Quốc tế

Hạm đội không người lái trong tương lai của Hải quân Mỹ

Vì môi trường làm việc nguy hiểm nên Hải quân Mỹ đang dần chuyển hướng sang phát triển các phương tiện không người lái để thay thế các phương tiện thông thường trong tương lai gần.

Hải quân Mỹ tập trận bắn đạn thật ngoài khơi Iran / Tại sao Mỹ lại ràng buộc Liên Xô với Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo?

Trong vài năm qua, Hải quân Mỹ đang tập trung phát triển 2 nền tảng phương tiện tác chiến không người lái cỡ lớn trên mặt nước (LUSV) với khả năng hoạt động dài ngày trên biển mà không cần có thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, để biến chúng từ nguyên mẫu thiết kế trở thành vũ khí thực sự, LUSV phải có khả năng chiến đấu thuyết phục được các nhà lập pháp Mỹ duyệt chi kế hoạch phát triển trị giá tới hàng tỷ USD.

Trong kế hoạch chi tiêu quốc phòng năm tài khóa 2020, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt kế hoạch chi hơn 200 triệu USD cho quá trình phát triển LUSV; 50 triệu USD khác cho chương trình phát triển phương tiện trinh sát không người lái trên biển mới. Điều này chứng tỏ hướng phát triển các phương tiện không người lái của Hải quân Mỹ đang là một trong những định hướng dài hơi đảm bảo ưu thế kiểm soát các đại dương trong tương lai.

Chương trình phát triển Sea Hunter là khởi đầu cho xu hướng xây dựng hạm đội không người lái của Hải quân Mỹ.

Những bước phát triển đầu tiên

Phát biểu trước báo giới trung tuần tháng 12/2019, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Christopher Grady tuyên bố về sự khởi đầu của hạm đội không người lái với việc phát triển hàng loạt khái niệm, điều kiện và phương thức huấn luyện dành cho các nhóm tàu viễn chinh, tàu sân bay và các hoạt động đặc biệt. Tuyên bố này đã mở đường cho việc tập trung phát triển dòng LUSV mới.

Quá trình phát triển các LUSV đầu tiên sẽ tập trung vào dòng chiến hạm trinh sát, viễn thám và tác chiến điện tử. Sau đó, Hải quân Mỹ sẽ phát triển các nền tảng chiến hạm hạng nặng dành cho nhiệm vụ săn ngầm, tấn công mặt đất với việc trang bị các ống phóng thẳng đứng mang đạn tên lửa hành trình.

Chuẩn đô đốc James Kilby - lãnh đạo Trung tâm phát triển tàu mặt nước cho rằng việc phát triển LUSV cũng giống như xây một con đường. Điều đầu tiên phải làm là đảm bảo con đường đi đúng hướng, khả năng chiến đấu sẽ được bổ sung sau đó.

Giới chức Hải quân Mỹ phác thảo thiết kế của LUSV tương đương tàu hộ tống với lượng choán nước khoảng 2.000 tấn và chiều dài khung thân đạt 90m. Công nghệ áp dụng cho LUSV được lấy từ những kinh nghiệm do Cơ quan Phát triển các dự án tương lai (DAPRA) thuộc Lầu Năm góc nghiên cứu và rút ra trên nhiều dòng phương tiện không người lái hải quân trước đây. Một trong những chương trình thử nghiệm thành công đáng kể của DAPRA chính là chương trình Sea Hunter với việc phát triển chiến hạm trinh sát nặng 135 tấn. Dù hình hài của hạm đội không người lái tương lai vẫn chưa thành hình, nhưng Hải quân Mỹ đang đặt nhiều kỳ vọng vào hướng phát triển này với biệt danh là “Hạm đội ma”.

Hạm đội hiện tại vẫn cần thủy thủ đoàn

Ngay sau khi nhậm chức năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã công bố kế hoạch mở rộng quy mô hạm đội lên 355 chiến hạm, tương đương với thời kỳ đỉnh cao của chiến tranh Lạnh. Tham vọng của Nhà Trắng không chỉ tạo ra sức ép khổng lồ với các đơn vị đóng tàu quân sự, mà còn là cả quy trình tuyển dụng, đào tạo cũng như duy trì đội ngũ thủy thủ và sĩ quan hải quân.

Bộ trưởng Bộ Hải quân Mỹ, Thomas Modly cho biết, từ con số 290 chiến hạm hiện nay, Hải quân Mỹ có thể nâng quy mô lên 355 chiến hạm vào năm 2030. Tuy nhiên, đó chỉ là về phần trang bị, còn để đảm bảo có đủ kíp thủy thủ đoàn thì các chuyên gia, sĩ quan vận hành chúng là vấn đề rất nan giải. Lãnh đạo Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Robert Burke nhấn mạnh, Hải quân Mỹ sẽ cần thêm 35.000 thủy thủ và kỹ thuật viên vận hành 65 chiến hạm mới. Số lượng trên tương đương với việc cơ quan này phải tăng nhân lực đến 25% so với số người hiện có.

Trước khi hạm đội không người lái thành hình, Hải quân Mỹ sẽ phải cố gắng duy trì năng lực tác chiến với các hạm đội hiện có.

Để đáp ứng yêu cầu tăng số lượng tuyển dụng nhân sự, chi phí cho vấn đề này đã được Hải quân Mỹ tăng từ 26 triệu USD năm 2014 lên 92 triệu USD vào năm 2019. Tuy nhiên, sức hút của ngành Hải quân vẫn được đánh giá là kém trên thị trường lao động Mỹ, thậm chí nhiều thủy thủ và kỹ thuật viên đã quyết định giải ngũ khỏi nghề nghiệp được coi là vất vả và nguy hiểm này. Đây cũng là vấn đề đã nhiều lần được giới chức quân sự Mỹ cảnh báo.

“Thủy thủ và kỹ thuật viên Hải quân thường cảm thấy không hài lòng với công việc hiện có. Điều này dẫn tới kỷ luật quân đội và sự tôn trọng giữa cấp dưới đối với chỉ huy không còn được duy trì như những năm trước đây. Nhiều người quyết định giải ngũ vì cho rằng họ bị trả lương thấp, không được trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ công việc, cũng như chất lượng đào tạo nhân sự kém. Đó là con số đáng báo động”, Tạp chí quân sự Mỹ Military Times đánh giá.

Vấn đề này đang ngày càng nghiêm trọng và được thể hiện rõ qua sự việc 2 chiến hạm thuộc Hạm đội 7 va chạm với các tàu dân sự năm 2017 làm hàng chục thủy thủ thiệt mạng. Sự việc đã khiến tinh thần của thủy thủ đoàn Mỹ xuống thấp kỷ lục.

Trong thời gian sắp tới, Hải quân Mỹ sẽ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thủy thủ, kỹ thuật viên bằng việc mở rộng các dịch vụ y tế, giáo dục và tăng lương. Cùng với đó, hàng loạt cuộc thi và giải thưởng truyền thống của hải quân cũng sẽ được khôi phục để tạo ra sức sống mới và tăng sức hút trên thị trường lao động.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm