Quốc tế

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 14/7

24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Tổng thống Putin tuyên bố lực lượng quân sự tư nhân Wagner "không tồn tại" và Mỹ xác nhận Ukraine đã nhận bom chùm.

Nga dồn quân ngăn Ukraine phản công trên 2 mặt trận / Vai trò của “xe bọc thép không tháp pháo” trong cuộc phản công của Ukraine

Tổng thống Zelensky bất ngờ dự đoán thời điểm chấm dứt xung đột với Nga: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra dự đoán bất ngờ và lạc quan về thời điểm chấm dứt xung đột với Nga khi nói rằng Kiev có thể giành chiến thắng vào tháng 7/2024.
Các binh sĩ Ukraine điều khiển lựu pháo M777 hướng về phía những vị trí của quân đội Nga ở vùng Donetsk hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.

Các binh sĩ Ukraine điều khiển lựu pháo M777 hướng về phía những vị trí của quân đội Nga ở vùng Donetsk hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Litva, ông Zelensky cho biết ông hy vọng Ukraine sẽ giành chiến thắng trong Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo của NATO, được tổ chức tại thủ đô Washington, Mỹ trong 1 năm nữa.
NATO tuyên bố Ukraine không thể gia nhập liên minh chừng nào vẫn đang trong cuộc xung đột với Nga. Điều này khiến cho ông Zelensky và một số quan chức Ukraine cho rằng nước này vẫn có thể nhanh chóng gia nhập NATO bằng cách giành chiến thắng.
Mỹ nói lực lượng Wagner không còn tham chiến ở Ukraine: Theo Lầu Năm Góc, lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga không còn tham giá đáng kể vào các hoạt động chiến đấu ở Ukraine, hơn 2 tuần sau cuộc nổi loạn.
“Ở giai đoạn này, chúng tôi không thấy lực lượng Wagner tham gia vào các hoạt động hỗ trợ chiến đấu ở Ukraine”, Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết trong một cuộc họp báo ngày 13/7.
Theo ông Ryder, Mỹ đánh giá rằng phần lớn các chiến binh Wagner vẫn còn ở các khu vực do Nga kiểm soát tại Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/7 cho biết, công ty quân sự tư nhân Wagner đã giao nộp hơn 2.000 thiết bị quân sự. Quá trình chuyển giao đang diễn ra “theo đúng kế hoạch” và sắp hoàn tất.
Tổng thống Putin nêu lý do Ukraine “ngại” dùng xe tăng phương Tây: Quân đội Ukraine ngần ngại sử dụng các phương tiện hạng nặng do phương Tây cung cấp bởi chúng có nguy cơ cao bị phá hủy, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định ngày 13/7.
Xe tăng phương Tây là một mục tiêu ưu tiên của các lực lượng Nga và bốc cháy dữ dội hơn xe tăng Liên Xô sản xuất khi bị tấn công, Tổng thống Putin nói với kênh truyền hình Rossiya 24.
Tổng thống Putin cho biết, quân đội Nga đã phá hủy tổng cộng 311 xe tăng của Ukraine từ 4/6, đồng thời tiết lộ, "ít nhất 1/3 trong số đó là xe tăng do phương Tây sản xuất, bao gồm cả Leopard".
"Tôi có thể khẳng định rằng, quân đội Ukraine thường từ chối đưa xe tăng phương Tây vào chiến đấu bởi chúng là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của quân đội chúng tôi và sẽ bị phá hủy đầu tiên trên chiến trường. Chúng bốc cháy giống như phẩn còn lại, hoặc thậm chí dữ dội hơn các xe tăng do Liên Xô sản xuất, chẳng hạn như T-72", nhà lãnh đạo Nga cho hay.
Nổ lớn tại “thành phố nguyên tử” của Nga: Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) được cho là đã nhằm vào thành phố Kurchatov, nơi đặt một nhà máy điện hạt nhân của Nga.
Một vụ nổ lớn đã xảy ra ở thành phố Kurchatov, một trung tâm công nghiệp nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Kursk vào sáng sớm 14/7.
Các nguồn tin trên Telegram cho hay người dân địa phương đã phát hiện một số vật thể giống như các bộ phận của máy bay không người lái (UAV) trên mặt đất.
Hệ thống phòng không Nga có khả năng đánh chặn 100% tên lửa của HIMARS? Các kíp lái của hệ thống phòng không Pantsir được cho là đã phát hiện và bắn hạ một số mục tiêu của Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
TASS dẫn lời một giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn nhà nước Rostec của Nga ngày 13/7 cho rằng, hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir được nâng cấp của Nga có khả năng bảo vệ 100% trước các tên lửa của hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Mỹ sản xuất.
“Hiệu quả chiến đấu của hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir được nâng cấp sau khi tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hệ thống Pantsir phiên bản mới đạt 100% hiệu quả đánh chặn tên lửa của hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS của Mỹ trong một số trường hợp”, Bekhkhan Ozdoyev, Giám đốc bộ phận vũ khí thông thường, đạn dược và hóa học đặc biệt của Rostec, cho biết.
Mỹ xác nhận Ukraine đã nhận bom chùm: Các lực lượng vũ trang Ukraine đã nhận bom chùm từ Mỹ, hãng tin AP dẫn lời một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết ngày 13/7.
Trung tướng Douglas Sims, Giám đốc phụ trách hoạt động của Bộ tham mưu liên quân Mỹ cho biết “bom chùm đã được chuyển đến Ukraine vào thời điểm này”.
Ông Douglas Sims không nói rõ liệu chúng đã được sử dụng hay chưa.
Khoảnh khắc tên lửa Kornet Nga đánh thẳng vào hầm trú ẩn của lính Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/7 đăng tải đoạn video cho thấy tên lửa chống tăng Kornet được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong đoạn video, binh sỹ Nga nhắm mục tiêu và phóng tên lửa vào hầm trú ẩn của lực lượng Ukraine. Mục tiêu đã bị phá hủy.
Tên lửa Kornet có thể được dẫn hướng đến mục tiêu từ xa, đảm bảo khả năng sống sót cho các binh sỹ vận hành.
Thông thường, khi một tên lửa được bắn ra, vị trí phóng sẽ trở thành mục tiêu của đối phương. Việc điều khiển từ xa sẽ làm giảm bớt nguy cơ này. Với tên lửa Kornet, người điều khiển có thể ở cách điểm phóng 50 mét.
Tổng thống Putin tuyên bố lực lượng quân sự tư nhân Wagner "không tồn tại": Tổng thống Nga Putin ngày 13/7 cho biết, luật pháp Nga không công nhận sự tồn tại của các công ty quân sự tư nhân, trong đó có Wagner.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Kommersant, ông Putin đã được hỏi về cuộc gặp gần đây giữa ông và chỉ huy của lực lượng Wagner. Phát biểu với báo chí, ông Putin cho biết: “Chúng tôi không có luật về các công ty quân sự tư nhân, vì thế lực lượng Wagner không tồn tại về mặt pháp lý. Đây là một vấn đề riêng biệt, liên quan đến sự hợp pháp hóa, cần được Duma Quốc gia và chính phủ giải quyết. Một câu hỏi khá phức tạp”.
Tổng thống Putin cảnh báo hậu quả nếu Ukraine gia nhập NATO: Tổng thống Nga Putin ngày 13/7 cho biết, nếu Ukraine gia nhập NATO thì điều này sẽ tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của Nga.
Phát biểu với báo chí, ông Putin nêu rõ: “Chúng tôi nhiều lần khẳng định rằng, việc cấp tư cách thành viên NATO cho Ukraine sẽ tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Trên thực tế một trong những lý do chúng tôi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt là để ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO”.
Theo nhà lãnh đạo Nga, nếu Ukraine gia nhập NATO thì điều này sẽ không giúp họ tăng cường an ninh, trong khi khiến thế giới thêm bất ổn và gây thêm căng thẳng trên trường quốc tế.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm