Quốc tế

Ông Hun Sen: "Campuchia không ngốc đến mức để quân Trung Quốc tới lãnh thổ của mình"

Ông nói tiếp rằng việc đặt các căn cứ quân sự nước ngoài trên đất Campuchia là vi hiến.

Toàn cảnh chiến sự tối 4/4: Chảo lửa Mariupol nóng rực - Nga sắp đánh lớn ở Đông Ukraine / Nga chịu trừng phạt chưa từng có tiền lệ, tại sao đồng Rúp lại "phản kích" thành công?

Ông Hun Sen bác bỏ cáo buộc

Theo Khmertimes, Thủ tướng Hun Sen hôm 3/4 khẳng định lại rằng sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor mới không phải được xây dựng để tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc ở Campuchia.

Được biết, Thủ tướng Campuchia đã có bài phát biểu nhân dịp thị sát tiến độ xây dựng Sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor.

Ông Hun Sen nói thêm rằng: "Campuchia không ngốc đến mức để quân đội nước ngoài vào lãnh thổ của mình, hoặc để quân đội Trung Quốc đến Campuchia."

Ông nói tiếp rằng việc đặt các căn cứ quân sự nước ngoài trên đất Campuchia là vi hiến.

Thủ tướng Hun Sen cũng nêu rõ Campuchia không cần quân đội nước ngoài mà chỉ cần khách du lịch nước ngoài.

Ông Hun Sen cho biết thêm sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor là thành quả của hòa bình và hợp tác tốt đẹp giữa Campuchia và Trung Quốc, sân bay này khi hoàn thành sẽ cung cấp việc làm cho người dân Campuchia chứ không phải Trung Quốc.

Ông Hun Sen: Campuchia không ngốc đến mức để quân Trung Quốc tới lãnh thổ của mình - Ảnh 1.

Sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor có kế hoạch đầu tư khoảng 880 triệu USD vào việc xây dựng sân bay, khởi công vào ngày 15/3/2020.

Việc xây dựng dự kiến kéo dài tổng cộng 36 tháng, sử dụng hơn 1.000 công nhân, 70% trong số đó là người Campuchia.

Theo kế hoạch, sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor dự kiến hoàn thành vào ngày 30/3/2023 và chạy thử nghiệm đầu tiên vào tháng 10/2023.

Hiện tại, việc xây dựng đã đạt khoảng 22% tổng kế hoạch. Thủ tướng Hun Sen đã đưa ra lời cảnh báo trước đối với các nhà phân tích trong nước và quốc tế không nên bắt đầu suy đoán sai lầm rằng sân bay mới ở Siem Reap sẽ được sử dụng để đón các máy bay chiến đấu của Trung Quốc.

Cảnh báo của ông được đưa ra trong bối cảnh những tuyên bố vô căn cứ trước đó về khả năng có sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Căn cứ Hải quân Ream và cả dự án cảng Koh Kong do Trung Quốc tài trợ.

Nhận xét của ông Hun Sen được đưa ra ngày 3/4 trong chuyến thăm để kiểm tra tiến độ xây dựng Sân bay Quốc tế Siem Reap-Angkor ở các xã Popel và Tayek, huyện Sotr Nikum.

 

Tuyên bố của Campuchia

"Tất cả các nhà phân tích, xin đừng suy đoán rằng đây là căn cứ cho máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Đừng đưa ra giả thiết như vậy. Nếu họ muốn hạ cánh ở đây, họ có thể hạ cánh bất cứ nơi nào họ muốn. Ví dụ, nếu họ muốn máy bay hạ cánh, và nếu có hoạt động quân sự, họ có thể hạ cánh xuống sân bay Pochentong [Sân bay quốc tế Phnom Penh] bất cứ địa điểm nào họ muốn.

Hy vọng rằng các nhà phân tích hoặc bình luận không coi sân bay này là một phần thể hiện việc tăng cường năng lực quân sự của Trung Quốc tại Campuchia. Tôi gửi tới mọi người một thông điệp là đừng phân tích điều đó một cách ngớ ngẩn".

"Campuchia không cần sự hiện diện quân sự của nước ngoài. Chúng tôi chỉ cần khách du lịch nước ngoài. Một số cáo buộc rằng cảng Dara Sakor ở Koh Kong được thiết kế cho quân đội Trung Quốc. Thật ngớ ngẩn! Campuchia không dại gì cho phép lãnh thổ của mình có quân đội nước ngoài, điều này trái ngược Hiến pháp. Chúng tôi để quân đội Trung Quốc và nước ngoài đóng tại Campuchia để làm gì?" - ông Hun Sen nói thêm.

Vào tháng 11/2019, The Asia Times trích dẫn các nhà phân tích suy đoán rằng cảng nước sâu đang được xây dựng như một phần của dự án phát triển của Trung Quốc ở tỉnh Koh Kong sẽ "đủ lớn để có khả năng tiếp nhận các tàu khu trục và khinh hạm Trung Quốc, cũng như các tàu khác của Hải quân Trung Quốc".

Điều này sau đó đã bị cả chính phủ Campuchia và Trung Quốc phủ nhận.

 

Chính phủ Campuchia hồi tháng 10 cũng bác bỏ một tuyên bố từ Đại sứ quán Mỹ cáo buộc rằng Trung Quốc đang tiến hành xây dựng Căn cứ Hải quân Ream.

Người phát ngôn Chính phủ Phay Siphan nói rằng cáo buộc từ Mỹ là vô căn cứ và chỉ là sự lặp lại những tuyên bố mà Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần phủ nhận.

Ông cho biết Campuchia hoàn toàn có khả năng tự phát triển căn cứ Ream và sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nước ngoài nào có cơ sở quân sự trên lãnh thổ có chủ quyền của mình.

Ông Siphan nói: "Đối với việc phát triển xây dựng Căn cứ Hải quân Ream, chúng tôi hoan nghênh bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ và sự giúp đỡ của Trung Quốc".

Chad Roedemeier, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ khi đó đã tuyên bố rằng: "Chúng tôi nhận thức được báo cáo nhất quán, đáng tin cậy rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các cơ sở tại Căn cứ Hải quân Ream".

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm