thể phải đưa ra những quyết định khó khăn về cách thức tiến hành công việc kinh doanh của mình trong tương lai.
Công ty đóng tàu Fincantieri của Italy ngừng hoạt động do COVID-19. |
Một tình huống khó khăn mà đa phần công ty quốc phòng có thể phải đối mặt là việc duy trì tất cả dây chuyền sản xuất và lực lượng nhân công trong khi doanh số bán hàng bị cắt giảm. Các công ty đối mặt trước hàng loạt các quyết định khó khăn như liệu họ sẽ vẫn duy trì lực lượng lao động hay phải cắt giảm lực lượng lao động để rồi có nguy cơ mất đi những lao động tài năng?
Liệu có cần trợ giúp của chính phủ hay không? Liệu có phải thay đổi cơ sở sản xuất? Làm thế nào có thể duy trì niềm tin của cổ đông? Liệu có phải chuyển quỹ dành cho công tác nghiên cứu và phát triển để dành cho việc chi trả lương cho nhân viên và rồi chịu hậu quả tụt lùi về công nghệ hay không?
Các công ty quốc phòng cần tự nghiên cứu tìm ra cách thức tồn tại trong tương lai và cần phải "đi trước đón đầu" để có thể đối phó với những bất trắc nảy sinh từ những cú sốc kinh tế - chính trị - xã hội do đại dịch gây ra.
Tác động khi giá cổ phiếu sụt giảm
Một sắc màu khá ảm đạm trong bức tranh của ngành công nghiệp quốc phòng là giá trị cổ phiếu của các công ty quốc phòng sụt giảm trước cú sốc mà đại dịch gây ra. Kể từ ngày 10/2 đến nay, giá trị cổ phiếu của tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đã giảm khoảng 28%. Các tập đoàn quốc phòng khác như Leonardo, Thales và Fincantieri chứng kiến giá trị cổ phiếu của mình sụt giảm lần lượt là 55%, 33% và 32%.
Cổ phiếu của một số công ty quốc phòng khác hiện giao dịch ở mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Mặc dù việc giao dịch trên các thị trường chứng khoán thứ cấp không ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của các công ty quốc phòng song những hậu quả gián tiếp của việc sụt giá cổ phiếu của các công ty quốc phòng này là điều đáng quan ngại.
Cụ thể, các công ty trước đó lên kế hoạch phát hành cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán sơ cấp nhằm tăng cường vốn đầu tư có thể chưa triển khai được kế hoạch này do giá cổ phiếu thấp sẽ khiến việc phát hành đại chúng trên thị trường chứng khoán sơ cấp bị "đổ bể". Các công ty quốc phòng cũng sẽ phải trì hoãn các kế hoạch mở rộng kinh doanh.
Một hậu quả đáng quan ngại hơn là nguy cơ công ty mất quyền kiểm soát hoặc bị mua lại nếu các cổ đông khác mua đứt (mua toàn bộ) cổ phiếu rẻ. Khi đó, các công ty quốc phòng có thể sẽ phải tìm cách mua lại cổ phiếu giá rẻ của mình đã bị công ty khác mua đứt để ngăn chặn nguy cơ bị thâu tóm, từ đó dẫn đến gia tăng chi phí trong bảng cân đối tài chính đồng thời mất khả năng thanh khoản, vào thời điểm cần tiết kiệm chi tiêu.
Những viễn cảnh và phương án đối phó
Viễn cảnh thứ nhất là việc tìm ra một loại vắc-xin điều trị COVID-19 sẽ chỉ mất vài tháng tới và công tác kiềm chế sự lây lan dịch bệnh trong thời kỳ phong tỏa và cách ly này đạt được kết quả tốt đẹp. Khi đó, lĩnh vực quốc phòng sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn.
COVID-19 ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh doanh của công ty quốc phòng. |
Một số hợp đồng quốc phòng, sự kiện quốc phòng và các biện pháp phát triển kinh doanh quốc phòng có thể bị trì hoãn. Tuy nhiên, về tổng thể, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng có thể chỉ không tăng trưởng hoặc thậm chí tăng trưởng nhẹ vì nguồn cầu cho các đơn hàng vốn bị găm lại trong những tháng dịch bệnh sẽ được triển khai vào cuối năm. Khó khăn và thụt lùi trong tăng trưởng chỉ mang tính tạm thời.
Viễn cảnh thứ hai là việc tìm ra một loại vắc-xin điều trị mất nhiều thời gian hơn so với kỳ vọng và những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh ngay trong thời kỳ phong tỏa và cách ly chỉ đem lại những kết quả khiêm tốn. Khi đó, các nước sẽ không đặt ưu tiên cho chi tiêu quốc phòng. Sức ép về vấn đề nguồn cung cũng như chuỗi cung ứng sẽ buộc các công ty quốc phòng phải đối mặt với những quyết định khó khăn. Không có bất kỳ phương thuốc "thần" nào có thể giúp các công ty quốc phòng vượt qua viễn cảnh này một cách thành công.
Mỗi công ty sẽ phải đưa ra hàng loạt lựa chọn khác nhau sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện tài chính của mình, các điều kiện tại các thị trường mục tiêu của mình, sức căng mà các chuỗi cung ứng đang phải hứng chịu và nhiều yếu tố khác.
Viễn cảnh thứ ba, vốn không thể bị loại trừ, là không thể tìm ra vắc-xin điều trị và chúng ta sẽ phải học cách đối phó với COVID-19 như cách mà loài người đã học cách đối phó với vô số căn bệnh bí hiểm khác. Khi đó, việc tiếp tục chiến lược ngăn chặn dịch bệnh vô hạn định có thể không khả thi và các chính phủ cũng như doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm mọi hoạt động.
Cho dù xảy ra viễn cảnh nào thì ngành công nghiệp quốc phòng cũng cần nắm được một số bài học cơ bản. Tình trạng bất ổn trong thế giới ngày nay cần được chấp nhận như một quy tắc và ngành công nghiệp quốc phòng cần lường trước được những rủi ro tiềm ẩn để hoạch định các phương án quản lý rủi ro.
Các công ty quốc phòng không nên chỉ tập trung chiến lược của mình vào vấn đề tăng trưởng mà cần tập trung vào công tác lập kế hoạch cho nguồn tài nguyên và vật liệu thay thế để đối phó với từng tình huống.
Các nguyên tắc sản xuất theo hướng tối đa hóa hiệu quả và giảm thiểu chi phí có thể không còn phù hợp trong bối cảnh quá nhiều yếu tố bất trắc hiện nay. Thay vào đó, việc áp dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất phần nào giúp các công ty quốc phòng duy trì hoạt động sản xuất trong thời dịch bệnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo