Quốc tế

Đức có nguồn cung khí LNG ổn định trong 15 năm

Với thỏa thuận vừa ký kết, Qatar sẽ cung cấp LNG cho Đức thông qua hãng năng lượng Mỹ Conoco Phillips, với một hợp đồng lên tới 15 năm.

Đồ cũ Nhật Bản “lên ngôi” / G7 xem xét áp trần giá 65-70 USD/thùng đối với dầu mỏ của Nga

Tại Đức, các nỗ lực thúc đẩy nguồn cung khí đốt mới sau khi tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 tạm dừng hoạt động đã bắt đầu có những kết quả đầu tiên. Đó là tìm nguồn cung khí đốt mới từ Trung Đông. Chính phủ Đức đang kỳ vọng đây sẽ là khởi đầu cho giai đoạn mới không còn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.

World Cup 2022 vẫn đang diễn ra, nhưng nước chủ nhà Qatar - cũng là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG hàng đầu thế giới, đã kịp "chốt" được khách hàng mới. Với thỏa thuận vừa ký kết, nước này sẽ cung cấp LNG cho Đức thông qua hãng năng lượng Mỹ Conoco Phillips, với một hợp đồng lên tới 15 năm.

"Chúng tôi rất vui mừng khi ký kết thành công thỏa thuận mua bán với khối lượng 2 triệu tấn LNG mỗi năm. Đây là thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn đầu tiên cho Đức, góp phần vào an ninh năng lượng của Đức nói riêng và châu Âu nói chung", Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Al-Kaabi nhấn mạnh.

Đức có nguồn cung khí LNG ổn định trong 15 năm - Ảnh 1.

Một tàu chở LNG từ Qatar. (Ảnh: Forbes)

Đây được xem là thắng lợi bất ngờ với Đức, khi trước đó Thủ tướng Olaf Scholz đã từng trực tiếp tới thăm Qatar nhằm thúc đẩy đàm phán mua khí đốt nhưng không thu được nhiều kết quả.

Phải tới năm 2026, những tàu LNG đầu tiên theo hợp đồng này mới bắt đầu cập cảng tại Đức. Tuy nhiên đây vẫn là những thông tin lạc quan, khi mà nước này đang vừa phải đau đầu vì giá năng lượng cao, vừa phải giải bài toán giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.

"Chúng ta vẫn là một quốc gia mạnh mẽ và có thể vượt qua các thách thức hiện nay. Trong khi chúng tôi tiến hành đối thoại chính trị, các công ty sẽ đóng vai trò chính để đàm phán và ký kết hợp đồng với mức giá tốt nhất, có thể là Qatar hay những nhà cung cấp khác trên thị trường toàn cầu", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định.

Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng LNG của Đức cũng đang được đẩy nhanh. Nước này vừa khánh thành kho cảng tiếp nhận đầu tiên tại Wilhelmshaven và những trạm nổi xử lý LNG khổng lồ như con tàu Neptune, cũng đã bắt đầu cập cảng tại Đức để sẵn sàng đón nguồn khí LNG quốc tế kể từ năm sau, góp phần giải quyết vấn đề năng lượng đầy thách thức hiện nay với nền kinh tế số 1 châu Âu.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm