Defender-Europe 21 - cuộc tập trận phòng thủ mang tính chất tấn công nhằm vào Nga
Báo Nga: Ấn Độ sẽ được Nga giao hệ thống phòng không S-400 vào cuối năm nay / Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt robot chiến đấu
Kể từ năm 2014, số lượng binh lính NATO được triển khai ở khu vực Baltic đã không ngừng tăng lên. Liên minh này đã tìm ra lý do chính đáng để “không phá vỡ” Văn kiện Vienna 2011 về Các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh, vốn chính thức áp đặt các hạn chế đối với các hoạt động quân sự ở châu Âu, đồng thời, triển khai quân đội tại khu vực trên cơ sở "luân phiên" và tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn.
Năm nay, Mỹ và NATO tiến hành cuộc tập trận đa quốc gia quy mô lớn Defender-Europe 21 với sự tham gia của hơn 28.000 quân từ 26 quốc gia với các hoạt động gần như đồng thời trên hơn 30 khu huấn luyện tại 12 quốc gia. Là một phần của cuộc tập trận, hàng nghìn lính Mỹ và hàng trăm thiết bị đã được triển khai tới châu Âu. Các cuộc tập trận bao gồm một số cuộc tập trận chung và đa quốc gia có liên kết và với mục đích khác nhau được lồng ghép thông qua Defender-Europe 21.
Các kho quân sự chiến lược ở Đức, Ý và Hà Lan đã gửi vũ khí dự trữ hạng nặng bằng xà lan, đường sắt và xe tải đến các vị trí trên khắp chiến trường châu Âu. Theo Tướng Christopher Cavoli - Tư lệnh quân đội Mỹ ở Châu Âu và Châu Phi - mục tiêu là trau dồi khả năng phối hợp cùng với các đối tác đồng minh trong khu vực quan trọng Balkan và Biển Đen trước cửa ngõ Nga; các cuộc tập trận sẽ tiếp tục vào tháng 6.
Cuộc tập trận Defender 2020 đã thực hành việc huy động cỗ máy chiến tranh của Mỹ-NATO dọc theo các hướng tiếp cận phía bắc của Nga qua Đức, Ba Lan và Baltic. Defender 2021 tiếp cận Nga từ phía nam và Biển Đen, kiểm tra "khả năng tương tác" giữa các lực lượng vũ trang NATO cũng như năng lực của cơ sở hạ tầng giao thông để di chuyển quân đội và vũ khí hạng nặng.
Với Mỹ, Defender-Europe 2021 thể hiện khả năng của Mỹ trong vai trò là một đối tác an ninh chiến lược ở các khu vực phía tây Balkan và Biển Đen trong duy trì khả năng hoạt động ở Bắc Âu, Caucasus, Ukraine và châu Phi. Trong số "các quốc gia tham gia các hoạt động tập trận" không thuộc NATO có Ukraine và Gruzia - hai quốc gia gần đây đã xung đột với Nga trong tranh chấp biên giới và nhận được sự hỗ trợ của NATO - Gruzia năm 2008 và Ukraine sau cuộc đảo chính năm 2014.
Trong những ngày tới, NATO sẽ bắn đạn thật nhiều hệ thống tên lửa tại Trung tâm Huấn luyện Tapa ở Estonia, cách cảng Biển Baltic của Nga và thành phố lớn thứ hai, St. Petersburg, chỉ 200 km; tiến hành các hoạt động hải quân tại Alexandroupoli ở Hy Lạp, kích hoạt tuyến đường tiếp cận của Nga đến Địa Trung Hải; và thực hiện các hoạt động trên không và ban đêm ở Romania và Bulgaria, qua Biển Đen nơi có căn cứ hải quân của Nga tại Sevastopol trên bán đảo Crimea.
Trước khi Defender 2021 bắt đầu, vào tháng 3, các máy bay ném bom chiến lược B-1B có khả năng hạt nhân bay từ căn cứ Không quân Ørland ở Na Uy, đã được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu của Đức và Ý qua các nước Baltic. Đồng thời, các máy bay chiến đấu của Pháp và Tây Ban Nha bay từ căn cứ không quân ven biển của Romania tại Constanta đã mô phỏng các cuộc tấn công vào tàu chiến ở Biển Đen.
Trong báo cáo có tiêu đề “Một bên sườn, một mối đe dọa, một sự hiện diện”, vào tháng 5/2020, Tướng Ben Hodges - cựu Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu - đưa ra các kế hoạch "Giành thế chủ động" ở Baltic và Biển Đen, giải thích cách NATO có thể giành ưu thế chiến lược ở Biển Đen bằng cách áp đặt “sự từ chối biển” đối với Nga, nhằm mục đích “kiểm soát biển”. Điều này xảy ra sau khi chính phủ của Tổng thống Ukraine Zelensky công bố kế hoạch "thu hồi" Crimea, bao gồm cả căn cứ hải quân quan trọng chiến lược trên Biển Đen tại Sevastopol, từ Nga.
Sevastopol không chỉ giúp Nga tiếp cận Địa Trung Hải mà còn là trụ sở chính của Hạm đội Biển Đen của Nga. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cưỡng bức "phục hồi" Crimea sẽ nhất thiết liên quan đến việc tấn công các lực lượng vũ trang Nga - tức là chiến tranh với Nga. Cũng vào tháng 3, Washington chính thức yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ để hai tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Bosporus đến Biển Đen, làm dấy lên những mối lo ngại từ phía Nga; Washington sau đó đã thu hồi việc triển khai.
Trong khi Defender Europe đang huấn luyện chiến đấu ở mặt trận phía tây của Nga, Washington đang tổ chức các trận chiến song song ở biên giới phía đông của Nga. Cuộc tập trận Defender Pacific, nhằm vào cả Nga và Trung Quốc, có sự tham gia của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ cũng như Không quân của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Không quân Hoàng gia Australia. Vào tháng 1, Quân đội Mỹ tuyên bố thành lập “Lực lượng đặc nhiệm đa miền Bắc Cực”, đang tiến công vòng vây của Mỹ đối với Nga về phía bắc.
Cuộc tập trận Defender-Europe 2021 tập trung vào việc xây dựng khả năng sẵn sàng hoạt động và khả năng tương tác với một số lượng lớn hơn các đồng minh và đối tác của NATO trên một khu vực hoạt động rộng lớn hơn, có sự tham gia đáng kể của Không quân và Hải quân Mỹ, sử dụng các tuyến đường bộ và hàng hải quan trọng nối liền châu Âu, châu Á và châu Phi - nơi lực lượng Lục quân châu Âu và châu Phi của Mỹ có căn cứ tại trên 104 quốc gia.
Các quan chức NATO tuyên bố Defender-Europe 21 về bản chất là phòng thủ và phủ nhận mọi ý định gây hấn, tuy nhiên, theo báo chí phương Tây, cuộc tập trận quy mô lớn của này hoàn toàn không mang tính chất phòng thủ. Là một phần của Defender-Europe 21, cuộc tập trận Phản ứng nhanh 21 (Swift Response 21) đang được tổ chức, bao gồm các hoạt động trên không ở Estonia, Bulgaria và Romania với sự tham gia của hơn 7.000 binh sĩ từ 11 quốc gia, mang tính khiêu khích.
Thực hành tác chiến trên không nói lên tính chất tấn công của cuộc tập trận. Ví dụ, một hoạt động chung cưỡng bức đường không đã được thực hiện vào ngày 7-8/5 tại Sân bay Nurmsi, Estonia. Việc một đại đội xe tăng Pháp và máy bay trực thăng tấn công của Anh sẽ tham gia cuộc tập trận Bão mùa xuân (Kevadtorm) ở Estonia nói lên sự chuẩn bị cho các hoạt động tấn công chứ không phải phòng thủ.
Ngày 19/5, một máy bay ném bom chiến lược B-52 có khả năng mang nhiều loại vũ khí nhất bao gồm 12 tên lửa hành trình tiên tiến AGM-129 (ACMS), 20 tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86A (ALCM) và 8 quả bom của Mỹ, đã bay qua Vilnius trong khuôn khổ cuộc huấn luyện phối hợp của Mỹ và các đồng minh khác, để thể hiện "sự đoàn kết và thống nhất" của Liên minh. Đáng nói, những hành động như vậy của Mỹ và NATO vi phạm Đạo luật thành lập NATO-Nga năm 1997 và Văn kiện Vienna 2011. Cuộc tập trận Defender-Europe 21 sẽ kết thúc vào tháng 6, có khả năng dẫn đến leo thang căng thẳng trong khu vực.
Năm nay chứng kiến sự ra mắt của Bộ Tứ “Quad”, một liên minh bán quân sự của Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ, nhằm đặc biệt vào Trung Quốc nhưng cũng nhằm vào Nga. Các trang mạng chứa đầy những tuyên truyền chống Nga, gây hiểu lầm và chủ yếu là vô căn cứ, coi Nga là kẻ xâm lược. Chính quyền Biden đang đi theo mô hình đối đầu với Nga và Trung Quốc mà chính quyền Trump và Obama theo đuổi trước đó và được các chính trị gia của cả hai đảng lớn của Mỹ ủng hộ.
Tháng trước, Nga đã triển khai một lượng lớn quân đội của mình tại các khu vực tiếp giáp với biên giới Ukraine, gồm khoảng 100.000 binh sĩ, các tên lửa tiên tiến, hệ thống phòng không và một số lượng đáng kể xe tăng. Đầu tháng 5, các quốc gia thành viên NATO đã thực hiện cuộc tập trận Defender-Europe 21. Tiếp theo đó, bây giờ cuộc tập trận chiến tranh “Lá chắn đáng sợ” đã bắt đầu ở Na Uy và Scotland. 15 tàu chiến và một số máy bay chiến đấu của 10 quốc gia thành viên đã tham gia cuộc tập trận kéo dài đến ngày 3/6.
Với hơn 3000 binh sĩ, sự tham gia của hạm đội thứ sáu của Mỹ và Hải quân Anh trong cuộc tập trận được coi là đáng kể. Ngoài hai quốc gia này, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Na Uy, Đan Mạch, Bỉ và Hà Lan cũng tham gia. Ngoài ra, ba tàu khu trục hàng đầu của Hải quân Hoàng gia Anh đã tham gia cuộc tập trận này. Một hệ thống phòng thủ tên lửa cũng sẽ được thử nghiệm trong khuôn khổ cuộc tập trận, các nguồn tin của Anh cho biết./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo