Quốc tế

Đức lên phương án khẩn cấp chuẩn bị cho xung đột với Nga

Quan chức quốc phòng Đức kêu gọi huấn luyện binh lính khẩn cấp để chuẩn bị cho nguy cơ xung đột với Nga.

Mỹ lo ngại Ukraine tấn công trạm radar hạt nhân của Nga / ISW: Washington nên cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga

Binh lính tập trận quân sự ở Đức (Ảnh: AFP).

Binh lính tập trận quân sự ở Đức (Ảnh: AFP).

Avia Pro ngày 2/6 đưa tin, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức, bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải huấn luyện binh lính khẩn cấp để chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Nga.

Bà nhấn mạnh rằng quân đội Đức cần tuyển ít nhất 900.000 quân dự bị, cùng với 180.000 quân nhân tại ngũ sẽ nâng quy mô quân đội Đức lên hơn một triệu binh sĩ và sĩ quan.

Quan chức Đức lý giải quan điểm của mình bằng sự cứng rắn của Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời lưu ý rằng các công dân Nga cũng sẵn sàng cho tình huống xung đột xảy ra.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 2/6 tuyên bố động thái gần đây của NATO nhằm củng cố biên giới phía đông để ngăn chặn Nga. Theo ông, Moscow cần phải hiểu rõ rằng liên minh này sẵn sàng tự vệ nếu cần thiết.

 

Thủ tướng Scholz cho biết Đức đã đóng vai trò dẫn đầu trong sự hiện diện của NATO tại vùng Baltic gần biên giới Nga, kéo dài gần một thập niên.

"Bởi vì mối đe dọa từ Nga sẽ tiếp tục, nên năm ngoái chúng tôi và các đồng minh khác đã quyết định triển khai thêm các đơn vị tới các nước vùng Baltic và đóng quân thường trú toàn bộ một lữ đoàn ở đó trong tương lai", ông Scholz nói.

"Sự thay đổi chính sách an ninh này là cần thiết để cho Nga thấy: Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ từng mét vuông lãnh thổ NATO trước các cuộc tấn công", nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh.

Ông cho rằng ngoại giao sẽ chỉ thành công nếu có sức mạnh, đồng thời nói thêm rằng một điều vô cùng quan trọng là các quốc gia vùng Baltic có thể hoàn toàn trông cậy vào việc các đồng minh NATO sẽ hỗ trợ phòng thủ trong trường hợp bị Nga tấn công.

"Đó là thông điệp dành cho chúng tôi. Nhưng đó cũng là thông điệp gửi tới Nga. Bởi độ tin cậy của cam kết này tất nhiên cũng là một phần tính toán của Nga", ông Scholz nói thêm.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đầu tuần trước đã cảnh báo các thành viên NATO không cho phép Ukraine bắn vũ khí vào lãnh thổ Nga, sau khi một số đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế áp đặt đối với việc sử dụng vũ khí tài trợ cho Kiev.

Chính phủ Đức đã cho phép Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Berlin cung cấp để tấn công Nga tại các vị trí ngay sát biên giới chung giữa hai nước.

Ông Steffen Hebestreit, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, hôm 31/5 tuyên bố "Ukraine có quyền tự vệ theo luật quốc tế để đáp trả lại cuộc tấn công xuất phát từ bên trong lãnh thổ Nga".

Ông nói rằng trong những tuần gần đây, Moscow đã gia tăng các cuộc tập kích từ lãnh thổ Nga vào Ukraine, đặc biệt là nhắm vào khu vực quanh Kharkov. Ông nhấn mạnh, Berlin cùng các đồng minh phương Tây đều ủng hộ Ukraine phòng vệ trước các đòn tấn công từ Nga.

Quyết định này đánh dấu sự thay đổi chính sách quan trọng của Berlin, diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden "bật đèn xanh" cho Kiev tấn công đáp trả Nga bằng vũ khí mà Mỹ cung cấp.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm