Quốc tế

Hệ thống tác chiến điện tử chiến lược Nga vô hiệu hóa tiêm kích tàng hình NATO?

Những huyền thoại xung quanh tổ hợp tác chiến điện tử chiến lược Murmansk-BN của Nga rất cần được giải đáp.

Tổ hợp tác chiến điện tử "Pole-21" của Quân đội Nga / Nga đã phát triển hệ thống tác chiến điện tử tầm "bất khả thi"?

Gần đây trên báo chí quốc tế rộ lên thông tin về việc Nga sử dụng hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN chống lại máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Suy đoán đã được nhân rộng bởi nhiều phương tiện truyền thông, làm nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia Boyko Nikolov của tạp chí Bulgaria Military đã đề nghị Liên bang Nga thử nghiệm hoạt động của Murmansk-BN trên máy bay Mỹ do một quốc gia láng giềng mua gần đây:

"Việc NATO triển khai 52 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 ở Na Uy là cơ hội tuyệt vời để Quân đội Nga kiểm tra khả năng của hệ thống tác chiến điện tử của họ", ông Nikolov gợi ý.

Như vị chuyên gia đã chỉ ra, dựa theo lời của các nhà phát triển, tổ hợp tác chiến điện tử chiến lược Murmansk-BN vốn được thiết kế để ảnh hưởng đến hệ thống liên lạc toàn cầu tần số cao của phương Tây.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng hệ thống còn có khả năng cắt đứt kết nối của F-35 với các vệ tinh của Mỹ để từ đó rút ra thông tin. Trong trường hợp này, máy bay chiến đấu sẽ "không có tai mắt" và mất hiệu quả chiến đấu.

Nhà phân tích người Bulgaria giải thích rằng tầm hoạt động của Murmansk-BN là 5 - 8 nghìn km theo công bố của Nga, hoặc 3 nghìn km theo đánh giá từ phương Tây, cho dù có sai lệch nhưng tầm hoạt động vẫn là rất lớn.

Một trong những tổ hợp Murmansk-BN nằm ở biên giới Na Uy về lý thuyết đủ để gây tác động lên tiêm kích F-35, có cơ hội để kiểm tra ảnh hưởng đối với các hệ thống tàng hình của Mỹ từ Không quân Na Uy:

"Hơn nữa, bản thân nước Mỹ cũng công nhận rằng Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực tác chiến điện tử, vì vậy cuộc đối đầu giữa Murmansk-BN với F-35 sẽ rất đáng chú ý", ông Nikolov kết luận.

Về phần mình, Moskva khẳng định hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN đặt gần biên giới Na Uy và Phần Lan có thể ngăn chặn hiệu quả không chỉ liên lạc sóng ngắn trên toàn châu Âu, mà còn gây nhiễu hoàn toàn liên lạc của máy bay chiến đấu F-35 với các cơ sở quân sự mặt đất

"Thực tế cho thấy các tiêm kích tàng hình thế hệ năm trong trường hợp này vẫn có thể bay, nhưng rõ ràng nó sẽ bị 'điếc' và 'mù', dẫn tới không thể thực hiện các nhiệm vụ một cách bình thường".

“Hệ thống tác chiến điện tử của Nga thực sự đã bắt máy bay chiến đấu F-35 làm con tin. Điều này không có nghĩa là 52 tiêm kích F-35 của Na Uy sẽ phải nằm đất, tuy nhiên các phi công sẽ không có chỉ định mục tiêu".

"Điều này sẽ dẫn tới việc từng chiếc F-35 không thể hoạt động như một phần của biên đội và hầu hết các loại vũ khí sẽ không thể sử dụng được", một nhà phân tích người Nga trên trang Reporter cho biết.

Báo chí Nga nhắc lại, trước đó Không quân Hoàng gia Na Uy đã đặt mua tổng cộng 52 máy bay chiến đấu F-35A Lightning II từ Mỹ, hiệu quả thực sự của loại tiêm kích tàng hình này hiện đang bị đặt một dấu hỏi rất lớn.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại cũng có không ít nghi ngờ về hiệu quả của các tổ hợp tác chiến điện tử Murmansk-BN do Nga sản xuất, bởi chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy chúng gây tác động được tới tiêm kích tàng hình F-35.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm