EU tăng viện trợ phòng không khiến xung đột ở Ukraine thêm trầm trọng?
Lầu Năm Góc: Mỹ có thể gửi thêm quân tới Ukraine / Nga bắn hạ máy bay chiến đấu Su-25 của Ukraine
Dự kiến, tại cuộc họp ngày hôm nay (22/4), Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận việc tăng cường cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine, đặc biệt là hệ thống Patriot. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Brussels (18/4), Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng nhắc lại chính sách ủng hộ dành cho Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ nhanh chóng bàn giao 6 hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine:
“Đức, nước đã chuyển giao hai hệ thống Patriot, đã quyết định chuyển giao một hệ thống khác. Điều này ngay lập tức hữu ích cho Ukraine. Nhưng chúng tôi cũng khuyến khích những nước khác làm điều tương tự và tự mình xem xét những khả năng trong nguồn lực của họ để nâng cao khả năng tự vệ của Ukraine”.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO cảnh báo sự chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine đã gây ra “hậu quả” nghiêm trọng, và các bên cần hỗ trợ ngay hệ thống phòng không cho nước này:
“EU sẽ tập trung vào hệ thống phòng không. Hiện có nhu cầu cấp thiết về phòng không. Chúng tôi đang tích cực làm việc về vấn đề đó. Chúng tôi đã tổng hợp dữ liệu về các hệ thống phòng không khác nhau mà chúng tôi có trong NATO, trong đó tập trung vào hệ thống Patriot, chúng tôi cũng đang làm việc với các đồng minh để đảm bảo rằng họ sẽ triển khai lại một số hệ thống khác tới Ukraine”.
Các cuộc thảo luận của EU về việc cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine diễn ra trong bối cảnh, Hạ viện Mỹ vừa qua đã thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có gần 61 tỷ USD cho Ukraine. Thượng viện Mỹ sẽ bắt đầu xem xét dự luật vào ngày 23/4. Quyết định cuối cùng gần như chắc chắn được thông qua, dọn đường cho Tổng thống Biden ký thành luật.
Hiện cả Nga và Ukraine đều đã đưa ra những phản ứng trái chiều trước thông tin trên. Về phía Ukraine, nước này coi đây sẽ là “cú hích kép” khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, dự luật viện trợ quan trọng của Mỹ sẽ giữ cho xung đột không lan rộng, cứu sống hàng nghìn sinh mạng.
Trong khi đó, về phía Nga, nước này nhiều lần khẳng định việc NATO tăng cường ủng hộ Ukraine sẽ chỉ khiến cuộc xung đột này thêm kéo dài. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov (20/4) cho biết việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine sẽ “hủy hoại thêm” Ukraine và khiến nhiều người thiệt mạng hơn trong cuộc xung đột.
End of content
Không có tin nào tiếp theo