Quốc tế

Hệ thống tên lửa HISAR thay đổi sức mạnh phòng không quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến ​​sẽ nhận được một loạt các hệ thống phòng không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa trong tương lai, sau khi hoàn thành nhanh quá trình thử nghiệm các hệ thống tên lửa phòng không HISAR hiện đại.

Nga phát triển hệ thống tên lửa chiến lược Kedr thế hệ mới / Nga bắt đầu thử nghiệm đạn dẫn đường trên tên lửa Monolith

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3-2021 đã công bố thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HISAR-O, trong chương trình thử nghiệm cấp nhà nước. Theo đó, hệ thống tên lửa phòng không này được phát triển với sự hỗ trợ của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tham gia của nhà thầu các nhà thầu chính là Aselsan, Roketsan.

Tổ hợp HISAR-O là vũ khí phòng không hiện đại, nằm trong dự án HISAR được Ankara triển khai nhiều năm qua, nhằm gia tăng khả năng phòng không, thực hiện các nhiệm vụ tiêu diệt máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, UAV và tên lửa không đối đất. Đồng thời bảo vệ hiệu quả các cơ sở quân sự và các cấu trúc chiến lược quan trọng khác trong giai đoạn mới.

Kế hoạch tái trang bị vũ khí phòng không

Hiện nay, cơ sở của các hệ thống phòng không Thổ Nhĩ Kỳ được tạo thành từ các tổ hợp do Mỹ chế tạo. Trong đó có các tổ hợp MIM-14 Nike-Hercules và MIM-23 Hawk, được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1950-1960. Ngoài ra trong kho vũ khí của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn có các tổ hợp tầm ngắn Rapier của Anh.

Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa tầm trung HISAR-O.

Bên cạnh đó, một hệ thống phòng không hiện đại, mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ nữa là S-400 mua của Nga, vốn trở thành một vấn đề phức tạp và là nguyên nhân các lệnh trừng phạt tiếp theo từ Washington.

Ankara đang phải đối mặt với nhiệm vụ tái trang bị lực lượng phòng không của mình từ các tổ hợp MIM-14 Nike-Hercules và MIM-23 Hawk của Mỹ sang các vũ khí mới đáp ứng được những thách thức ngày nay. Đồng thời, nước này đang cố gắng phát triển các hệ thống vũ khí của riêng mình để không phụ thuộc vào nước ngoài, phòng trừ các rủi ro trong chính sách đối ngoại.

Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực phát triển tổ hợp công nghiệp-quân sự, đồng thời tạo ra các hệ thống tên lửa phòng không của riêng mình. Đặc biệt trong dự án phòng không HISAR đầy tham vọng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ nhận được một loạt các hệ thống phòng không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa trong tương lai.

Năm 2007, Bộ Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ gửi yêu cầu chính thức tới các công ty trong nước và quốc tế về việc cung cấp các hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn. Ít nhất 18 công ty đã đáp ứng yêu cầu này.

Sau đó, công ty Aselsan của Thổ Nhĩ Kỳ được giao làm tổng thầu cho chương trình đầy tham vọng này. Hiện công ty này chiếm vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Ngoài ra, một công ty nổi tiếng khác của Thổ Nhĩ Kỳ là Roketsan, chịu trách nhiệm phát triển tên lửa phòng không dẫn đường (cho dự án HISAR), với chuyên môn chính là thiết kế, phát triển và sản xuất tên lửa thuộc nhiều loại và mục đích khác nhau. Roketsan đã có mặt trên thị trường từ năm 1988, và đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu của mình.

Hệ thống phòng không đa nhiệm HISAR

Năm 2008, Thổ Nhĩ kỳ khởi động chương trình Hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp (Turkish Low Altitude Air Defence Missile Systems - T-LALADMIS). Theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, các nhà thầu phải phát triển và chế tạo ra một hệ thống phòng không tầm ngắn để bảo vệ cho lực lượng mặt đất hành quân và bảo vệ các vị trí quan trọng.

Năm 2011, Roketsan và Aselsan đã trở thành nhà thầu chính cho chương trình T-LALADMIS. Trong giai đoạn đầu tiên, dự án tạo ra một trạm radar, hệ thống điều khiển chiến đấu và điều khiển hỏa lực mới. Tiếp theo đó là phát triển tên lửa phòng không có điều khiển và các bệ phóng. Theo dự kiến, tổ hợp phòng không mới sẽ được bàn giao cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2017. Tuy nhiên kế hoạch sau đó đã bị trì hoãn.

Hệ thống tên lửa phòng không HISAR tại triển lãm IDEF-2015.

Năm 2015, hệ thống tên lửa phòng không HISAR lần đầu tiên được giới thiệu tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế lần thứ 12 (IDEF-2015) tại Istanbul. Theo đó, hệ thống bao gồm tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung HISAR, tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Hisar-A, cùng hệ thống điều khiển hỏa lực chung.

 

Trước đó, các cuộc thử nghiệm tên lửa đầu tiên của tổ hợp tầm ngắn HISAR-A bắt đầu vào năm 2013, và tổ hợp tầm trung Hisar-O vào năm 2014. Các thử nghiệm của tổ hợp Hisar-O sau đó tiếp tục diễn ra cho đến thời điểm này.

Cụ thể, đầu tháng 3-2021, các phương tiện truyền thông đã đăng tải tin tức việc Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm thành công tổ hợp Hisar-O. Tổ hợp tên lửa này đã vượt qua giai đoạn tiếp theo, tiêu diệt thành công mục tiêu trên không.

Được biết, ít nhất 314,9 triệu Euro đã được phân bổ cho chương trình phát triển tổ hợp HISAR-A, và 241,4 triệu Euro khác dành cho việc phát triển tổ hợp Hisar-O. Trước đó vào tháng 10-2019, tổ hợp HISAR-A đã vượt qua tất cả các giai đoạn thử nghiệm. Sau đó, nó đã được Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất sản xuất hàng loạt, bắt đầu vào năm 2020.

Cũng trong khuôn khổ dự án phòng không HISAR, Ankara dự kiến tạo ra một tổ hợp tầm xa, với tên gọi HISAR-U (sau đó được đổi tên thành Siper). Quá trình phát triển của dự án này rõ ràng là sẽ khó khăn hơn so với những dự án trước đó, khi phạm vi tấn công của tên lửa phải vượt quá 100 km.

Tăng cường sức mạnh tấn công

 

Theo nhà phát triển, các tổ hợp phòng không HISAR có thể đánh trúng mọi loại mục tiêu trên không hiện đại từ trực thăng, máy bay đến tên lửa hành trình và máy bay không người lái của đối phương. Chúng có khả năng đánh bại các mục tiêu trên không trong mọi điều kiện thời tiết và thời gian. Tổ hợp cũng có thể tấn công các mục tiêu tầm cao, tầm thấp và trung bình, đồng thời cung cấp khả năng phòng không khu vực hoặc các vị trí trọng yếu.

Các tổ hợp HISAR-A và HISAR-B có thể được sử dụng cho vị trí cơ động, bao gồm các địa điểm tập trung và triển khai quân đội, hay bảo vệ các căn cứ quân sự và cảng biển, cũng như các cơ sở hạ tầng và công nghiệp chiến lược.

Sơ đồ bố trí tổ hợp tên lửa phòng không HISAR-B.

Một đặc điểm khác biệt của toàn bộ dự án HISAR là thiết kế theo mô-đun và khả năng sử dụng các khung gầm khác nhau: bánh lốp và bánh xích. Theo thông tin được Roketsan tiết lộ, tên lửa phòng không HISAR có khả năng phóng thẳng đứng, với ngòi nổ xung kích và tầm gần, cùng hệ thống điều khiển véc tơ lực đẩy, động cơ tên lửa hai tầng.

Trong quỹ đạo di chuyển, một hệ thống chỉ huy vô tuyến sẽ dẫn đường cho hệ thống phòng thủ tên lửa đến mục tiêu. Trong giai đoạn cuối cùng, hệ thống sẽ sử dụng hệ thống dẫn đường bằng tia hồng ngoại.

Tên lửa HISAR được trang bị đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao. Trong đó tên lửa HISAR-A có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 15 km, tổ hợp HISAR-B là khoảng 25 km.

 

Đồng thời, các tổ hợp HISAR-A là một phiên bản khá độc lập, khi bệ phóng, đài chỉ huy điều khiển hỏa lực và radar tìm kiếm mục tiêu ba chiều được đặt trên cùng một khung gầm. Tổ hợp này cũng có thể được đặt trên khung gầm bánh xích bọc thép FNSS ACV-30 do Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế.

Phương tiện chiến đấu này có thể cung cấp cho tổ hợp tốc độ lên tới 65 km/h trên đường cao tốc, cũng như khả năng vượt dốc 60% độ nghiêng và khả năng di chuyển ngang dọc với độ dốc là 30%. .

Theo công ty Roketsan, tên lửa của tổ hợp HISAR-A có khả năng tấn công hiệu quả mọi loại mục tiêu trên không ở khoảng cách tới 15 km và ở độ cao tới 5 km. Phạm vi phát hiện và theo dõi mục tiêu trên không đối với máy bay chiến đấu là 25 km. Hơn nữa, mỗi bệ phóng HISAR-A mang theo ít nhất 4 tên lửa sẵn sàng khai hỏa.

Theo các chuyên gia, các khả năng của tổ hợp HISAR-B có vẻ hoàn thiện hơn. Tổ hợp này cho phép tấn công các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 25 km và ở độ cao 10 km. Xét về phạm vi tác chiến, tổ hợp này vượt qua các phiên bản xuất khẩu hiện đại của hệ thống phòng không tầm ngắn Tor-M2 do Nga sản xuất. Ngoài ra, HISAR-B có phạm vi phát hiện và theo dõi mục tiêu loại máy bay chiến đấu là 40-60 km, số lượng theo dõi đồng thời là hơn 60 mục tiêu.

Trong mỗi khẩu đội có 18 tên lửa sẵn sàng trên bệ phóng, và 54 tên lửa trong mỗi tiểu đoàn (mỗi bệ phóng nằm trên khung gầm xe mang 6 tên lửa). Để bố trí bệ phóng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn khung gầm của xe tải Mercedes-Benz 2733, có bánh xe 6x6. Xe tải vận chuyển của tổ hợp HISAR-B cũng được chế tạo trên cùng một trục cơ sở. Mỗi xe chở được 6 thùng tên lửa đã nạp sẵn hỏa lực.

 

Theo kế hoạch ban đầu, các cuộc thử nghiệm của tổ hợp HISAR-B sẽ được hoàn tất vào năm 2018. Tuy nhiên, theo tin tức mới nhất từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nay các vụ phóng thử vẫn đang diễn ra. Hiện chưa có thông tin chính thức về việc đưa các hệ thống phòng không tầm trung vào sản xuất hàng loạt.

Bên cạnh đó, chưa có nhiều thông tin chính thức về tổ hợp HISAR-U (Siper) mới. Theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng tổ hợp này sẽ được bố trí trên khung gầm xe tải MAN Turkiye 8x8, và có thể tấn công các mục tiêu trên không trong phạm vi từ 30 đến 100 km.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm