Quốc tế

Đâm tàu vũ trụ vào thiên thạch ở tốc độ 23.760 km/h: Châu Âu và Mỹ lên kế hoạch cứu Trái Đất khỏi họa diệt vong

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ thử nghiệm phương pháp làm chệch quỹ đạo bay của thiên thạch có nguy cơ va chạm với Trái Đất bằng tàu vũ trụ.

Phát hiện lãnh địa 3.000 năm trên... đỉnh núi lửa của bộ tộc thần bí / Tìm ra hóa thạch sinh vật ngoài hành tinh già hơn Trái Đất?

Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa chính thức ký kết hợp đồng chế tạo tàu vũ trụ trị giá hơn 150 triệu USD. Hợp đồng này là một phần trong dự án tham vọng mang tên Asteroid Impact Deflection Assessment (AIDA), nhằm thử nghiệm phương pháp làm chệch quỹ đạo bay của thiên thạch có nguy cơ va chạm với Trái Đất bằng tàu vũ trụ.

Để kiểm nghiệm tính khả thi của dự án AIDA, NASA và ESA đã lựa chọn mục tiêu là hệ thiên thạch Dimorphos. Trong tiếng Hy Lạp, tên gọi Dimorphos có nghĩa là "sinh đôi". Theo đó, hệ thiên thạch được phát hiện lần đầu vào 2003 này có tới 2 thiên thạch, gồm Dimorphos A (đường kính 780m) và Dimorphos B (đường kính 160m), vốn có quỹ đạo quay xung quanh Dimorphos A.

Đâm tàu vũ trụ vào thiên thạch ở tốc độ 23.760 km/h: Châu Âu và Mỹ lên kế hoạch cứu Trái Đất khỏi họa diệt vong - Ảnh 1.

Hệ thiên thạch Dimorphos.

Theo các nhà thiên văn học, Dimorphos nằm trong nhóm thiên thạch có khả năng gây nguy hiểm, vốn có thể san bằng một thành phố nếu va chạm với Trái Đất. Tuy nhiên, Dimorphos sẽ không tới gần Trái Đất trước năm 2123.

Do Dimorphos có kích thước lớn nhất trong số những thiên thạch có khoảng cách gần với Trái Đất, đây là lựa chọn hoàn hảo để thử nghiệm phương án làm chệch hướng của NASA.

Theo đó, vào tháng 7/2021, NASA sẽ phóng tàu vũ trụ có tên Double Asteroid Impact Test (DART) nhằm tiếp cận Dimorphos vào tháng 9/2022, khi thiên thạch này di chuyển giữa Trái Đất và sao Hỏa. Sau khi tới nơi, tàu vũ trụ đang được chế tạo này sẽ thực hiện một nhiệm vụ hết sức đặc biệt: Lao thẳng vào bề mặt thiên thạch Dimorphos B ở tốc độ 23.760 km/giờ.

Đâm tàu vũ trụ vào thiên thạch ở tốc độ 23.760 km/h: Châu Âu và Mỹ lên kế hoạch cứu Trái Đất khỏi họa diệt vong - Ảnh 2.

Tàu DART hiện đang được NASA phát triển để thực hiện sứ mệnh 'cảm tử'.

Sau đó, vào tháng 10 năm 2024, ESA sẽ tiếp tục phóng tàu vũ trụ mang tên Hera tới Dimorphos để nghiên cứu hố va chạm gây ra bởi tàu DART và nghiên cứu sự thay đổi trong quỹ đạo của Dimorphos B. Dự kiến, tàu HERA sẽ tiếp cận hệ thiên thạch này vào khoảng cuối năm 2026 và tiến hành một khảo sát kéo dài 6 tháng.

 

Những dữ liệu thu được từ Hera sẽ được gửi về Trái Đất, giúp các nhà khoa học kiểm tra xem vụ va chạm này có thể làm chệch hướng bay của của thiên thạch hay không. Từ kết quả thử nghiệm này, các nhà khoa học sẽ cân nhắc sử dụng phương án tương tự để bảo vệ Trái đất khỏi nguy cơ va chạm với các thiên thạch trong vũ trụ.

Theo ESA, dự án phát triển tàu Hera được giao cho công ty vũ trụ OHB của Đức thực hiện, bao gồm việc "thiết kế, sản xuất và thử nghiệm". Con tàu được đặt tên theo Nữ thần Hera - Vị thần bảo trợ hôn nhân và gia đình trong thần thoại Hy Lạp.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm