Quốc tế

Nga nắm thế thượng phong ở Ukraine, phương Tây đối mặt lựa chọn khó khăn

Cửa sổ quyết định đang đóng lại nhanh chóng, phương Tây không còn nhiều lựa chọn trong cuộc xung đột Nga - Ukraine khi Kiev đang ở thế bất lợi.

Mỹ lo ngại Ukraine tấn công trạm radar hạt nhân của Nga / Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói Ukraine mất 35.000 quân trong tháng 5

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ukraine rơi vào thế bất lợi

Bất chấp ý kiến trái chiều và thậm chí cảnh báo cứng rắn từ Nga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron những tháng gần đây liên tục khẳng định Pháp không loại trừ khả năng đưa quân đến hỗ trợ Ukraine.

"Ngày nay, để đạt được hòa bình ở Ukraine, chúng ta không được yếu đuối", nhà lãnh đạo Pháp gửi thông điệp đến các đồng minh phương Tây trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tháng trước.

Những kế hoạch như ý tưởng đưa quân vào Ukraine có nguy cơ khiến xung đột Ukraine leo thang đáng kể, song dường như đều bắt nguồn từ đánh giá tình hình rất chân thực rằng Ukraine đã bắt đầu mất lợi thế trên chiến trường.

Sau hơn 2 năm xung đột ở Ukraine, mục tiêu chính của Kiev là quay trở lại ít nhất là đường biên giới năm 2022, dường như ngày càng khó trở thành hiện thực.

 

Ukraine đang đối mặt với mối đe dọa tồn vong có thể so sánh với tình hình ngay khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, một điều khác là, tình hình hiện nay sẽ khó có chuyển biến tích cực như trước kia, ít nhất là trong tương lai gần.

Theo Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky, không chỉ các điều kiện dọc tiền tuyến trở nên tồi tệ hơn đáng kể, mà nguy cơ Ukraine thua Nga cũng đang được thảo luận công khai bởi những người như cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên quân Anh Richard Barrons.

Trả lời phỏng vấn BBC hồi tháng 4, ông Barrons nói rằng, Ukraine có thể thua trong năm 2024. Đây có thể là cách ông hối thúc phương Tây nhanh chóng viện trợ thêm cho Ukraine.

Tuy nhiên, việc Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg công khai thừa nhận rằng để chấm dứt chiến sự, Ukraine sẽ phải đàm phán với Nga và quyết định "họ sẵn sàng thực hiện những thỏa hiệp nào" là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mọi việc đang diễn ra không tốt đẹp cho Ukraine.

Có một số lý do có thể lý giải cho những đánh giá này của giới chức phương Tây.

 

Đầu tiên là tình hình ngày càng tồi tệ ở mặt trận, nơi Ukraine thiếu cả nhân lực lẫn trang thiết bị, đạn dược để giữ vững phòng tuyến trước đà tiến công của Nga. Điều này sẽ không thể xoay chuyển trong một sớm một chiều.

Thứ hai, luật huy động mới của Ukraine chỉ mới được thông qua nên sẽ mất thời gian để huấn luyện, triển khai và hội nhập lực lượng quân sự mới ở mặt trận.

Thứ ba, nền kinh tế Nga đã có khả năng phục hồi trước các lệnh trừng phạt của phương Tây và chứng kiến sự tăng trưởng bất chấp xung đột. Ngoài ra, Moscow có thể tận dụng nguồn cung trang thiết bị lưỡng dụng từ các đối tác nước ngoài để phục vụ cho mục đích quân sự.

Moscow cũng đã tự sản xuất được nhiều thiết bị và đạn dược. Phần lớn trong số này được thực hiện tại các cơ sở nằm ngoài tầm với của vũ khí Ukraine.

Điều này không có nghĩa là mọi việc đều ổn với nguồn cung cấp của Nga, nhưng chắc chắn chúng vượt trội hơn những gì Ukraine có thể tự mình xoay sở khi không có sự hỗ trợ của phương Tây.

 

Lợi thế này đã cho phép Nga áp dụng chiến lược "nghiền nát" hệ thống phòng thủ của Ukraine dọc theo các mặt trận trải dài hơn 1.000km, đặc biệt ở vùng Donbass, miền Đông nước này, nơi Nga liên tục tăng cường sức ép lên lực lượng Ukraine những tháng gần đây.

Hiện tại, Nga cũng tập trung đáng kể lực lượng cho mũi tấn công Kharkov, đông bắc Ukraine kể từ đầu tháng 5.

Theo các nhà phân tích, quân số 100.000-120.000 không đủ để Nga tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới quy mô lớn nhằm bao vây hay kiểm soát hoàn toàn Kharkov. Tuy nhiên, quân số này đủ để Nga trói chân một số lượng lớn lực lượng Ukraine, khiến phòng tuyến của Ukraine ở những nơi khác vốn mỏng càng thêm mỏng và dễ tổn thương.

Giới chuyên gia cho rằng, Nga khó đạt được bước tiến lớn ở Kharkov, nhưng cuộc tấn công của họ hiện nay là một phần trong nỗ lực thăm dò điểm yếu trên hệ thống phòng thủ Ukraine, mở đường cho một cuộc tấn công lớn hơn vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Trong bối cảnh này, điều quan trọng cần nhớ là các mục tiêu tổng thể mà Nga đã tuyên bố.

Việc kiểm soát phần còn lại của khu vực Donetsk sẽ là bước đầu tiên của Nga và tạo cơ sở cho những bước tiến tiếp theo ở khu vực Zaporizhia, và Kherson, miền Nam Ukraine.

 

Việc Ukraine rút quân khỏi các vị trí phòng thủ tốt hơn khỏi tiền tuyến hiện tại ở Donbass sẽ khiến mục tiêu trước đây - kiểm soát toàn bộ Donbass - trở nên khả thi hơn đối với Nga.

Liệu điều này có xảy ra hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào hình thức hỗ trợ của phương Tây sắp tới và trong thời gian bao lâu.

Lựa chọn khó khăn của phương Tây

Nga nắm thế thượng phong ở Ukraine, phương Tây đối mặt lựa chọn khó khăn - 1

Binh sĩ Ukraine sử dụng tổ hợp phòng không vác vai Stinger do Mỹ sản xuất (Ảnh: Getty).

Connor Echols, nhà khoa học chính trị Mỹ, cho rằng phương Tây buộc phải đi đến một kết luận khó khăn là "cửa sổ quyết định đang đóng lại nhanh chóng" và họ phải thừa nhận rằng Ukraine đang mất dần lợi thế trên chiến trường.

 

Khi cơ hội thành công của Ukraine suy giảm, phương Tây đứng trước 3 lựa chọn khó khăn: Một là, tăng cường viện trợ cho Ukraine; Hai là, đẩy Kiev vào những nhượng bộ khó khăn trên bàn đàm phán; Ba là, trực tiếp tham gia cuộc chiến, thay cho Ukraine.

Mỹ, quốc gia viện trợ chính cho Ukraine, đã đóng băng viện trợ cho Ukraine suốt nhiều tháng do bất đồng tại quốc hội. Không ít chính khách Mỹ cho rằng chiến trường Ukraine sẽ tiếp tục đình trệ bất kể Washington có hành động hay không.

Tuy nhiên, họ đã sai. Trong khoảng thời gian đó, Nga đã đạt được những bước tiến và bắt đầu khôi phục khả năng cơ động trên chiến trường do sự chậm trễ trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine.

Ukraine không thể giữ vững các phòng tuyến hiện tại nếu Mỹ không nhanh chóng cung cấp trang thiết bị quân sự mặc dù quốc hội cuối cùng đã thông qua gói viện trợ bổ sung trị giá gần 61 tỷ USD cho Kiev.

Thiếu các tổ hợp phòng không đã khiến các đơn vị tiền tuyến của Ukraine phải đối mặt với máy bay Nga lần đầu tiên thả hàng nghìn quả bom vào các vị trí phòng thủ của Kiev.

 

Tình trạng thiếu pháo binh Ukraine đang cho phép quân Nga sử dụng các đoàn xe bọc thép mà không phải chịu tổn thất nặng nề như ở giai đoạn đầu xung đột. Nga đang tận dụng lợi thế của mình và tiến chậm nhưng đều đặn trên một số khu vực của mặt trận.

Kể từ đầu năm đến nay, lực lượng Nga đã kiểm soát thêm khoảng 600km2 lãnh thổ ở Ukraine.

Đà tiến công của Nga khiến Mỹ và các đồng minh nhận thức rằng việc tiếp tục trì hoãn hoặc ngừng hỗ trợ quân sự của phương Tây giúp Nga có được những bước tiến to lớn vào cuối năm 2024 và 2025, và cuối cùng là chiến thắng của Nga.

Nếu Nga đánh bại Ukraine, nguy cơ Nga tấn công vào NATO trong tương lai gần sẽ tăng đáng kể. Khi đó, thách thức bảo vệ các nước vùng Baltic nói riêng có thể trở nên gần như không thể vượt qua. Những rủi ro và tổn thất dài hạn này vượt xa cái giá ngắn hạn của việc nối lại viện trợ cho Ukraine.

Nga giành chiến thắng ở Ukraine sẽ là một đòn giáng mạnh vào phòng thủ của NATO, đặc biệt với các nước thành viên ở sườn đông bắc. Ngược lại, thành công của Ukraine, dù chỉ là giữ vững tiền tuyến ở vị trí hiện tại, sẽ khiến một cuộc tấn công thành công của Nga vào Ba Lan hoặc các nước vùng Baltic trở nên khó khăn và rủi ro hơn nhiều.

 

Kết quả lạc quan nhất là các nước phương Tây nhanh chóng tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Sự hỗ trợ này phải bao gồm đạn dược, các hệ thống phòng không, xe bọc thép và UAV. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp quốc phòng của phương Tây, đặc biệt ở châu Âu cũng cần chuyển sang chế độ thời chiến tương tự Nga.

Trên cơ sở đó, tình hình dọc tuyến tiền tuyến có thể ổn định và bất kỳ động thái tấn công nào mà Nga sẽ không đạt được nhiều bước tiến mới. Kết quả này sẽ tạo nên một vị thế được cải thiện đôi chút cho Ukraine.

Trường hợp xấu nhất sẽ là sự sụp đổ của một số khu vực trên tiền tuyến, điều này sẽ tạo điều kiện cho Nga giành được nhiều bước tiến hơn nữa. Mặc dù không hẳn khả năng đó xảy ra ở thời điểm hiện tại, nhưng nếu xảy ra, đó sẽ là một vấn đề lớn đối với tinh thần chiến đấu của Ukraine.

Việc này cũng sẽ khiến những người có quan điểm hoài nghi ở phương Tây thúc đẩy Ukraine bước vào đàm phán khi nước này đang ở thế yếu ngay cả khi gần 3/4 người Ukraine cởi mở với ý tưởng đàm phán.

Do đó, kết quả tồi tệ nhất không phải là Moscow giành được Kiev mà là sự thất bại quân sự của Ukraine về mọi mặt.

 

Một cuộc tấn công lớn của Nga vào mùa hè, nếu thành công, sẽ buộc Kiev phải thỏa hiệp. Ngoài thất bại với Ukraine, điều đó còn đồng nghĩa với sự bẽ mặt của phương Tây và có khả năng phá vỡ hoàn toàn mặt trận tương đối thống nhất ủng hộ Ukraine, từ đó tăng cường thêm sức mạnh cho Điện Kremlin.

Những lằn ranh đỏ dần bị phá bỏ?

Nga nắm thế thượng phong ở Ukraine, phương Tây đối mặt lựa chọn khó khăn - 2

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Đà tiến công của Nga, đặc biệt trong vài tuần trở lại đây ở Kharkov, dường như đang khiến một đồng minh phương Tây thay đổi quan điểm về sử dụng vũ khí viện trợ đối với Ukraine.

Những tranh luận gần đây của giới chức phương Tây xoay quanh các vấn đề vốn bị coi là "cấm kỵ" hay "lằn ranh đỏ" như đưa quân đến Ukraine, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tập kích vào lãnh thổ Nga.

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần khẳng định quan điểm, Pháp để ngỏ đưa quân vào Ukraine trong những trường hợp nhất định. Quan điểm này của ông vấp phải sự phản đối của các đồng minh như Mỹ, Đức, song lại nhận được sự ủng hộ của một số thành viên NATO như Estonia.

Khi những bất đồng về ý tưởng đưa quân đến Ukraine chưa lắng xuống, phương Tây tiếp tục tranh cãi về phương án "cởi trói" cho vũ khí phương Tây ở Ukraine, hay cho phép Ukraine tự quyết định sử dụng vũ khí phương Tây như thế nào, bao gồm cả tập kích vào lãnh thổ Nga.

Kể từ đầu cuộc chiến, các đồng minh vẫn yêu cầu Kiev không được tấn công lãnh thổ Nga để tránh nguy cơ leo thang với một cường quốc hạt nhân. Nói cách khác, Ukraine chỉ được quyền dùng vũ khí viện trợ của phương Tây tự vệ, chứ không được tấn công Nga. Tuy nhiên, "lằn ranh đỏ" đó dường như bắt đầu mờ nhạt dần.

Đầu tháng 5 này, Anh đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do nước này viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga nếu cần thiết. Ba Lan, Lithuania bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm này.

Tiếp đó, Mỹ cũng cho thấy đang thay đổi lập trường, dù không rõ ràng như Anh. Trong chuyến thăm Kiev hôm 15/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: "Chúng tôi không khuyến khích hay tạo điều kiện cho các cuộc tấn công bên ngoài Ukraine, nhưng chính Ukraine quyết định về cách thức tiến hành cuộc chiến này".

 

Một số nghị sĩ ở Mỹ, Pháp cho rằng chính phủ các nước này nên ra quyết định rõ ràng tương tự Anh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết nước này đồng ý để Ukraine sử dụng vũ khí do Stockholm viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước cũng nêu quan điểm: "Đã đến lúc các đồng minh xem xét có nên dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng nguồn vũ khí do phương Tây viện trợ hay không, đặc biệt trong bối cảnh giao tranh ác liệt ở Kharkov, gần biên giới Nga. Việc không cho phép Ukraine sử dụng những vũ khí này tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga khiến Kiev gặp khó trong nỗ lực tự vệ".

Tuy nhiên, ông Stoltenberg bác bỏ ý tưởng các thành viên NATO có thể sử dụng hệ thống phòng không của mình để bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine. Ông cũng phản đối triển khai lực lượng tác chiến NATO ở Ukraine. "Chúng tôi không có ý định gửi quân bộ binh của NATO vào Ukraine. Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc xung đột", ông nói.

Sử dụng các loại vũ khí tầm xa hiện đại do các đồng minh phương Tây cung cấp sẽ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu xuyên biên giới ở Nga. Điều này sẽ giúp các nhà hoạch định quân sự của Kiev định hình chiến trường rộng lớn hơn theo hướng có lợi cho họ.

 

Hiện tại, Nga vẫn có thể tập trung lực lượng và tiếp tế một cách tương đối an toàn do nằm gần các cơ sở hạ tầng quan trọng như căn cứ không quân và kho tiếp tế, ngay bên kia biên giới. Tuy nhiên, nếu phương Tây "cởi trói" những quy định, các cuộc tập kích xuyên biên giới của Ukraine có thể buộc Nga phải rút bớt nguồn lực khỏi tiền tuyến về lãnh thổ để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.

Chưa có sự thay đổi chính sách chính thức nào, nhưng việc loại bỏ hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Bất chấp tất cả những trở ngại trong năm qua, Kiev phần lớn vẫn tuân thủ hạn chế do đồng minh yêu cầu vì lo ngại những vi phạm dù nhỏ có thể khiến Ukraine mất nguồn viện trợ.

Việc sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga có thể mang lại lợi thế chiến thuật đáng kể cho Ukraine, nhưng nó cũng sẽ kéo theo những rủi ro địa chính trị khó lường buộc Kiev và phương Tây cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: "Một lần nữa, chúng tôi muốn cảnh báo rõ ràng với Washington, London, Brussels và các thủ đô phương Tây khác, cũng như Kiev, nơi nằm dưới sự kiểm soát của họ, rằng họ đang đùa với lửa. Nga sẽ không để yên cho những hành vi xâm phạm lãnh thổ của mình mà không bị đáp trả".

 

Các nhà phân tích cho rằng, phương Tây không nên coi nhẹ những cảnh báo đáp trả hạt nhân của Nga, đặc biệt nếu Nga coi các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của họ là một mối đe dọa hiện hữu. Học thuyết quân sự của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu trường hợp này xảy ra.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm