Đồ cũ Nhật Bản “lên ngôi”
Các hãng công nghệ lớn tại Mỹ ồ ạt sa thải nhân viên / Kinh tế Nga suy thoái về mặt kỹ thuật
Những chiếc vô tuyến, đài cassette hay máy giặt, điều hòa, tủ lạnh cũ của Nhật đã trở thành những đồ dùng gần gũi trong cuộc sống của không ít người Việt Nam. Không chỉ tại Việt Nam, đồ gia dụng, điện tử cũ của Nhật được ưa chuộng tại cả Nhật Bản và khắp nơi trên thế giới bởi độ bền của nó.
Ông Narita Yasuo đã kinh doanh cửa hàng đồ cũ này 20 năm. Từ nhỏ những đồ trong nhà bố mẹ mua về cũng là đồ cũ khiến ông luôn quan tâm đến việc mọi người tái sử dụng đồ vật như thế nào và hay lén đi xem các khu chợ buôn bán đồ cũ. Cũng từ đó, cửa hàng này đã ra đời khi ông quyết định khởi nghiệp.
"Đồ dùng còn đang sử dụng được mà vứt đi thì sẽ rất lãng phí, thay vào đó chỉ cần bảo trì, tút tát một chút lên là lại sử dụng tốt. Tôi luôn nghĩ như vậy và thực hiện điều đó bằng việc mở cửa hàng đồ cũ này", ông Narita Yasuo, chủ tiệm đồ cũ Lala, Tokyo, Nhật Bản, chia sẻ.
Đồ gia dụng, điện tử cũ của Nhật được ưa chuộng tại Nhật Bản và khắp nơi trên thế giới bởi độ bền của nó. (Ảnh minh họa - Ảnh: tokyocheapo)
Tại một cửa hàng đồ cũ, nhiều mặt hàng được trưng bày, ví dụ như: đồ nội thất có tủ, bàn ghế, giá kệ, đến đồ trang sức như vòng nhẫn, thậm chí cả đĩa CD, sách. Không khó để tìm thấy những cửa hàng như này trên nhiều con phố của Nhật Bản.
Theo ông Narita, văn hóa sản xuất chế tạo sản phẩm của người Nhật được hình thành lâu đời. Mỗi sản phẩm được tạo ra đều mang trong đó tình cảm, mong nguyện của người sản xuất đó là sản phẩm được sử dụng lâu nhất có thể. Cũng bởi vậy, người Nhật có ý thức rất cao trong việc sử dụng đồ vật, luôn trân trọng nâng niu từng món đồ. Đó cũng là nguyên nhân vì sao đồ cũ Nhật Bản luôn bền đẹp và được ưa chuộng cho đến nay.
"Các đồ được ưa chuộng bây giờ có đồ điện gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, tivi, điều hòa, hơn là những đồ trang trí nhà cửa, vì đó là những món đồ thiết yếu cho cuộc sống hiện đại. Tôi thường chọn bán những mặt hàng mà năm sản xuất không quá 3 - 5 năm. Chúng tôi thường đi thu mua chúng về", ông Narita Yasuo, chủ tiệm đồ cũ Lala, Tokyo, Nhật Bản, cho biết.
"Tôi là thợ chụp ảnh nên thường xuyên mua ống kính tại cửa hàng đồ cũ. Nghề chúng tôi phải sử dụng rất nhiều thể loại ống kính khác nhau, cứ ra mẫu mới sẽ bán cái cũ của mình đi, nên tôi sẽ bán ở cửa hàng đồ cũ và tìm mua luôn dòng mới hơn ở đó. Việc sử dụng món đồ nào đó lâu dài luôn là xu hướng của người Nhật chúng tôi", anh Arai Hirosato, nhiếp ảnh gia Nhật Bản, cho hay.
Toàn nước Nhật đã hình thành nhiều hệ thống cửa hàng đồ cũ như Book-off. Những cửa hàng bán đồ cũ này đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của người Nhật Bản và tái sử dụng đồ cũ cũng trở thành nét đặc trưng trong văn hóa của nước này. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vật giá tăng cao, xu hướng "tái sử dụng đồ cũ chất lượng tốt, giá rẻ" lại càng phổ biến.
End of content
Không có tin nào tiếp theo