“Cơn gió ngược” mới của kinh tế Trung Quốc
Thời trang nước ngoài bị thất sủng ở Trung Quốc / Trung Quốc cung cấp khí hóa lỏng cho châu Âu
Khu vực miền Nam Trung Quốc đang hứng chịu đợt hạn hán bất thường nhất trong hơn 60 năm qua, gây nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với nguồn cung lương thực và nhiều loại nguyên liệu công nghiệp quan trọng.
Các số liệu liên quan cho thấy, lượng mưa bình quân trong tháng 7 ở lưu vực sông Trường Giang chỉ đạt 142,2 mm, giảm 48,2% so với cùng kỳ mọi năm, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 1961.
Đáy một hồ nước khô nứt nẻ do hạn hán kéo dài tại tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. (Ảnh: China Photos)
Từ tháng 8 đến nay, lũy kế lượng mưa ở Giang Nam, Giang Hán và phía Đông khu vực Tây Nam chưa đến 10 mm. Mực nước trên dòng chính của sông Trường Giang, hồ Bà Dương (hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây) và hồ Động Đình (hồ nước ngọt lớn thứ hai Trung Quốc ở tỉnh Hồ Nam) thấp hơn cùng kỳ mọi năm từ 4,85 - 6,13 m, thấp nhất kể từ khi có số liệu thống kê.
Ngoài ra, nhiệt độ cao cũng khiến cho 66 con sông ở Trùng Khánh ngừng chảy, 25 hồ chứa cạn kiệt. Hàng trăm triệu người Trung Quốc đang đương đầu với nhiệt độ cao, đồng thời cũng trực tiếp đối mặt với vấn đề nguồn cung điện căng thẳng do nguồn nước có thể sử dụng để phát điện giảm mạnh.
Sản xuất ngưng trệ, rủi ro gián đoạn nguồn cung gia tăng
Để ứng phó với tình trạng thiếu điện, nhiều địa phương đã khởi động chế độ hạn chế sử dụng điện công nghiệp. Từ ngày 15 - 20/8, tất cả các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tứ Xuyên nghỉ nắng nóng 6 ngày, tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất, đồng thời tiếp tục kích hoạt cơ chế "ứng phó khẩn cấp cấp 1" từ ngày 21 - 26/8, mô hình điều tiết điện lực cung ứng và ngắt điện luân phiên theo khu vực và theo thời gian được áp dụng.
Tương tự, từ ngày 17 - 24/8, Trùng Khánh cũng tạm ngừng hoạt động công nghiệp trong 8 ngày, yêu cầu 31/38 quận/huyện và một số khu vực của quận mới Lưỡng Giang điều chỉnh thời gian hoạt động kinh doanh kể từ ngày 22/8. Theo đó, gần 580 trung tâm thương mại bị ảnh hưởng, thời gian hoạt động bắt đầu từ 16 - 21h, giảm 6 tiếng/ngày so với bình thường.
Tứ Xuyên là trung tâm sản xuất quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, hơn 70% máy tính xách tay Wintel (máy tính xách tay Windows với bộ xử lý Intel) toàn cầu được sản xuất tại Tứ Xuyên, chủ yếu tập trung ở Trùng Khánh và Thành Đô. Các ngành sản xuất như máy tính xách tay, điện thoại di động, ô tô, thiết bị điện gia dụng lớn, dụng cụ đo lường… của Trùng Khánh rất phát triển. Sản lượng máy tính xách tay hàng năm hơn 57,3 triệu chiếc, chiếm 1/4 toàn cầu, các thương hiệu máy tính xách tay như HP, Acer, Asus…, các nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) như Wistron, Pegatron, Foxconn, Quanta, Compal, Inventec… đều "đóng đô" ở Trùng Khánh.
Do đó, việc Tứ Xuyên và Trùng Khánh hạn chế sử dụng điện do hạn hán khiến cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp lớn bao gồm máy tính xách tay, bán dẫn, silic, lithi cacbonat (Li2CO3), ure và methanol, điện phân nhôm, kẽm rơi vào trạng thái báo động. Thị trường lo ngại nguồn cung bán dẫn, màn hình hiển thị, năng lượng Mặt Trời… sẽ bị tác động mạnh nếu tình hình không được cải thiện.
Mặc dù các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển bán dẫn không bị ảnh hưởng lớn, nhưng các doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu tác động mạnh. Khoảng 15% silicon đa tinh thể được sử dụng trong các tấm pin Mặt Trời có xuất xứ từ Tứ Xuyên, với việc giá vật liệu này đã ở mức cao trong 10 năm qua do nhu cầu mạnh mẽ đối với năng lượng sạch, quy mô cắt giảm sản xuất silic ước tính có thể lên đến 14.000 tấn do thiếu điện sẽ thúc đẩy giá silic leo thang.
Công nhân làm việc bên trong một nhà máy sản xuất ô tô ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)
Báo cáo của Daiwa Capital Markets cho rằng, việc tiếp tục hạn chế điện sẽ dẫn đến nguồn cung sụt giảm, đồng thời có thể đẩy giá silicon đa tinh thể đi lên.JinkoSolar, một trong những nhà sản xuất mô-đun năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới cho biết, hai nhà máy của họ ở Tứ Xuyên đã bị ảnh hưởng do thiếu điện và chưa rõ khi nào mới có thể phục hồi sản xuất toàn bộ. Hiệp hội Công nghiệp Silicon Trung Quốc nhấn mạnh, ít nhất hai nhà máy silicon đa tinh thể của GCL-Poly và Tongwei đang đối diện với tình trạng gián đoạn sản xuất.
Bên cạnh đó, việc thu hẹp quy mô sản xuất muối lithium, nguyên liệu cực dương trong sản xuất pin dự kiến lên đến hàng ngàn tấn cũng khiến cho giá lithium đối diện rủi ro tăng cao (sản lượng lithium của Tứ Xuyên chiếm 1/5 Trung Quốc, giá muối lithium trong tuần trước đã tăng lên mức cao nhất từ tháng 4 đến nay).
Theo Goldman Sachs, biện pháp hạn chế sử dụng điện có thể khiến sản lượng sản phẩm hóa chất lithium hàng tháng của Trung Quốc giảm khoảng 5%, nhưng lithium hydroxide (LiOH) và vật liệu cực âm lithium iron phosphate (LiFePO) sử dụng cho pin điện có thể sẽ chịu tác động lớn hơn. Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng điện cũng ảnh hưởng đến khoảng 11.000 tấn sản lượng ure hàng ngày, ước tính tác động đến 30.000 tấn sản lượng nhôm điện phân.
Khu vực Tứ Xuyên và Trùng Khánh là một trong 6 quần thể công nghiệp ô tô lớn của Trung Quốc, năng lực sản xuất ô tô năm 2021 đạt 2.725.400 chiếc, chiếm 10,3% năng lực sản xuất ô tô cả năm của Trung Quốc. Việc hạn chế sử dụng điện và cắt điện trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất ô tô.
Hai nhà sản xuất pin điện hàng đầu của Trung Quốc là CATL và BYD có cơ sở sản xuất quy mô lớn ở Nghi Tân (Tứ Xuyên) và thành phố Trùng Khánh đều đang đối diện với tình trạng ngưng hoạt động. Theo tiết lộ của một chuyên gia cao cấp trong ngành, nếu thời gian hạn chế sử dụng điện của Tứ Xuyên và Trùng Khánh kéo dài, không loại trừ khả năng các doanh nghiệp pin điện sẽ xuất hiện tình trạng ngừng sản xuất đồng loạt, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới.
Nguy cơ thiếu điện có thể lan rộng
Các chủ sở hữu ô tô điện cũng bắt đầu than thở do việc tìm kiếm các cọc sạc có điện trở nên khá khó khăn. Theo phản ánh của các chủ ô tô năng lượng mới, chi phí sử dụng xe của họ đã tăng lên đáng kể, có người 12 giờ đêm phải liên tục tìm ba cọc sạc mới sạc được pin.
Bên cạnh đó, tất cả các doanh nghiệp công nghiệp ở quận Quảng An, thành phố Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên đã ngừng hoạt động, các trung tâm thương mại lớn, phòng đánh mạt chược, cửa hàng trò chơi điện tử, rạp chiếu phim phải đóng cửa một tuần, siêu thị đóng cửa từ 18 giờ. Thực trạng này khiến cho một số cư dân mạng than thở "sắp phong tỏa một lần nữa".
Đặc biệt, có dấu hiệu cho thấy, tình trạng hạn chế sử dụng điện và thiếu nước do nắng nóng gây nên đang lan sang các khu vực ngoài Tứ Xuyên. Theo Bloomberg, tình hình nguồn cung điện của Trung Quốc hiện nay rất nghiêm trọng, bên cạnh Tứ Xuyên, các địa phương bao gồm An Huy, Chiết Giang, Giang Tô… đã khởi động biện pháp ứng phó, một số doanh nghiệp tiêu hao năng lượng cao như công nghiệp hóa chất, xi măng, kim loại… đã tạm thời ngừng hoạt động.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, nếu sóng nhiệt tiếp tục kéo dài, tình trạng thiếu điện có thể sẽ lan sang các địa phương miền Đông như Chiết Giang, Giang Tô, cũng như Thượng Hải, bởi vì những địa phương này phụ thuộc vào một phần nguồn cung điện của Tứ Xuyên.
Ngoài ra, thu hoạch vụ Hè Thu của khu vực Hoa Nam chiếm 75% tổng sản lượng lương thực hàng năm ở Trung Quốc, nếu thu hoạch không tốt sẽ khiến cho Trung Quốc phải tăng cường thu mua và nhập khẩu lương thực quốc tế, làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát giá lương thực và nguồn cung quốc tế vốn đã hết sức tồi tệ hiện nay.
Quá trình chuyển đổi năng lượng đầy thách thức
Dịch bệnh và hạn hán cùng lúc tấn công dồn dập đã gia tăng thách thức đối với nền kinh tế và tác động nghiêm trọng hơn đến các mặt đời sống xã hội của Trung Quốc vốn đang bị tổn thương sau những đợt phong tỏa kéo dài.
Do đó, trong ứng phó với vấn đề thiếu điện hiện nay, ưu tiên của Trung Quốc sẽ là tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu và rộng hơn là nền kinh tế nên không thể tiếp tục đình chỉ hoạt động công nghiệp, trong bối cảnh đó rút ngắn thời gian hoạt động của các trung tâm thương mại có lẽ là phương án lựa chọn có chi phí rẻ nhất.
Đợt thiếu điện lần này khiến mọi người liên tưởng đến cuộc khủng hoảng điện vào quý 3/2021. Khi đó, rất nhiều nhà máy sản xuất ở khu vực duyên hải Đông Nam phải ngừng hoạt động do thiếu điện, nhiều thành phố ở Đông Bắc bị cắt điện đột ngột. Tình trạng thiếu điện đã làm giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong một năm, chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Nếu như đằng sau cuộc khủng hoảng điện năm 2021 là sự nóng vội của chính sách "kiểm soát kép tiêu thụ năng lượng", thì đợt thiếu điện hiện nay là do yếu tố thời tiết khó kiểm soát, tuy nhiên cả hai cuộc khủng hoảng đều bộc lộ thách thức bảo đảm nguồn cung năng lượng mà Trung Quốc phải đối mặt. Liệu tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường điện có trở thành trạng thái bình thường mới diễn ra hàng năm hay không đang trở thành nỗi lo của mọi người.
Hai cuộc khủng hoảng thiếu điện xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, nhưng lại có cùng một kết quả giống nhau, đó là khiến cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đối diện với lực cản mới. Lực cản này đến không đúng lúc, kinh tế Trung Quốc gặp nhiều thăng trầm trong năm nay, "bóng đen" dịch bệnh kéo nền kinh tế đi xuống nghiêm trọng trong nửa đầu năm nay vẫn đang tiếp tục đeo bám.
Theo Bloomberg, tình hình nguồn cung điện của Trung Quốc hiện nay rất nghiêm trọng. (Ảnh: Reuters)
Bên cạnh đó, ngành bất động sản vốn là trụ đỡ từ trước đến nay của nền kinh tế cũng tiếp tục lao dốc, hiện nay lại nhận thêm cú bồi thiếu điện, nên e rằng tăng trưởng quý 3/2022 của Trung Quốc sẽ lại bị "trọng thương".
Những thách thức mà Trung Quốc đối diện thực sự không hề nhỏ, chưa xét đến những vấn đề dài hạn bao gồm cơ cấu dân số thay đổi, chỉ riêng việc mắc kẹt trong dịch bệnh, tiêu dùng yếu, bất động sản hôn mê, thiếu điện tái diễn…, thì có thể nói đang có quá nhiều lực cản đối với tăng trưởng Trung Quốc, tình hình thực sự không mấy lạc quan.
Ngoài ra, bảo đảm nguồn cung năng lượng và chuyển đổi năng lượng vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn chưa thể tìm ra lời giải. Trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc hiện nay, than đá vẫn chiếm vị trí chủ đạo với hơn 60% tổng sản lượng điện toàn quốc vào năm 2020. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu carbon kép và đang tích cực phát triển năng lượng sạch vì mục tiêu này.
Mặc dù vậy, đợt khủng hoảng thiếu điện hiện nay ở Tứ Xuyên đã bộc lộ những hạn chế tiềm tàng của thủy điện với tư cách là một nguồn năng lượng sạch. Làm thế nào để chuyển đổi từ sản xuất nhiệt điện than sang sử dụng than sạch hiệu quả cao và năng lượng sạch, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia không bị đe dọa là một thách thức lớn mà Trung Quốc phải đối mặt trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo