Quốc tế

Iran có thể cố ý không gây thương vong cho Mỹ khi phóng tên lửa

Iran được cho là có những tính toán nhất định trong cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự ở Iraq để đảm bảo không gây thương vong cho binh sĩ Mỹ.

Iran và Mỹ tuyên bố khác nhau về hậu quả vụ không kích / Hàn Quốc sẵn sàng sơ tán khẩn cấp công dân khỏi Iraq

Iran có thể cố ý không gây thương vong cho Mỹ khi phóng tên lửa - 1 Căn cứ al-Asad ở Iraq trúng tên lửa rạng sáng 8/1. (Ảnh: Twitter)

Mặc dù được xem là đòn đáp trả nguy hiểm nhất do Iran thực hiện đối với Mỹ trong vòng 40 năm qua, song cuộc không kích bằng tên lửa của Iran nhằm vào căn cứ không quân al-Asad và sân bay Erbil tại Iraq, nơi binh sĩ Mỹ đang đồn trú, vào rạng sáng 8/1 rõ ràng không nhắm đến mục đích sát hại nhiều người Mỹ nhất có thể.

Theo CNN, Iran hiểu rằng các binh sĩ Mỹ thường vẫn đang ngủ vào đầu giờ sáng. Việc lựa chọn tấn công vào thời điểm này có lẽ nhằm hạn chế xuống mức thấp nhất số nhân sự, những người có mặt tại hai căn cứ quân sự trên vào sáng sớm, nguy cơ bị thương hoặc thiệt mạng.

Iran cũng nhận thức về việc Mỹ sở hữu hệ thống phòng không rất mạnh và luôn được đặt trong tình trạng báo động cao tại các căn cứ ở Iraq. Do vậy, Iran biết rõ các tên lửa của nước này có thể mạnh đến đâu trước công nghệ của Mỹ.

Paulo Casaca, chuyên gia về Iran và là giám đốc Diễn đàn Dân chủ Nam Á tại Brussels, nhận định cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran mang tính biểu tượng hơn là một cuộc tấn công chiến lược thực sự.

“Đó là hành động mang tính biểu tượng, họ chọn tấn công cùng khung giờ người Mỹ giết Tướng Soleimani”, ông Casaca nhận định.

 

Casaca dẫn các báo cáo ông nhận được nói rằng, các tên lửa của Iran không nhắm mục tiêu trực tiếp tới các cơ sở quân sự tại Iraq. Ông cũng nghi ngờ rằng quân đội Iran không triển khai công nghệ tên lửa tốt nhất trong cuộc tấn công lần này.

“Tôi không cho rằng họ đang tìm cách giết hại hay làm bị thương người Mỹ. Tôi nghĩ đó là một chiến dịch mang tính phô trương nhiều hơn”, ông Casaca cho biết thêm.

Như vậy, nếu mục tiêu thực sự của Iran là làm tổn thương số lượng lớn binh sĩ Mỹ tại Iraq, cuộc tấn công bằng tên lửa của Tehran vào sáng sớm nay là không phù hợp.

Tuy nhiên, cuộc tấn công này đã hoàn thành mệnh lệnh do Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đưa ra, đó là tấn công công khai mục tiêu quân sự của Mỹ để đáp trả vụ Washington không kích khiến Tư lệnh Iran Qasem Soleimani thiệt mạng hôm 2/1.

Iran hiểu rằng Mỹ chắc chắn sẽ chiếm ưu thế trong một cuộc xung đột quân sự trực diện. Do vậy, các cuộc tấn công như sáng 8/1 sẽ giúp gửi đi một thông điệp rằng, Iran có thể vượt qua lằn ranh đỏ của Mỹ nhưng không gây ra bất kỳ thiệt hại nào về người.

 

Giả thuyết về hành động của Iran

Iran có thể cố ý không gây thương vong cho Mỹ khi phóng tên lửa - 2 Người Iran xuống đường tuần hành tưởng niệm Tướng Soleimani. (Ảnh: Getty)

Mọi việc vẫn đang dần được làm sáng tỏ và các động cơ thực sự của Iran thường khó đoán, song có 3 giả thuyết để giải thích cho hành động của Tehran.

Giả thuyết thứ nhất, Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei chưa thực sự hiểu rõ về quân đội Iran và đánh giá quá cao khả năng tấn công hiệu quả của lực lượng quân sự nước này. Cuối cùng cuộc tấn công không được như mong muốn của ông.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự can dự của lãnh đạo tối cao với quân đội Iran, cũng như sự hiểu biết của ông với các hoạt động của quân đội, giả thuyết trên khó có khả năng xảy ra.

 

Giả thuyết thứ hai, tâm lý ôn hòa đã thắng thế trong nội bộ Iran và nước này đã lựa chọn phương án tấn công chủ yếu mang tính “dằn mặt”, khi tấn công các mục tiêu của Mỹ vào nửa đêm và chỉ sử dụng số lượng tên lửa hạn chế nhằm mở đường lui cho cả hai bên.

Giả thuyết này có vẻ hợp lý, vì cả Mỹ và Iran đều không được lợi gì từ một cuộc chiến kéo dài.

Giả thuyết thứ ba, Iran có thể đang tìm cách đánh lừa Mỹ, khiến Washington tin rằng quân đội của Iran rất yếu song thực chất Tehran lại đang ủ mưu cho những đòn đáp trả khốc liệt hơn.

Để thực hiện thành công giả thuyết trên, Iran sẽ phải tính toán để không gây tổn thương cho bất kỳ người Mỹ nào trong cuộc tấn công bằng tên lửa. Điều này cũng đòi hỏi phải có nhiều toan tính chiến lược từ một chính phủ vốn bị chia rẽ giữa phe cứng rắn và ôn hòa tại Iran.

Nếu cuộc tấn công vào sáng 8/1 là toàn bộ phản ứng của Iran, họ có thể sẽ phải đối mặt với một rủi ro khác: Chính quyền Trump có thể cho rằng những gì họ đã làm trong suốt một tuần qua đã phát huy hiệu quả và Iran đã bị khuất phục.

 

Điều này dẫn đến nguy cơ Iran sẽ phải hứng chịu thêm các hành động cứng rắn khác từ Mỹ, có thể không chỉ nhắm vào Iran mà còn các đối thủ khác của Washington. Điều này khiến Iran trở nên yếu thế hơn, trong khi các đối thủ của Iran trong khu vực sẽ được tiếp thêm sức mạnh.

Tất cả sẽ còn phụ thuộc vào tâm trạng của Tổng thống Trump, cũng như việc liệu ông chủ Nhà Trắng cảm thấy bị coi thường bởi những tuyên bố cứng rắn của Iran hay không.

Ông Trump có thể sẽ tính đến con đường mở cho cả Mỹ và Iran. Hai nước đều có một điểm chung, là đều không hứng thú với một cuộc xung đột mở, kéo dài với bên còn lại. Iran đang phải đối mặt với một nền kinh tế yếu kém và những bất ổn trong nước, trong khi ông Trump muốn được tái đắc cử và không muốn bị sa lầy.

Ngay sau cuộc tấn công, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết đây chỉ là hành động tự vệ. Nhà ngoại giao Iran khẳng định nước này không tìm cách “leo thang” căng thẳng hoặc “chiến tranh”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm