Quốc tế

Đức tạm thời kiểm soát công ty con của Gazprom (Nga)

Ngày 4/4, Đức tuyên bố đang tạm thời kiểm soát chi nhánh Gazprom Germania thuộc Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga để đảm bảo việc cung cấp năng lượng tại nước này.

Có đến 2/3 quân Nga được thay ra "nghỉ giữa hiệp", Mỹ cảnh báo biến động lớn ở Ukraine / Giữa chiến sự Ukraine nóng bỏng, tên lửa Iskander Nga gửi "tín hiệu đặc biệt" tới châu Âu

Đức tạm thời kiểm soát công ty con của Gazprom (Nga)

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga). Ảnh minh họa: EPA/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khẳng định bộ này tạm thời chỉ định Cơ quan quản lý Mạng Liên bang - Bundesnetzagentur làm bên được ủy thác cho Gazprom Germania cho đến ngày 30/9. Ông Habeck nêu rõ lệnh ủy thác, ngoài việc bảo vệ trật tự và an toàn công cộng, còn nhằm duy trì an ninh nguồn cung năng lượng và đây là bước đi là “cấp thiết” vì Gazprom Germania điều hành cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước.

Theo ông Habeck, Gazprom tuần trước bất ngờ thông báo ngừng hoạt động tại Gazprom Germania sau khi Berlin lên án gay gắt việc Nga yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble. Ông Habeck cho rằng Gazprom đã đặt ra điều kiện pháp lý không rõ ràng. Vì vậy, ông Habeck cho biết Chính phủ đang nỗ lực thực hiện những bước cần thiết nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng ở Đức.

Theo thỏa thuận tạm thời, quyền biểu quyết (bỏ phiếu của các cổ đông) ở Gazprom Germania sẽ được chuyển giao cho Bundesnetzagentur. Như vậy, Cơ quan quản lý năng lượng này sẽ được phép sa thải các thành viên quản lý và bổ nhiệm những người mới, cũng như thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo nguồn cung năng lượng.

Trước đó, Đức đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh của Mỹ và phương Tây đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, do phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhập khẩu của Nga, Berlin cho đến nay vẫn phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt hoàn toàn đối với dầu khí của Nga.

Nga và các nước châu Âu những ngày qua càng gia tăng bất đồng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh yêu cầu bên mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng ruble từ ngày 1/4 và các hợp đồng sẽ bị tạm đình chỉ nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện.

 

Tuy nhiên, Đức và các nước khác trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng cho rằng yêu cầu này là không thể chấp nhận được và vi phạm các thỏa thuận hiện có.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler cùng ngày 4/4 tuyên bố nước này sẽ làm mọi cách cần thiết để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga..

Phát biểu trước báo giới, bà Gewessler nói: “Chúng tôi phụ thuộc tới 80% (khí đốt nhập khẩu) từ Nga. Thay vì giảm đi, giới chức Áo lại tăng tỷ lệ này trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ qua và hiện chúng tôi phải làm mọi cách để giảm dần việc nhập khẩu khí đốt của Nga”.

Bộ trưởng Gewessler cho rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một lời cảnh báo nhưng việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch theo lộ trình cũng là một phần trong kế hoạch của Áo nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2040.

Theo “chương trình khung” của EU đặt ra, năm 2027 sẽ là thời hạn chót để chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Người đứng đầu ngành năng lượng Áo Gewessler mô tả tình hình lúc đầu của Áo sẽ là “cực kỳ khó khăn” so với những nước mua khí đốt khác vì Áo là quốc gia không giáp biển để có thể mở ga cuối tiếp nhận khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống đường ống dẫn khí.

 

Về phần mình, Thủ tướng Áo Karl Nehammer ngày 1/4 cũng thừa nhận nước này hiện phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga, do đó phương án ngừng nhập khẩu khí đốt hay dầu mỏ từ Nga ở thời điểm này là bất khả thi.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm