Quốc tế

Dồn sức đối đầu Trung Quốc, Mỹ sẽ "mềm mỏng" với Nga

Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga có thể sẽ nhẹ tay hơn trong bối cảnh Washington đang tập trung mọi sự chú ý vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Vì sao xe tăng hạng nhẹ "khủng" nhất Mỹ thảm bại ở Việt Nam? / Chân dung nữ phi công đầu tiên tốt nghiệp khóa huấn luyện lái F-35

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: REX)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: REX)

Trong bối cảnh đợt trừng phạt thứ hai của Mỹ nhằm vào Nga liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal sắp có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng tác động của những đòn trừng phạt này đối với Moscow sẽ nhẹ hơn rất nhiều do Washington đang tập trung sự chú ý vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Theo kế hoạch, đợt trừng phạt thứ hai của Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 26/8, sau khi Nga bị cáo buộc có liên quan tới nghi án sát hại cựu điệp viên hai mang bằng chất độc thần kinh ở thành phố Salisbury, Anh hồi năm ngoái. Các biện pháp trừng phạt mới cấm các ngân hàng Mỹ hỗ trợ cho các khoản nợ nước ngoài của Nga, đồng thời hạn chế giao dịch các mặt hàng thuộc phạm vi kiểm soát của Bộ Thương mại Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng cấm các tổ chức tài chính quốc tế cho Nga vay tiền.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các biện pháp trừng phạt lần này của Mỹ đối với Nga sẽ không mạnh tay như đợt trừng phạt trước đó. Các chuyên gia cũng tranh cãi về lý do dẫn tới sự mềm mỏng trong lập trường của Washington với Moscow.

Lý do Mỹ “nhẹ tay” với Nga

Vladimir Batyuk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Mỹ và Canada ở thủ đô Moscow, tin rằng sự mềm mỏng của Mỹ bắt nguồn từ nỗ lực của Washington nhằm cứu vãn nền kinh tế của nước này.

 

“Washington bị chi phối bởi lợi ích của các công ty Mỹ, trong đó có nhiều công ty không hứng thú với cuộc chiến trừng phạt Nga”, chuyên gia Batyuk nói với hãng tin RT.

Ông Batyuk lấy ví dụ về việc Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với nhà sản xuất nhôm Rusal của Nga. Lệnh trừng phạt này đã gây tổn hại cho chính các hãng sản xuất xe ô tô của Mỹ vì khiến giá nhôm tăng vọt.

“Rõ ràng, các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng (của Nga) cũng là đòn giáng vào các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Mỹ như Shell. Mỹ một mặt đang cố gắng thể hiện sự quyết tâm và cứng rắn của nước này, nhưng mặt khác cũng không muốn tự bắn vào chân mình”, chuyên gia Batyuk cho biết.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ dường như được đưa ra để gây thiệt hại ít nhất cho nền kinh tế Nga, chẳng hạn vẫn chưa có lệnh cấm xuất khẩu thực sự, hay việc mua trái phiếu chính phủ Nga bị cấm trên thị trường sơ cấp nhưng vẫn được cho phép trên thị trường thứ cấp.

Theo luật của Mỹ, Washington có thể tiến hành những biện pháp mạnh tay hơn như hạ cấp quan hệ ngoại giao với Nga, cấm các chuyến bay của các hãng hàng không nhà nước Nga, cấm bất kỳ mặt hàng nào nhập khẩu từ Nga, bao gồm dầu và các sản phẩm từ dầu. Tuy nhiên, chuyên gia Batyuk cho biết các biện pháp này sẽ không được thực thi, đơn giản bởi vì Mỹ không muốn mất thị trường Nga.

 

“Nga không phải Triều Tiên, do vậy Mỹ không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc như ý muốn của Mỹ. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt Nga cũng dẫn tới việc Trung Quốc sẵn sàng thế chân các công ty Mỹ rời bỏ thị trường Nga, và điều này không mang lại lợi ích cho Mỹ”, chuyên gia Batyuk cảnh báo.

Trung Quốc vẫn là ưu tiên số một của Mỹ

Cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là một trong những nguyên nhân khiến Washington không còn quá mặn mà với việc trừng phạt Moscow.

“Mối quan tâm của Mỹ hoàn toàn tập trung vào tranh chấp thương mại với Trung Quốc. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang xấu đi nhanh chóng, khó có thể dự đoán rằng mối quan hệ giữa Washington và Nga sẽ xuống cấp đáng kể”, Vasily Kashin, nhà nghiên cứu về Viễn Đông tại Viện Khoa học Nga, nhận định.

Theo ông Kashin, Mỹ nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ động thái nào có thể tiếp tục gây tổn hại cho các thị trường tài chính, bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã khiến Washington chịu đủ sức ép.

 

“Nếu Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mạnh tay mới với Nga bây giờ, bên cạnh các lệnh trừng phạt Trung Quốc, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Tuy vậy, các hành động của Washington cho thấy họ vẫn có khả năng đối đầu đồng thời với cả Nga lẫn Trung Quốc và giành chiến thắng”, chuyên gia Kashin dự đoán.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã thông báo sẽ tăng mức áp thuế đối với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tuần trước, song Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của của Trung Quốc, hôm qua nói rằng, Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại với Washington thông qua đàm phán ôn hòa.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp vào cuối tuần qua, Tổng thống Trump thông báo rằng, các quan chức Trung Quốc đã liên lạc với phía Mỹ để kêu gọi hai bên quay trở lại bàn đàm phán. Tổng thống Trump hoan nghênh đề xuất của Bắc Kinh và khẳng định, Mỹ sẽ sớm bắt đầu khởi động lại các cuộc đàm phán để đi đến ký kết một thỏa thuận thương mại.

Theo Thành Đạt/Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm