Quốc tế

Iran “tố” Mỹ lôi kéo Anh gây chiến với Tehran

Ngoại trưởng Iran cho rằng Mỹ đang tìm cách lôi kéo Anh vào một cuộc chiến với Tehran sau các vụ bắt giữ tàu chở dầu tại vùng Vịnh.

Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục duy trì tập trận chung / Doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách mua nông sản Mỹ

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (Ảnh: RT)

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (Ảnh: RT)

“Đừng mắc sai lầm. Không thể lôi kéo Tổng thống Donald Trump vào cuộc chiến thế kỷ, và lo sợ Nhóm B của ông ấy sụp đổ, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đang chuyển hướng sự nham hiểm của mình về phía Anh với hy vọng lôi kéo Anh vào một vũng lầy”, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter ngày 21/7, đề cập tới Nhóm B gồm các quan chức có lập trường cứng rắn tại Nhà Trắng.

Theo Ngoại trưởng Iran, “chỉ có sự thận trọng và nhìn xa trông rộng mới có thể ngăn chặn được những mưu đồ” của quan chức Mỹ.

Tuyên bố của ông Zarif được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Anh liên tục leo thang sau các vụ bắt giữ tàu chở dầu tại vùng Vịnh.

Anh ngày 4/7 đã bắt giữ một tàu chở dầu của Iran tại eo biển Gibraltar vì nghi ngờ tàu này chở dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Iran đã bác bỏ cáo buộc này, gọi đây là hành động “cướp biển” và cảnh báo sẽ đáp trả.

Ngày 19/7, Iran bắt giữ một tàu chở dầu Stena Impero của Anh tại eo biển Hormuz, sau khi cáo buộc tàu này có liên quan tới một vụ va chạm với tàu cá Iran và không tuân thủ cảnh báo của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

 

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuyên bố hành động bắt tàu chở dầu Anh đã cho thấy “những dấu hiệu đáng lo ngại” khi Iran lựa chọn “con đường nguy hiểm với hành vi bất hợp pháp và gây bất ổn”.

Đặc phái viên của Iran tại Anh Hamid Baeidinejad hôm qua khuyến cáo “chính phủ Anh nên kiềm chế các thế lực chính trị nội bộ, những người muốn căng thẳng giữa Anh và Iran leo thang vượt ra khỏi vấn đề tàu chở dầu”.

“Đây là hành động nguy hiểm và thiếu khôn ngoan vào thời điểm nhạy cảm trong khu vực. Tuy nhiên, Iran vẫn kiên định và sẵn sàng cho mọi tình huống”, đặc phái viên Iran khẳng định.

Sau khi bắt tàu chở dầu Anh, Iran đã đưa tàu này về cảng của Iran. Thủy thủ đoàn gồm 23 thành viên, bao gồm 18 người Ấn Độ, 3 người Nga, một người Latvia và một người Philippines.

“Tất cả họ đều khỏe mạnh. Họ vẫn đang ở trên tàu, còn con tàu đang được neo đậu tại một nơi an toàn. Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của họ. Nhưng chúng tôi vẫn phải tiến hành điều tra về con tàu. Cuộc điều tra phụ thuộc vào sự hợp tác của thành viên thủy thủ đoàn trên tàu, cũng như khả năng tiếp cận các bằng chứng của chúng tôi”, Allah-Morad Afifipoor, lãnh đạo cơ quan hàng hải và cảng tỉnh Hormorgan, Iran cho biết.

 

Theo ông Afifipoor, tàu chở dầu của Anh đã “gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải” tại eo biển Hormuz, một khu vực chiến lược với 1/5 trữ lượng dầu mỏ của thế giới đi qua đây mỗi năm.

Trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Anh cho biết các lực lượng Iran đã tiếp cận tàu chở dầu Anh khi tàu này đang hoạt động tại vùng lãnh hải của Oman, nơi tàu Anh thực thi quyền đi lại hợp pháp. Theo đó, Anh cho rằng hành động bắt tàu của Iran là “sự can thiệp trái pháp luật”.

Chính quyền Anh cũng đang xem xét một loạt phương án để trừng phạt Iran sau vụ bắt tàu chở dầu. Anh cũng kêu gọi các tàu chở dầu của nước này tránh xa khu vực eo biển Hormuz, nơi nằm trong tầm giám sát của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Theo Thành Đạt/Dân Trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm