Quốc tế

Giải mã Chính sách răn đe hạt nhân mới của Nga

Nga đang đẩy nhanh phát triển lực lượng hạt nhân để đáp ứng Chính sách răn đe hạt nhân mới của mình, và “cảnh cáo” việc Mỹ rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí.

UUV Nga lặn sâu 10 km thực hiện nhiệm vụ đặc biệt / Phi công Nga: MiG-35 dư sức đối đầu với F-35

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã ký ban hành Chính sách răn đe hạt nhân mới. Các nhà phân tích tin rằng, trong bối cảnh Mỹ đang dần rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược tạo ra những ảnh hưởng nặng nề cho cán cân chiến lược toàn cầu, việc Nga thông báo về chính sách răn đe hạt nhân mới là một biện pháp ngăn chặn hành động của Mỹ, đồng thời nhắc nhở Washington không nên đánh giá thấp lực lượng hạt nhân của Moscow.

Giải mã Chính sách răn đe hạt nhân mới của Nga
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Công tước Vladimir. Nguồn: eastday.com.

Nga làm rõ các điều kiện quan trọng để sử dụng vũ khí hạt nhân

Liên quan đến vị thế và vai trò của vũ khí hạt nhân đối với sức mạnh quân sự của Nga, chính sách răn đe hạt nhân mới chỉ ra rằng, Nga coi vũ khí hạt nhân là một biện pháp răn đe và là một biện pháp cần thiết trong hoàn cảnh “cực đoan”. Nga sẽ thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để giảm mối đe dọa hạt nhân và ngăn chặn sự xấu đi trong mối quan hệ giữa các quốc gia nhằm tránh gây ra xung đột quân sự, bao gồm cả xung đột hạt nhân.

Về hoàn cảnh sử dụng vũ khí hạt nhân, Chính sách răn đe hạt nhân chỉ ra rằng, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân khi đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và các đồng minh; Nga phải chịu sự xâm lược của vũ khí thông thường, đe dọa sự sống còn của Nga.

Có bốn điều kiện cụ thể để sử dụng vũ khí hạt nhân: (1) Có được thông tin đáng tin cậy về việc đối phương sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ Nga và đồng minh; (2) Kẻ thù sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và đồng minh; (3) Đối phương tấn công các cơ sở quân sự hoặc các căn cứ cấp quốc gia của Nga, làm cho những cơ sở này không thể hoạt động, làm gián đoạn phản ứng của lực lượng hạt nhân Nga; (4) Đối phương sử dụng vũ khí thông thường xâm lược và đe dọa đến sự sống còn của Nga.

Theo báo cáo của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Tsinghua-Carnegie, đây là lần đầu tiên Nga công khai chính sách răn đe hạt nhân chi tiết hơn. Chính sách răn đe hạt nhân của Nga tương đối phù hợp với chiến lược của Nga và đại đa số các chính sách hạt nhân trên thế giới.

 

Giải mã Chính sách răn đe hạt nhân mới của Nga
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Nguồn: eastday.com.

Điều đáng chú ý là, về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga chỉ đưa ra một số điều kiện “mơ hồ”, như “khi các cơ sở dân sự và quân sự quan trọng bị tấn công, có thể ảnh hưởng đến khả năng phản công hạt nhân của Nga”. Phạm vi của điều này quá rộng và có nguy cơ hiểu lầm. Nếu như đối phương không biết rõ các cơ sở dân sự hoặc quân sự nào có thể liên quan đến những sai lầm từ cả hai bên, từ đó dễ dàng phát sinh một cuộc chiến hạt nhân.

Trên phương diện thực hiện các biện pháp răn đe hạt nhân, Nga tập trung vào: Các đối thủ tiềm năng bố trí vũ khí mang tính tấn công trên lãnh thổ nước khác (tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, phương tiện bay vượt siêu âm, máy bay không người lái tấn công…); vũ khí năng lượng định hướng; hệ thống chống tên lửa; hệ thống cảnh báo tấn công hạt nhân; vũ khí hạt nhân; vũ khí mang tính sát thương quy mô lớn có thể tấn công Nga và đồng minh.

Giải thích về tài liệu này, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Peskov hôm 3/6 cho biết: “Những điểm chính của chính sách răn đe hạt nhân của Nga đã được nghiên cứu kỹ ở cấp chuyên gia hay là cấp cao nhất. Văn kiện vừa công bố là bản mới nhất, đã chỉ rõ ràng những tình huống nào có thể buộc Liên bang Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời văn kiện cũng nêu rõ, Nga sẽ không bao giờ là quốc gia khởi xướng việc sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Nga hiện đại hóa lực lượng hạt nhân để thực hiện chính sách của mình

Liên quan đến việc phát triển vũ khí hạt nhân, chính sách răn đe hạt nhân của Nga đề cập rằng, các lực lượng răn đe hạt nhân của Moscow bao gồm lực lượng hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không. Chính phủ Nga có kế hoạch thực hiện các biện pháp để duy trì và phát triển các phương tiện răn đe hạt nhân.

 

Giải mã Chính sách răn đe hạt nhân mới của Nga
Tên lửa SS-19 “hồi sinh” thông qua việc thay đổi đầu đạn vượt siêu âm. Nguồn: eastday.com.

Hiện tại, để đảm bảo hiệu quả răn đe hạt nhân, tốc độ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân đang được đẩy mạnh. Tháng 3/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nói trong một bài phát biểu trước Hội đồng Liên bang Nga rằng, tỷ lệ vũ khí và trang thiết bị hiện đại hóa của quân đội Nga đã đạt 68,2% và mục tiêu chung sẽ đạt 70% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ thiết bị hiện đại của lực lượng hạt nhân quân đội Nga sẽ tăng thêm 5% vào cuối năm 2020, đạt 87%.

Theo bản "Thông báo khoa học năng lượng nguyên tử" của Mỹ công bố hồi tháng 3/2020, tính đến đầu năm 2020, Nga có khoảng 6.370 đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến thuật, trong đó có 1.570 đầu đạn hạt nhân chiến lược trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, 870 đầu đạn hạt nhân chiến lược khác và 1.870 đầu đạn hạt nhân chiến thuật đang ở trạng thái dự trữ trong kho hạt nhân. Ngoài ra, có khoảng 2.060 đầu đạn hạt nhân tạm thời loại khỏi biên chế, đang trong tình trạng bị tháo dỡ nhưng vẫn có khả năng chiến đấu.

Về lực lượng hạt nhân trên đất liền, báo cáo của Mỹ cho biết, Nga có 11 sư đoàn tên lửa đạn đạo, được trang bị tổng cộng 302 tên lửa liên lục địa, bao gồm SS-18, SS-19, SS-25, SS-27… Trong đó, SS-27 là “xương sống” của lực lượng hạt nhân trên đất liền, số lượng lên tới 218 quả. SS-18, SS-19 và SS-25 thì được phát triển trong thời kỳ Liên Xô cũ và đang dần loại khỏi biên chế hoặc hiện đại hóa.

Về lực lượng hạt nhân trên biển, Hải quân Nga được trang bị 10 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, bao gồm 6 tàu ngầm hạt nhân lớp Delta IV, 1 tàu lớp Delta III và 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Borei. Các tàu ngầm này có thể mang theo 16 tên lửa đạn đạo được trang bị đầu đạn hạt nhân phân hướng. 10 tàu ngầm được trang bị tổng cộng khoảng 720 đầu đạn hạt nhân.

Đáng chú ý, trong tháng 6/2020, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Công tước Vladimir của Hải quân Nga sẽ chính thức được đưa vào hoạt động. Công tước Vladimir là chiếc tàu ngầm đầu tiên của tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ tư lớp Projekt 955А (Borei-A). Hải quân Nga có kế hoạch chế tạo 7 tàu ngầm hạt nhân lớp Borei để nâng cao toàn diện khả năng răn đe của lực lượng hạt nhân trên biển.

 

Giải mã Chính sách răn đe hạt nhân mới của Nga
Tàu ngầm hạt nhân lớp Delta IV phóng tên lửa đạn đạo. Nguồn: eastday.com.

Về lực lượng hạt nhân trên không, Nga hiện có khoảng 68 máy bay ném bom chiến lược, bao gồm 50 máy bay dòng Tu-95 và 13 máy bay dòng Tu-160. Những máy bay ném bom này có thể mang tên lửa hạt nhân Kh-55 và Kh-102, tầm bắn của chúng hơn 2.000 km mang lại cho máy bay ném bom chiến lược của Nga khả năng tấn công từ bên ngoài khu vực phòng thủ của đối phương. Hiện tại, Nga đã bắt đầu hiện đại hóa và nâng cấp Tu-95, Tu-160, được trang bị các thiết bị điện tử và vũ khí trên không tiên tiến hơn, và một thế hệ máy bay ném bom mới cũng đang được phát triển.

Ngoài ra, theo báo cáo của TASS, Nga đã bắt đầu chế tạo các nguyên mẫu của một thế hệ máy bay ném bom chiến lược tàng hình PAK-DA thế hệ mới, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Máy bay ném bom áp dụng thiết kế tàng hình, rất khó bị radar phát hiện. Sau khi sản xuất hàng loạt, nó dần thay thế các máy bay ném bom cũ như Tu-95.

Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính, đến đầu năm 2020 Nga đã chi khoảng 28 tỉ USD để hiện đại hóa “bộ 3 lực lượng hạt nhân”, đây là một khoản chi rất lớn trong bối cảnh Nga phải “thắt lưng buộc bụng”, điều này cũng thể hiện sự coi trọng của Nga trong việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã không ngừng làm mới kho vũ khí hạt nhân của mình, triển khai các hệ thống chống tên lửa quanh Nga và rút khỏi nhiều hiệp ước trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Một loạt các biện pháp của Mỹ đã gia tăng gấp đôi áp lực đối với Nga. Trong trường hợp sức mạnh quân sự thông thường không thể cạnh tranh với Mỹ, việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân đã trở thành một biện pháp quan trọng để Moscow duy trì sự cân bằng chiến lược với Washington.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm