Iraq muốn mua S-400 từ Nga, Mỹ tức giận cảnh báo "sốc"
Giải mã sức mạnh "khủng khiếp" của Mỹ trong cuộc chiến với Iraq năm 1991 / Mỹ nâng cấp "báo thép" M2 Bradley từng diệt hàng trăm xe tăng Iraq
Tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: AP |
"Hợp đồng đó sẽ kích hoạt lệnh trừng phạt, chúng tôi đề nghị các đối tác của mình không đặt bút ký những thỏa thuận như vậy", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Cận Đông Joey Hood ngày 14/1 phát biểu, nhắc đến việc Iraq mới đây đề nghị mua tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất, theo WSJ.
Theo lời quan chức Mỹ, nước này đã tham vấn cho các đối tác rằng họ không nên mua tổ hợp phòng không Nga. Phát biểu của ông Hood đến được đưa ra sau khi nghị sĩ Karaim Elaiwi - thành viên ủy ban An ninh và Quốc phòng quốc hội Iraq, cho biết Baghdad đang cân nhắc mua S-400.
"Chúng tôi đang bàn bạc với Nga về hệ thống tên lửa S-400 nhưng chưa có hợp đồng được ký. Chúng tôi cần những tên lửa này khi mà Mỹ đã khiến chúng tôi rất nhiều lần thất vọng khi không giúp đỡ chúng tôi có được vũ khí hiện đại", ông Elaiwi cho hay.
Trước đó vài ngày, Chủ tịch ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Quốc hội Iraq Mohammad Reza cho biết Baghdad sẽ nối lại đàm phán với Nga về việc mua S-300. Tuy nhiên, ông Reza đã từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Kế hoạch mua các hệ thống phòng thủ Nga của Iraq được đưa ra trong bối cảnh Baghdad muốn tự chủ giải quyết các vấn đề an ninh, nhất là sau khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh tại nước này.
Baghdad hiện sở hữu và vận hành nhiều mẫu vũ khí của Nga, bao gồm các hệ thống phòng không tầm ngắn-trung như Pantsir-S1 và các hệ thống tên lửa thời Xô Viết.
Giới phân tích cho rằng S-400 có sức hấp dẫn với nhiều quốc gia, kể cả những đồng minh chủ chốt của Mỹ, bởi nó được đánh giá là một trong những vũ khí hiện đại nhất mà Nga đang sở hữu, có nhiều ưu điểm không xuất hiện trên các khí tài tương tự của phương Tây.
Trước Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân cận của Mỹ trong khối NATO, đã chi hơn 2 tỷ USD mua tên lửa S-400 của Nga và nhận bàn giao trong năm 2019. Vụ việc khiến Washington nổi giận và cảnh báo áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chống Ankara.
End of content
Không có tin nào tiếp theo